Những khúc quanh để ngỏ...

Triển lãm Tranh đồ họa các nước ASEAN lần 3 - Việt Nam 2020 đang diễn ra tại Hà Nội mang đến cơ hội để công chúng Việt được thưởng thức những tác phẩm đồ họa chọn lọc của các nước trong khu vực. Tuy nhiên, cũng bởi vậy, giới nghề không khó để nhận ra rằng vẫn còn một khoảng cách giữa tác phẩm của các nghệ sĩ trong nước và các khách mời, và dường như, đây vẫn là một lĩnh vực chưa thật sự được chú ý.

Bộ ba tác phẩm: Không trọng lực, Roly Poly, Mất mát (khắc axit) của tác giả Charkrit Lapaudomloet (Thái-lan) được trao giải nhất tại triển lãm tranh đồ họa các nước ASEAN lần 3 - Việt Nam 2020.
Bộ ba tác phẩm: Không trọng lực, Roly Poly, Mất mát (khắc axit) của tác giả Charkrit Lapaudomloet (Thái-lan) được trao giải nhất tại triển lãm tranh đồ họa các nước ASEAN lần 3 - Việt Nam 2020.

Lệch pha giữa ý tưởng và công nghệ
 
 Với 345 tác phẩm từ 10 quốc gia thành viên ASEAN đăng ký tham dự, Hội đồng nghệ thuật gồm các nhà chuyên môn đã lựa chọn 117 tác phẩm để trưng bày, giới thiệu tại triển lãm. Trong số 11 tác phẩm xuất sắc được trao giải thưởng, giải nhất được trao cho tác giả Thái-lan Charkrit Lapaudomloet với bộ ba tác phẩm: Không trọng lực, Roly Poly, Mất mát (khắc axit); giải nhì được trao cho hai tác giả: Vimonmarn Khanthachavana (Thái-lan) với bộ hai tác phẩm: Đồ cắm kim trong vùng đất của nỗi đau VI, Đồ cắm kim trong vùng đất của nỗi đau VIII và tác giả Việt Nam Nguyễn Đức Hạnh với tác phẩm Cách ly. Ngoài ra còn có ba giải ba và năm giải khuyến khích.
 
 Đây là những tác phẩm được sáng tác trong khoảng thời gian từ năm 2017 - 2020, gồm các thể loại tranh in: tranh in nổi; tranh in lõm; tranh in phẳng; tranh in xuyên; tranh in độc bản; tranh in các kỹ thuật khác: cyanotype (blue print), gumprint, tranh in kỹ thuật số; tranh in đa chiều. Nghệ sĩ thị giác Vũ Bạch Liên, Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật đánh giá, qua các kỳ triển lãm Tranh đồ họa các nước ASEAN, xu hướng phát triển về chất lượng nghệ thuật cũng như sự giao thoa văn hóa, kỹ năng kết hợp các hình thức thể hiện tác phẩm của các nghệ sĩ trong khu vực ngày càng độc đáo và đa dạng, dù vậy, họ vẫn giữ được sự nhận diện cá nhân và bản sắc văn hóa dân tộc tương đối cao. Các tác phẩm trong triển lãm phản ánh những mâu thuẫn cá nhân trước bối cảnh xã hội hiện đại, người nghệ sĩ biểu đạt trách nhiệm với thế giới chung quanh và gửi gắm những khát vọng về tương lai tốt đẹp hơn.
 
 Với vai trò Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật, họa sĩ Lương Xuân Đoàn (Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam) chia sẻ, đồ họa đương đại ở bất kỳ quốc gia nào trong khu vực cũng đang đứng trước những thách thức mới khi thế giới ngày càng phẳng. Công nghệ và kỹ thuật số là tiếng gọi bí ẩn đầy quyền năng trong thế kỷ của châu Á và Phương Đông huyền hoặc. Thông qua triển lãm này, công chúng không chỉ có cơ hội tiếp xúc và thưởng thức những tác phẩm đồ họa chọn lọc của các nước ASEAN mà còn là dịp để đặt ra câu hỏi: Đồ họa Việt đương đại đi về đâu trước muôn nẻo rẽ, khúc quanh để ngỏ?
 
 Họa sĩ Lương Xuân Đoàn thẳng thắn: “Dẫu đã có nhiều khởi sắc về ý tưởng, kỹ thuật thể hiện so với giai đoạn trước nhưng rõ ràng, đồ họa đương đại Việt Nam còn khiêm nhường, đặc biệt chưa theo kịp được sự phát triển của công nghệ. Vì thế, chưa đủ sự quyến rũ trong việc truyền tải những ý tưởng để có thể lay động người xem nhiều hơn”.
 
 Nhận định của Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật cũng khiến người trong nghề không khỏi băn khoăn: Trong những thách thức đang đặt ra đối với đồ họa Việt Nam, một thách thức lớn chính là sự thiếu mặn mà của đội ngũ sáng tác.
 
 Gánh nặng “cơm áo”
 
 Nhìn từ một góc độ khác, nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cho rằng, dịch Covid-19 dường như là lý do khiến cho số lượng, chất lượng các tác phẩm đồ họa quốc tế năm nay có phần không phản ánh đúng thực tế của nghệ thuật. Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận rằng sáng tác của họa sĩ Việt Nam còn nghèo nàn về cả kỹ thuật và nội dung, hình thức tác phẩm. Đây là điều đáng báo động, khi đồ họa sáng tác rất ít được các nghệ sĩ trẻ chú trọng.
 
 Lý giải điều này, nghệ sĩ thị giác Vũ Bạch Liên nhận xét, một trong những nguyên nhân là vì thị trường của nghệ thuật đồ họa còn hạn hẹp, gánh nặng cơm áo ít nhiều tác động khiến không ít nghệ sĩ khó có thể dành hết đam mê để đi đến tận cùng. “Đặc thù của tranh đồ họa rất kén công chúng, ít người có thể hiểu hết được vẻ đẹp của loại hình nghệ thuật này, dẫn đến tính ứng dụng của đồ họa bị hạn chế...”, nghệ sĩ Vũ Bạch Liên phân tích.
 
 Dù còn phải đối diện nhiều thách thức nhưng theo Phó Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật, PGS, TS, họa sĩ Nguyễn Nghĩa Phương (Trưởng khoa Đồ họa, Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam): “Đặc thù của nghệ thuật đồ họa nói chung và tranh in nói riêng đòi hỏi những yếu tố kỹ thuật phức tạp, trong khi các nghệ sĩ Việt Nam ít có được những điều kiện để phát triển như các nghệ sĩ đồ họa tại nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, về quan niệm nghệ thuật cũng như kỹ thuật thể hiện, đồ họa Việt Nam hiện nay đã phát triển nhiều. Nếu so trong khối ASEAN thì Việt Nam chỉ thua Thái-lan mà thôi…”.
 
 Thừa nhận đồ họa Việt Nam đang tồn tại khoảng cách với đồ họa một số nước ASEAN, họa sĩ đồ họa Nguyễn Đức Hạnh, giải nhì với tác phẩm Cách ly bộc bạch: “Hiện nay họa sĩ đồ họa Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn với nghề. Điều đó ít nhiều đã tác động đến nhiệt huyết và đam mê với nghề của nhiều nghệ sĩ đồ họa hiện nay. Tuy nhiên, bối cảnh đương đại đã có nhiều thay đổi, điều kiện sáng tác cũng như sự quan tâm hỗ trợ đồ họa phát triển đã ít nhiều cải thiện. Hy vọng sau này chúng tôi sẽ sống được bằng nghề...”.
 
 Những đặc thù về sự phổ cập, nền tảng đào tạo đang cản trở sự phát triển của đồ họa Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nhìn về tiềm năng và cơ hội phát triển trong thời đại số, từ thực tế của một số quốc gia trong khu vực, nghệ thuật đồ họa sẽ là mỏ vàng cho những ai dám dấn thân để theo đuổi đam mê.