Những “mảnh hồn đô thị”

Nhỏ bé, tinh tế, những không gian nghệ thuật do bàn tay và tâm huyết của những người yêu văn hóa tạo dựng đang làm nên những “mảnh hồn đô thị” của Hà Nội.

Manzi hướng đến những câu chuyện đương đại, những work shop, talk show trao đổi về nghệ thuật đương đại.
Manzi hướng đến những câu chuyện đương đại, những work shop, talk show trao đổi về nghệ thuật đương đại.

Bên cạnh những không gian văn hóa quy mô như Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA), Trung tâm văn hóa Pháp, hay không gian Heritage… được các quỹ văn hóa trong và ngoài nước tài trợ hoạt động, còn có những không gian nghệ thuật nhỏ như Ơ kìa Hà Nội, Tổ chim xanh hay Manzi do những cá nhân yêu văn hóa - nghệ thuật tạo dựng. Họ muốn tạo lập một không gian riêng để sẻ chia những sự kiện văn hóa, nghệ thuật trong sự kết nối với cộng đồng. Với thời gian, những không gian nhỏ xinh, giản dị ấy đang làm nên một sắc mầu riêng của Hà Nội mà một nhà văn đã gọi đó là “những mảnh hồn đô thị”.

Tôi nhớ, trong đêm thơ “Se sẽ chứ nỗi buồn bay mất” tưởng nhớ ngày sinh của nhà thơ Lưu Quang Vũ, khán giả đã ngồi kín phòng rạp Ơ kìa Hà Nội trong con ngõ nhỏ giữa phố Hoàng Hoa Thám. Ở đó, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cùng bạn bè đã xây dựng một không gian tưởng niệm xúc động, có di cảo, có kỷ vật của Lưu Quang Vũ, có cả nhạc và thơ. Và rất nhiều văn nghệ sĩ, trí thức Hà Nội đã đến, cùng nhau nghe và đọc lên những câu thơ bất tử của Lưu Quang Vũ. “Trên ngày tháng trên cả niềm cay đắng/ Thơ tôi là mây trắng của đời tôi”. Chỉ có thể là thơ Lưu Quang Vũ và chỉ có thể là Ơ kìa Hà Nội mới có thể làm nên những khoảng khắc quý giá như thế. Nó đơn giản, là cuộc hội ngộ của tình yêu.

Nằm sâu trong ngõ, xa trung tâm Bờ Hồ nhưng các sự kiện của Ơ kìa Hà Nội lúc nào cũng kéo được rất nhiều khán giả. Cái tên Ơ kìa Hà Nội khiến chúng ta liên tưởng đến những gì xưa cũ. Chủ của Ơ kìa Hà Nội, là người thuộc thế hệ 8X, yêu văn hóa và hoài niệm với những giá trị xưa cũ. Vì thế, Điệp tạo nên một không gian mang dấu ấn riêng, như một cuộc chơi dành cho mình và cho công chúng yêu nghệ thuật. Ở Ơ kìa Hà Nội, rộng mở và dân dã, nhưng tìm đến lại phải là dân “có gu”, đến để thưởng thức một góc thu nhỏ của Hà Nội hay tìm cho mình một ký ức nào đó đang bị quên lãng trong đời sống bộn bề. Họ có thể lặng yên ngồi thưởng trà sen, hay đơn giản chỉ tĩnh lặng ngắm nhìn sắc mầu của quá khứ qua những cách bài trí, không gian giản dị và nhuốm mầu hoài niệm. Nhưng Ơ kìa Hà Nội còn là địa chỉ văn hóa Hà Nội. Ở đó, có một “rạp chiếu bóng nhỏ nhất thế gian”, nơi hằng tuần chọn chiếu những bộ phim nghệ thuật giá trị. Không hiện đại như những rạp chiếu phim hay những không gian văn hóa khác, ở đây chiếu những bộ phim điện ảnh trong không gian rất riêng, lúc là một căn phòng nhỏ chỉ khoảng 40 m2, giản đơn với bức tường trắng. Lúc là không gian của sân vườn với bóng tre ngà, mảnh sân gạch.

Ở Ơ kìa Hà Nội không chỉ có điện ảnh. Một người nhiệt huyết và hăm hở như Điệp sẵn sàng đón nhận tất cả những sự kiện thú vị như những buổi ra mắt sách, triển lãm tranh hay những workshop (hội thảo)về phim ngắn… Ơ kìa Hà Nội đón nhận những gì thuộc về của văn hóa Hà Nội, trong dòng chảy của quá khứ và hiện tại, tạo nên một mạch nối giữa quá khứ và hiện tại. Nhà văn Nguyễn Trương Quý đã viết: “Ơ kìa Hà Nội chắc rồi sẽ là lịch sử trong cuộc đời lâu dài về sau, cuộc đời sẽ còn đánh dấu bởi những bộ phim, những dự án khổng lồ khác, những đêm nhạc, những buổi trình chiếu khác… Nhưng hôm nay, nó đang là một phần hồn đô thị, nó nhỏ bé nhưng có sự mê luyến riêng, giống như những bài hát lãng mạn, riêng tư, chỉ viết cho những nàng thơ để chịu số phận bị xé khi người yêu từ chối thừa nhận, đã thành tình yêu chung của biết bao người”.

Khác với Ơ kìa Hà Nội, vừa phóng khoáng, giản dị nhưng rất tinh tế và có đôi chút ngẫu hứng của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, thì Tổ chim xanh và Manzi có thời gian hoạt động dài hơn, trầm lặng hơn bởi đó là những không gian của cà-phê sách và các câu chuyện nghệ thuật được tổ chức ở quy mô lớn hơn. Manzi hướng đến những câu chuyện đương đại, những workshop, talkshow (chương trình trò chuyện) trao đổi về nghệ thuật đương đại, sự kết nối của truyền thống và đương đại. Điểm riêng của Manzi là sự ủng hộ các nghệ sĩ đương đại trên các lĩnh vực âm nhạc, hội họa, điêu khắc… Họ hướng tới tìm kiếm và hỗ trợ những tiếng nói mới trong nghệ thuật.

Hà Nội không chỉ có ồn ào, khói bụi, kẹt xe. Ơ kìa Hà Nội, Manzi và nhiều không gian nghệ thuật khác đã góp phần làm nên hồn cốt của Hà Nội. Vẫn còn đó một Hà Nội được lưu giữ và lặng lẽ dòng chảy của đời sống, để Hà Nội không đứt đoạn với quá khứ và kết nối liền mạch với nhịp sống của xã hội đương đại.

Những “mảnh hồn đô thị” ảnh 1

Ơ kìa Hà Nội đón nhận những gì thuộc về văn hóa Hà Nội để tạo nên một mạch nối giữa quá khứ và hiện tại.