Những mất mát âm thầm

Nghề làm tranh dân gian Ðông Hồ đã được Chính phủ đồng ý cho xây dựng hồ sơ quốc gia đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Trong bối cảnh dòng tranh dân gian từng một thời hoàng kim này đang dần bị mai một, nhiều học giả, chuyên gia trong nước và quốc tế đều thống nhất quan điểm, cần có những giải pháp bảo tồn cấp bách.

Du khách trải nghiệm các công đoạn làm tranh Ðông Hồ.
Du khách trải nghiệm các công đoạn làm tranh Ðông Hồ.

Lay lắt và biến dạng

Gần 500 năm trôi qua, tranh dân gian Ðông Hồ vẫn là sản phẩm văn hóa tinh thần giá trị với nhiều thế hệ người dân Việt Nam. Năm 2012, nghề làm tranh dân gian Ðông Hồ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH - TT&DL) chính thức công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cần được bảo vệ. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc sản xuất tranh bị ảnh hưởng nghiêm trọng do số lượng tiêu thụ bị sụt giảm. Cũng như các trung tâm sản xuất tranh dân gian khác ở Việt Nam, làng tranh Ðông Hồ đang đứng trước những thách thức không nhỏ.

Trước năm 1945, cả làng Ðông Hồ có chừng hơn 150 gia đình làm tranh dân gian. Ðến nay, số nhà làm tranh chỉ còn lại ba gia đình. Dù đã có nhiều nỗ lực quảng bá, đầu tư các nguồn lực để bảo tồn và phát triển nghề làm tranh dân gian Ðông Hồ nhưng trên thực tế, việc tiêu thụ sản phẩm, mở mang cơ sở làm tranh chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Ba gia đình hạt nhân còn giữ nghề chưa đủ sức để tạo lực hút, thúc đẩy các gia đình đang theo nghề hàng mã quay trở lại với nghề truyền thống của ngôi làng. “Ðông Hồ đã và đang trở thành một trung tâm sản xuất đồ mã lớn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ khổng lồ của các hoạt động thực hành tín ngưỡng”, GS,TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, tiếc nuối.

Giám đốc Bảo tàng gốm sứ Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hòa trăn trở, dường như hiện còn tồn tại rất ít tranh điệp, thay vào đó là loại giấy nguyên liệu rẻ tiền hơn như giấy in báo nhập từ nước ngoài, được tính theo ram. Một số tranh Ðông Hồ hiện nay lại bị ảnh hưởng ít nhiều từ dòng tranh dân gian khác; đề tài cũng lan sang lĩnh vực tích truyện, tranh tứ bình...

PGS,TS Từ Thị Loan, nguyên Viện trưởng Văn hóa - Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam nhận định, giấy dó làm tranh Ðông Hồ hiện nay không còn độ dai và bền như trước vì đã có sự can thiệp của máy công nghiệp trong quy trình sản xuất và sự pha trộn thêm các phụ chất. “Những năm gần đây, mầu hóa học bắt đầu thâm nhập vào nghề tranh. Ngoài việc đa dạng hóa bảng mầu của tranh Ðông Hồ thì tình trạng này sẽ ảnh hưởng không tốt đến tính nguyên bản của dòng tranh. Thêm nữa, phẩm hóa chất không bền bằng mầu tự nhiên, sau một thời gian sẽ bay mầu, chỉ còn lại nền giấy và không thay thế được vẻ đẹp tự nhiên của mầu sắc cổ truyền”, bà Từ Thị Loan lo ngại.

Giải pháp tạo bước ngoặt

Trước nguy cơ mai một, việc giữ gìn và bảo tồn tranh dân gian Ðông Hồ được đặt ra một cách cấp thiết. Ngoài việc mong muốn sớm hoàn thiện hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO đưa nghề làm tranh dân gian Ðông Hồ vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, các chuyên gia cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo bước ngoặt lớn trong hoạt động bảo tồn dòng tranh. TS Nguyễn Văn Ðáp, Sở VH - TT&DL tỉnh Bắc Ninh cho rằng, trước mắt, để bảo vệ và phát huy giá trị tranh dân gian Ðông Hồ trong đời sống đương đại, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ mai một của di sản để nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn và cộng đồng. Bên cạnh đó, cần tăng cường phổ biến kiến thức, trang bị hiểu biết về giá trị, ý nghĩa của tranh dân gian Ðông Hồ cho công chúng, nhất là thế hệ trẻ.

Một giải pháp khác là mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm đầu ra cho sản phẩm. Ðây được coi là yếu tố quyết định, mang tính sống còn đối với việc duy trì nghề làm tranh dân gian Ðông Hồ hiện nay. Ngoài thị trường trong nước, đầu ra cho sản phẩm cần được hướng ra thị trường nước ngoài. “Chính quyền nên tạo điều kiện và giúp đỡ làng nghề tái chinh phục các thị trường truyền thống như Nga và Ðông Âu, sau đó mở rộng sang các thị trường mới. Chúng ta cũng cần có các kế hoạch xúc tiến thương mại, xây dựng tranh Ðông Hồ thành một sản phẩm văn hóa mang bản sắc Việt, trở thành thương hiệu văn hóa Việt Nam chiếm lĩnh thị trường thế giới”, TS Nguyễn Văn Ðáp đề xuất.

Hướng tới sự bền vững và lâu dài, các chuyên gia hiến kế, cần thúc đẩy các hoạt động bảo tồn và phát triển làng tranh Ðông Hồ thông qua con đường du lịch. Bắc Ninh là địa phương có nhiều di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng. Có thể kết hợp các tour, tuyến du lịch văn hóa, du lịch tâm linh với du lịch làng nghề. Có thể quy hoạch, phát triển làng tranh Ðông Hồ trở thành điểm du lịch cộng đồng để các hộ dân có thể tham gia. Ðồng thời, để tour du lịch tại làng nghề thêm hấp dẫn, các nhà thiết kế, xây dựng sản phẩm cần phải thêm vào chương trình những hoạt động mang tính trải nghiệm như khách du lịch được tham gia các lớp học làm tranh, tham gia các công đoạn sản xuất, quy trình để tạo ra một sản phẩm tranh hoàn thiện… Ðể làm được những điều đó, cần có sự đồng thuận của các bên liên quan là nhà nước - doanh nghiệp - cộng đồng, đặc biệt là vai trò của các nghệ nhân tâm huyết đang kế thừa những giá trị và thành tựu của nghề làm tranh.