Những câu hỏi để ngỏ

Sản phẩm thiết kế nội thất bằng sơn mài và mây tre đan Việt Nam vừa được giới thiệu tại Tuần lễ thiết kế Bangkok (Bangkok Design Week), đầu tháng hai vừa qua. Ðáng nói, các sản phẩm Việt Nam này đều là sáng tạo của các nhà thiết kế người Pháp. Ðiều đó, một lần nữa, lại đặt ra những băn khoăn về nội lực sáng tạo của chính người Việt Nam trong hành trình hội nhập thật sự với khu vực và thế giới trên nền tảng truyền thống giàu có, đặc sắc, mà sơn mài là một thí dụ điển hình.

Specula, sơn mài trên tấm nhựa Epoxy của Phi Phi Oanh.
Specula, sơn mài trên tấm nhựa Epoxy của Phi Phi Oanh.

Lựa chọn tối ưu?

“Ðương đại, sáng tạo, độc đáo” là những từ mà đại diện Hanoia sử dụng nhiều trong trao đổi với chúng tôi, như một cách lý giải về tiêu chuẩn và đích đến cho các sản phẩm của mình. Thương hiệu này có các xưởng sản xuất ở những làng nghề truyền thống về sơn mài ở Bình Dương và Hà Nội từ hơn 20 năm trước, tận dụng tay nghề, chất liệu và kinh nghiệm của nghệ nhân và thợ lành nghề, kết hợp với các phong cách thiết kế và quy trình xử lý chất liệu hiện đại, hợp quy chuẩn quốc tế, để tạo ra những sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao. Ðây được xem là công thức chung để tạo nên các dòng sản phẩm trên nền tảng chất liệu truyền thống nhưng mang diện mạo mới mẻ hơn.

Nhưng để thực hiện thành công công thức chung ấy, khâu cốt lõi chính là thiết kế mẫu mã và để bảo đảm cho tiêu chuẩn của mình, nhà thiết kế nước ngoài dường như là lựa chọn tối ưu. “Có một thực tế là các nhà thiết kế nước ngoài luôn bắt kịp với xu hướng thời đại và họ có cái nhìn rất độc đáo về văn hóa Việt” - đại diện Hanoia chia sẻ.

Thực tế cho thấy, Việt Nam có hàng nghìn làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống nhưng số lượng thương hiệu sản phẩm được tạo ra từ các làng nghề này có thể định danh trên thị trường khu vực và thế giới hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hầu hết đều dừng lại ở mức làm hàng gia công xuất khẩu, sản xuất theo đơn đặt hàng của các công ty nước ngoài, mẫu mã đa dạng nhưng nhìn chung, vẫn còn nệ vào truyền thống hơn là mang khí sắc của cuộc sống đương đại, gây hấp dẫn cho khách hàng ở nhiều phân khúc trung và cao cấp, đem lại lợi nhuận và danh tiếng vừa lớn hơn vừa lâu bền hơn. Ngay cả với sơn mài, từng được các họa sĩ trong nước hồi đầu thế kỷ 20 nâng lên thành chất liệu đặc sắc cho hội họa hiện đại nhưng cho đến nay, thật khó để tìm ra một cái tên thương hiệu hàng sơn mài thủ công mỹ nghệ do người Việt Nam gây dựng mà nổi tiếng trong khu vực, chứ chưa nói đến thế giới. Theo nhà thiết kế người Pháp Guillaume Delvigne, tham gia dự án D17/20 với Hanoia (Design in Southeast Asia, do Ðại sứ quán Pháp tại Thái-lan và Viện Pháp (Institute Francais) khởi xướng từ năm 2017, hướng đến việc bảo tồn và phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống trong khu vực), “khi nói đến sơn mài, người Pháp chúng tôi thường hay nghĩ đến sơn mài Nhật Bản nhiều hơn, nghĩ đến những sản phẩm rất sang trọng mang phong cách Nhật Bản. Về sơn mài Việt Nam, quả thật, tôi chỉ mới tiếp xúc và khám phá thông qua chuyến đi lần này”. Tuy chỉ có hai tuần ở Việt Nam để hiện thực hóa công đoạn thiết kế mẫu sản phẩm, anh cũng kịp nhận ra có “rất nhiều sản phẩm sơn mài rẻ tiền, chất lượng kém” trên thị trường Việt Nam.

Rào cản từ nhận thức

Vậy, đội ngũ thiết kế người Việt Nam đang ở đâu? Khả năng sáng tạo của họ không lẽ bị giới hạn khi đụng chạm tới vấn đề hội nhập với ngôn ngữ thiết kế thế giới từ nền tảng chất liệu truyền thống?

Riêng với sơn mài, không chỉ trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, ngay cả trong lĩnh vực sáng tạo độc lập hơn cả là mỹ thuật, nhắc đến hội họa sơn mài Việt Nam, ngoài các danh họa từ thời Mỹ thuật Ðông Dương, những tên tuổi nghệ sĩ hôm nay được định danh trong khu vực và trên trường quốc tế vẫn thường là người nước ngoài hoặc Việt kiều. Một thí dụ điển hình là năm 2017, gallery quốc gia Singapore đã chọn những sáng tác sơn mài trên đa dạng chất liệu vóc của Phi Phi Oanh, nghệ sĩ người Mỹ gốc Việt để trưng bày song hành với bức sơn mài Những nàng tiên của danh họa Nguyễn Gia Trí, được xem là bức tranh lớn nhất trong đời sáng tác của ông (290x440cm, năm 1936), trong sự kiện triển lãm kéo dài ba tháng, năm 2017, tiêu đề Chất liệu lộng lẫy: một đối thoại trong hội họa sơn mài Việt Nam (Radiant Material: A Dialogue in Vietnamese Lacquer Painting). Những đối thoại giữa hai thế hệ nghệ sĩ với cùng chất liệu sơn mài cho thấy chất liệu này hoàn toàn có thể là động lực của sáng tạo. Như Oanh chia sẻ: “Tôi tạo ra tác phẩm bằng cách nghĩ về việc làm thế nào để sơn mài địa phương cùng với lịch sử độc đáo cũng như những đặc tính về chất liệu của nó có thể cọ xát được với biên độ rộng lớn hơn của nghệ thuật đương đại và hiện trạng của thế giới mà chúng ta đang sống”. Lại vẫn là “đương đại”. Phải chăng, đây chính là điều mà nhiều thế hệ nghệ sĩ thực hành với sơn mài ở trong nước nghĩ khác với thông lệ chung của khu vực và thế giới?

Trở lại với những câu hỏi đặt ra trong lĩnh vực sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc biệt với sơn mài, từ góc nhìn của một người làm việc trong lĩnh vực thiết kế, ông Lê Quốc Vũ, Phó Chủ nhiệm khoa Mỹ thuật ứng dụng, Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng, để cập nhật được thông tin về các xu hướng thiết kế đương đại trên thế giới thì nhà thiết kế phải có ngoại ngữ tốt, đây là điểm yếu lớn của giới thiết kế nói chung, ở Việt Nam hiện nay: không chỉ cứ nhìn hình ảnh rồi bắt chước hay biến tấu mà còn cần phải hiểu được ý tưởng, triết lý, quan điểm của họ để từ đó suy nghĩ và sáng tạo cái riêng của mình. Do đó phải có ngoại ngữ giỏi mới đọc hiểu được những điều này. Bên cạnh đó, ông Vũ cũng cho rằng, việc không dám phá vỡ mà cứ loanh quanh trong các định chuẩn truyền thống cũng là một nguyên do quan trọng dẫn tới tình trạng mẫu mã đa dạng nhưng nệ vào các motif, kiểu cách truyền thống quá nhiều, cho an toàn.

Bên cạnh hai nguyên do nội tại trên, một nguyên do khách quan quan trọng khác chính là tình trạng vi phạm bản quyền sáng tạo của nhà thiết kế còn khá phổ biến ở Việt Nam, khiến cho nhiều nhà sản xuất thấy không việc gì phải tốn phí thuê thiết kế mới.