Nối “mạch” kiến trúc truyền thống

Ở làng mộc Chàng Sơn (huyện Thạch Thất, Hà Nội) có những anh phó mộc còn trẻ nhưng đã lên hàng phó cả. Họ, với kỹ năng nghề được truyền dạy từ nhỏ, và kiến thức thu nhận được trên giảng đường đại học, đang trở thành những người tiếp nối dòng chảy của kiến trúc truyền thống trong đời sống hiện đại.

Tòa thủy đình ở Bảo tàng Dân tộc học giờ đã trở thành chuẩn mực để nhiều địa phương khác làm theo.
Tòa thủy đình ở Bảo tàng Dân tộc học giờ đã trở thành chuẩn mực để nhiều địa phương khác làm theo.

Từ chuyện tòa thủy đình ở bảo tàng…

Năm 2015, Bảo tàng Dân tộc học (quận Cầu Giấy, Hà Nội) khánh thành tòa thủy đình trong khuôn viên, để phục vụ biểu diễn rối nước. Một tòa nhà gỗ kiến trúc truyền thống ba gian, tám mái đứng trên mặt nước vút cong mềm mại. Khi Ban Giám đốc mời đại diện đơn vị thi công lên để nói lời cảm ơn, tất cả đều ngạc nhiên khi thấy một “anh thợ” mảnh khảnh, giản dị lên nhận hoa. Đó chính là Giám đốc doanh nghiệp Nhà gỗ Phúc Lộc Nguyễn Huy Khiêm. Năm đó, Khiêm 34 tuổi.

Khi được hỏi chuyện bắt đầu học nghề từ khi nào, thay vì câu trả lời, Khiêm cho tôi xem một clip (đoạn phim). Một đám bốn đứa trẻ, cả trai lẫn gái, cỡ năm, sáu tuổi, trong tay mỗi đứa một dùi một đục. Chúng nhoay nhoáy đục vào một thân cây gỗ lớn, kèm theo tiếng lách cách vui tai. “Ở Chàng Sơn, những gia đình làm nghề, đứa trẻ nào cũng thế. Nhiều người hỏi tôi làm thế nào để nhớ việc lắp dựng hàng nghìn cấu kiện, với thuật ngữ phức tạp, rồi bao nhiêu điển tích để chạm trổ, hay từ khi nào bắt đầu thành thạo cây dùi đục… thì đấy là câu trả lời. Thật khó để nói tôi học nghề từ khi nào. Mọi thứ nó ngấm vào một cách tự nhiên thôi”.

Khiêm theo học Trường đại học Phương Đông, khoa Kiến trúc. Những cây cột, chiếc xà, “con lợn”... trong kiến trúc cổ, hay ý nghĩa của những bức chạm khắc được “giải mã” ở những góc độ, chiều kích sâu, rộng hơn trên ghế giảng đường. Những công việc thường ngày của người thợ mộc, lại ẩn chứa những giá trị văn hóa hơn những gì Khiêm vốn được biết. Sự say mê với nếp nhà xưa, không còn chỉ tự nhiên như thời thơ bé, mà bằng cả sự hiểu biết, trân trọng.

Lập nghiệp bằng nhà gỗ truyền thống khiến Khiêm gặp không biết bao gian khó. Nghĩ đến dựng những ngôi nhà gỗ cổ truyền, người ta hình dung ngay về những hiệp thợ mà phó cả, thường là những bậc lão niên. Những anh phó trẻ, thường chỉ chuyên dùng sức cưa xẻ, đóng bén, bào trơn. Dễ hiểu thôi. Chỉ nhớ tên những cấu kiện nhà cổ cũng đủ mệt, chưa nói đến kích thước, tỷ lệ, tính mỹ thuật của từng mảng đục, chạm rồi cả yếu tố phong thủy… Những ngôi nhà bạc tỷ, người ta phải giao cho những hiệp thợ lâu năm, những người hiểu sâu về văn hóa truyền thống. Năm 2007, Nguyễn Huy Khiêm thành lập doanh nghiệp, nhưng nhiều công trình vẫn phải nhờ cậy danh tiếng của người cha. Chuyện nhận hợp đồng thi công tòa thủy đình ở Bảo tàng Dân tộc học cũng phải qua bao nhiêu khúc mắc mới được giải quyết. Khiêm đã mất hẳn một năm trời xây dựng đồ án tòa thủy đình đó. Đến khi chuẩn bị thuyết trình về thiết kế, một lãnh đạo Bảo tàng bảo Khiêm: “Cậu gọi ngay một kỹ sư lên đây trình bày cho tôi”. Khiêm chỉ cười. Dù lúc đó đã là một thạc sĩ, sau khi bảo vệ thành công đề tài “Bảo tồn các công trình kiến trúc nhà ở có kết cấu gỗ ở làng Cự Đà” tại Trường đại học Kiến trúc Hà Nội, Khiêm vẫn luôn coi mình là một người thợ. Khiêm bảo người ta không tin cũng đúng. Khiêm giản dị như một anh phó mộc. Và lại là một anh phó mộc trẻ. Sau này, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học kể với Khiêm, rằng ông tin vào một người thợ trẻ giàu tri thức như Khiêm, nên đã vượt qua định kiến của đồng nghiệp để giao thi công một công trình khó. Nguyễn Huy Khiêm nhớ lại: “Thủy đình vốn thuộc không gian làng, nhiều tòa còn thuộc không gian tâm linh. Không thể bê nguyên trang trí đó vào tòa thủy đình ở Bảo tàng, vì đây là nơi biểu diễn. Mình không đưa yếu tố tâm linh như rồng, phượng vào trang trí ở đầu đao, mà thay vào đó là dùng lá “long vĩ” - một mô-típ trang trí của làng mộc Chàng Sơn để phù hợp với không gian nhiều cây xanh tại đây. Mình thiết kế ba gian, nhưng “trốn” hai cột ở phía trước, tạo thuận lợi cho biểu diễn”. Tòa thủy đình ở Bảo tàng Dân tộc học bây giờ đã trở thành chuẩn mực để nhiều địa phương khác làm theo.

… đến lợi thế của những anh “phó trẻ”

Nhà gỗ cổ truyền mang theo triết lý của người Việt trong ứng xử với tự nhiên và xã hội. Trải qua quá trình hoàn thiện và thích nghi, ngôi nhà truyền thống của người Việt như một thành tố hòa hợp với môi trường chung quanh, đông ấm, hè mát. Cuộc sống đổi thay, nhiều người mải chạy theo xu hướng hiện đại. Nhưng rồi, khi đã “no nê” những tân kỳ thời thượng, người ta đã nhận ra những giá trị của nếp nhà xưa, và trở về nguồn cội. Gian nhà truyền thống đề cao không gian thờ cúng, ở gian chính giữa. Nhà hiện đại, thường đẩy tít lên tum. Nhiều người nhận ra sự bất cập này. Dựng nhà truyền thống, là một cách để nhiều người muốn con cháu luôn nghĩ đến tổ tiên. Người làm mộc Chàng Sơn trước đi theo hai hướng chính: làm bàn ghế, đồ thờ nội thất và làm nhà. Làm nhà cổ một thời thất bát. Nhưng giờ, cơ hội đã đến với những người còn giữ nghề. Không chỉ Huy Khiêm, một số “phó trẻ” khác cũng gặt hái thành công. Kiến trúc sư Nguyễn Giang, chủ thương hiệu “Gỗ Giang” là một thí dụ khác. Cả Giang và Khiêm giống nhau bởi cũng sinh ra trong gia đình “có nghề” ở làng Chàng Sơn, cũng theo học kiến trúc, cũng chật vật nhiều năm tháng trước khi thành danh trong lĩnh vực tưởng chừng chỉ thuộc về những người có tuổi.

Trong sự đổi thay của cuộc sống hiện đại, lợi thế lại đang thuộc về những người trẻ tuổi, được đào tạo bài bản. Chỉ trên nền kiến thức ấy, người ta mới có thể nối mạch chảy của kiến trúc truyền thống vào cuộc sống đương đại. Ví như, xưa, công trình vệ sinh thường xa nhà, nay, cần khép kín. Ở những ngôi nhà ba gian hai chái, nay phải thiết kế sao cho hợp lý trong nhà gỗ, với những vật liệu, mầu sắc phù hợp. Phải xử lý nhà gỗ cửa bức bàn sao cho vẫn dùng được máy điều hòa không khí. Để làm được điều đó, những chiếc máy điều hòa hiện đại đã được thiết kế ẩn sau những hoa văn trang trí phương Đông... Kiến trúc sư Nguyễn Giang còn đau đáu với việc làm thế nào để đưa ngôn ngữ kiến trúc truyền thống vào những căn nhà trên phố.

Kiến trúc truyền thống là một di sản rất giá trị, song vẫn chưa được chú ý và trân trọng đúng mức. Phải làm sao để những giá trị đó tồn tại trong sự vận động và phát triển. Từ câu chuyện của những ngôi nhà gỗ, có thể thấy, ý thức cộng đồng chính là chiếc chìa khóa quan trọng nhất, song, cũng khó tạo ra nhất.

Nối “mạch” kiến trúc truyền thống ảnh 1

Làm nhà cổ một thời thất bát. Nhưng nay, cơ hội đã đến với những người còn giữ nghề.