Những khoảng trống trong lòng đô thị

Không gian chung đang dần trở thành một khái niệm “xa xỉ” đối với mỗi người dân thành thị. Trước sức ép ngày càng tăng về mật độ dân số, sự thu hẹp và biến mất mau chóng của những khoảng không gian công cộng đang gây nên nhiều hệ lụy nguy hiểm cho cộng đồng.

Một góc không gian phố bích họa Phùng Hưng (TP Hà Nội). Ảnh: MỸ HÀ
Một góc không gian phố bích họa Phùng Hưng (TP Hà Nội). Ảnh: MỸ HÀ

Chuyển đổi từ góc nhìn

Một đô thị phát triển sẽ có một hệ thống không gian công cộng (KGCC) chất lượng cao, cảnh quan đẹp, hấp dẫn, thân thiện với người sử dụng và môi trường, mang lại cuộc sống tốt cho người dân và những trải nghiệm thú vị đối với khách du lịch.

Phố đi bộ Hoàn Kiếm là một thí dụ điển hình thành công của thành phố Hà Nội. Tuy chỉ hoạt động ba ngày cuối tuần, không khi nào nơi này vắng người, có chăng chỉ trừ những ngày mưa bão. Điểm đặc biệt nhất, có lẽ cũng là điểm thu hút nhất của Phố đi bộ đó là mọi hoạt động diễn ra ở đây khá phong phú, từ múa, hát, đến nhảy dây, chơi ô ăn quan… do người dân chủ động chọn lựa.

Những năm gần đây, đô thị phát triển về mọi mặt, hiện đại hơn, đông đúc hơn, nhưng cũng ít không gian chung hơn. Thể hiện rõ nhất là những tòa nhà cao tầng, chung cư cao cấp, trung tâm thương mại “mọc lên như nấm”, từ đó người dân thành thị có thêm một khái niệm mới “đi chơi siêu thị”. Vốn từ một nơi phục vụ nhu cầu mua sắm, nay nó đã có thêm một công năng mới - nơi vui chơi, tránh nóng cho các gia đình dịp cuối tuần.

Thường thì KGCC được giới hạn bao gồm các không gian mở, người dân được tự do tiếp cận. Nhưng các khái niệm này nhiều khi không được đồng nhất giữa các cơ quan quản lý nhà nước và người dân. Thí dụ như vỉa hè, vốn mặc nhiên được coi là KGCC, thế nhưng thực tế sử dụng ở nhiều đô thị, nhất là các đô thị lớn, đôi khi nó lại đi ngược với đặc tính “tự do sử dụng”, bởi rất nhiều nơi đã gần như bị tư nhân hóa, thương mại hóa, do các hộ kinh doanh không phân định rõ công và tư.

Siết chặt mối liên kết

Đối với nhiều người dân thành phố, KGCC của họ là con ngõ, là đoạn vỉa hè nhỏ, nơi trẻ em chạy chơi, người già ngồi nghỉ, dù ngay bên cạnh là xe cộ và khói bụi. Nhiều người dân, khi được hỏi về KGCC thì đều chỉ bày tỏ mong muốn: “ngõ nhà tôi, vỉa hè nhà tôi sạch sẽ, có cây mát mẻ!”, tiếp đến mới là một công viên, một khu vui chơi.

Bởi họ cho rằng: “Bây giờ thì chắc khó mà hình thành KGCC thêm được, vì làm gì còn đất. Giải tỏa khu nhà ở thì mọi người không ai muốn đi. Các khu đất rộng ngoại thành để không cho dù có khai thác cũng sẽ không được ủng hộ, vì người dân nội đô di chuyển để đến được nơi đó lại xa quá!”.

Điều đáng mừng là những năm gần đây, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận đều rất tích cực trong việc phát triển không gian xanh, KGCC. Think Playground! là một doanh nghiệp xã hội hoạt động đã được gần ba năm, đã xây dựng hơn 30 sân chơi cho trẻ em tại Hà Nội và các tỉnh địa phương khác. Anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt - nhà đồng sáng lập Think Playground! luôn rất tự hào khi chia sẻ về những sân chơi mình đã làm được: “Ở huyện Đông Anh (Hà Nội), ban đầu khoảng đất đó là “vùng đất chết”, nhưng sau khi chúng mình xây dựng sân chơi gồm bập bênh tái chế từ lốp xe, xích đu,… thì chỉ sau một tháng thôi, nơi đó đã trở thành một điểm tập trung của các em nhỏ, khiến người lớn cũng phải kinh ngạc, và từ đó họ cũng ủng hộ sân chơi của mình. Rồi dần dần, nơi đó cũng trở thành chốn thư giãn của cả người lớn!”. Tất nhiên, để tiến hành cải tạo một mảnh đất trống như vậy cần phải có sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn khu dân cư.

Thực tế, Nhà nước và các cấp chính quyền cũng đã có những sự quan tâm nhất định đến KGCC như: diện tích trồng cây xanh được mở rộng, số lượng các công viên nhiều hơn, mở các phố đi bộ… nhưng diện tích cho KGCC vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, đặc biệt là ở các đô thị lớn. Trong bối cảnh các khu nhà chung cư cao tầng mọc lên ngày một nhiều, việc đề ra và kiểm soát chặt các quy định về KGCC bảo đảm cho cuộc sống của cư dân cần được quan tâm, chú trọng hơn nữa. Cùng đó, để mở rộng và nâng chất cho các KGCC, cần phải có sự liên kết chặt chẽ giữa những nhà quản lý đô thị với các doanh nghiệp xã hội, tổ chức phi lợi nhuận, hướng đến mục tiêu phục vụ tốt nhất nhu cầu tinh thần của người dân. Đồng thời, chính mỗi người dân cũng cần có ý thức, trách nghiệm trong việc phát triển, giữ gìn KGCC nhằm bảo đảm quyền lợi cho chính mình. Cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức phi lợi nhuận khi quy hoạch, xây dựng KGCC cũng không thể bỏ qua ý kiến của người dân - những người trực tiếp sử dụng phần không gian đó, để có thể tạo nên những KGCC vừa đẹp, vừa thân thiện với môi trường và cộng đồng.

Ông Đinh Đặng Hải - chuyên gia cao cấp của tổ chức Healthbridge, đã chia sẻ: “Trong quá trình đô thị hóa, không gian để người dân thực hiện các hành vi có lợi cho sức khỏe thể chất như các cụ già tập thể dục hay các cháu nhỏ vui chơi là rất ít, điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe. Ở trẻ em, tình trạng béo phì rất nghiêm trọng, trong khi người già có thể mắc các bệnh về tim mạch. Với những người già còn là về vấn đề giao tiếp xã hội”.