Nhớ Tết Sài Gòn - Chợ Lớn năm xưa

Khi thấy nhiều người trong xóm khệ nệ mang mấy lon sơn ra pha trộn rồi gỡ từng cánh cửa ra sơn sơn, phết phết, hoặc có người khiêng bộ lư đồng trên trang thờ xuống dùng “bát” đánh thật bóng là tôi biết họ đang làm đẹp cửa nhà để đón Tết.

Hàng hóa bày bán ở các chợ Sài Gòn vào dịp cận Tết. (Ảnh Tư liệu)
Hàng hóa bày bán ở các chợ Sài Gòn vào dịp cận Tết. (Ảnh Tư liệu)

Thời gian nầy vào khoảng đầu tháng Chạp với những cơn gió nhè nhẹ, mang hơi lạnh còn sót lại của mùa giáng sinh, Tết Tây vương vấn lại. Lũ trẻ con trong xóm rộn ràng đón Tết hơn ai hết thảy vì Tết là được nghỉ học dài ngày, có quần áo mới, được ăn ngon mặc đẹp nhất từ cái Tết năm trước tính trở đi. Tụi con nít thì vui vậy nhưng đối với người lớn là một sự chuẩn bị dài ngày để đón mừng ba ngày Tết với hy vọng:

Chiều ba mươi, nợ réo tít mù,

co cẳng đạp thằng “bần” ra cửa

Sáng mồng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông “phúc” vào nhà

(Nguyễn Công Trứ)

Trong quan niệm dân gian, muốn đón “phúc” là phải làm sạch nhà, đẹp nhà. Dù chưa hề có sự phân công chính thức bằng miệng, đàn ông tự hiểu mình là người có “trách nhiệm nặng nề” phải làm sạch cửa nhà, phần còn lại là làm đẹp nhà thì giao cho phụ nữ. Các bà mẹ, bác cô trong xóm tôi cũng tham gia góp phần bằng cách đi chợ mua vài bức tranh giấy treo Tết. Trong Sài Gòn không có tranh gà lợn Đông Hồ mà chỉ có những tấm tranh vẽ của họa sĩ Lê Trung, Hoàng Lương, Lê Minh phụ đề chữ Việt những câu chuyện Tấm Cám, Lưu Bình Dương Lễ, Thoại Khanh - Châu Tuấn, Tề Thiên Đại Thánh, Tiết Nhơn Quý… Chúng tôi không quan tâm đến nội dung của những bức tranh mà chỉ thấy hình vẽ, thật tươi màu, đủ xanh đỏ, tím vàng chóe cho tươi cửa tươi nhà, che được cái vách nhà xấu xí là được rồi. Ngoài ra, trước cửa vào nhà còn được dán những chữ Ngũ Phúc Lâm Môn, Hiệp Gia Bình An, Phước Lộc Thọ viết bằng nhũ vàng trên những tờ giấy hồng điều mua từ các ông đồ người Hoa ngồi viết tại khu vực Chợ Lớn vào những ngày sắp Tết.

Như muốn cạnh tranh về cách thưởng thức nghệ thuật có văn hóa, cánh đàn ông mua vài tờ báo xuân mà cái bìa nào bìa nấy đều có hình những cô gái xinh tươi bên cạnh những cành mai, cúc, vạn thọ tươi màu nắng. Những tờ báo xuân được đặt một cách trịnh trọng trên bàn nước để có ai xông nhà có thể xem chơi cho đỡ buồn. Tết nào như Tết nấy, dù năm nầy ăn Tết có nghèo hơn những năm qua, gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác vẫn mua ít nhất một tờ báo xuân. Tại sao người Sài Gòn có thói quen mua báo Tết? Trước hết, trong những ngày đầu xuân, lúc rảnh rỗi, chờ tiếp khách đến xông nhà chủ nhà thường lấy báo xuân ra đọc. Ngoài công dụng để đọc, báo xuân cũng có ý nghĩa nghệ thuật trang trí cho phòng khách. Khi ăn Tết xong, các bìa báo có hình mỹ nữ, các ca sĩ, diễn viên bên cành mai vàng sẽ được gia chủ dán lên tường gạch, vách nhà lá cho nó sang cũng như che bớt sự trống trải nghèo nàn của ngôi nhà. Nhà khá giả hai ba tờ được để thành chồng trên bàn nước, góp thêm phần trang trí cùng với lọ hoa tươi, những chai nước ngọt. Chưa hết, tờ báo xuân còn có một công dụng nối liền tình cảm: quà tặng xuân. Tết đến tặng nhau tờ báo kèm với bao trà, gói mứt biểu hiện cho tình cảm, quý trọng bằng hữu chi giao, hoặc cũng là hiếu hỷ, món quà biết ơn người đã giúp mình trong cơn hoạn nạn. Vì là một loại nghệ thuật trang trí, là quà tặng mùa xuân mang hạnh phúc, niềm hên đến cho mọi người nên tờ báo xuân nào cũng mầu sắc tươi đẹp, có hình hoa mai, hoa cúc, hoa đào cạnh bên thiếu nữ hoặc đôi lúc cũng có thêm hình ảnh của con vật cầm tinh năm đó.

Sau đó đến cái màn tụi trẻ con thích nhất là đi chợ Tết. Trong vùng quận 6 thì nhiều nhà đi chợ Bình Tây nhưng hầu như ai cũng muốn đi thăm thú chợ Bến Thành. Vì chợ Bến Thành được các bà khâm phục như là một ngôi chợ bán toàn hàng hóa cao cấp chứ không phải lô-xì-can như trong khu Chợ Lớn. Đi chợ Bến Thành nghiễm nhiên được coi là sành điệu nên ai cũng muốn một lần đi cho biết để về khoe mọi người. Đi chợ Tết Bến Thành gần như là cái nếp của người Sài Gòn xưa. Báo xuân Dân chúng năm 1940 đã viết như sau: “Gần Tết chung quanh chợ Bến Thành các gian hàng lần lượt mọc lên như mọi năm. Thành phố Sài Gòn bị tắt đèn vì cuộc phòng không thụ động. Nhưng công chúng ở Sài Gòn không sợ tối trời, không đếm xỉa gì đến máy bay Xiêm, vẫn rũ nhau đi chợ Tết như thường”. Và đây là cảnh chợ Tết Bến Thành năm 1944: “vẫn tưng bừng náo nhiệt, náo nhiệt chẳng kém mọi năm. Người ta vẫn ăn chơi mua sắm, mỗi năm công chúng vẫn dập dìu đi qua bồn binh chợ Sài Gòn, lượn qua, lượn lại những gian hàng”… Khung cảnh chợ Tết những năm 40 thế kỷ 20 so với những năm 70 cũng không khác mấy. Bao quanh khu vực cổng chính của chợ là những sạp bán bánh mứt, đồ khô. Họ bán từ sáng cho đến tận nửa đêm dưới ánh sáng rực rỡ của những ngọn đèn nê-ông nhiều mầu sắc. Khu vực Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lê Thánh Tôn tấp nập những sạp hàng bán quần áo trẻ con và người lớn.

Tết bắt đầu từ chợ. Chính chợ đã tạo nên không khí mua sắm, rạo rực của ba ngày xuân. Đủ thứ hàng hóa như quầy thực phẩm khô bán lạp xưởng, thịt lạp, mứt gừng, mứt bí, mứt me, thèo lèo - cứt chuột. Những gian hàng bán rượu tây như Martel, Cognac, Ngũ Gia Bì, Mai Quế Lộ làm những ông khách đi ngang nhìn mà muốn xỉn. Không thiếu những loại hàng hóa khác như quần áo, khăn trải bàn; gian hàng đồ chơi “xanh xanh đỏ đỏ cho em nhỏ nó mừng”, những trái cây “cầu, dừa, đủ, xài” dưa hấu, quýt, đu đủ; hoa nhựa, hoa thật như vạn thọ, cúc, mồng gà, hướng dương… đã bao quanh chợ. Trước khi đi đến chợ Bến Thành, người ta ghé lên chợ hoa dọc con đường Nguyễn Huệ để sắm những cành mai, chậu cúc, hoa hướng dương… đang được đưa lên từ những chiếc ghe đậu sát bờ sông Sài Gòn. Đi chợ hoa trong những ngày giáp Tết cũng phải chen chúc giữa người với người và người với hoa, tuy vậy ai nấy cũng tươi vui vì bầu không khí ở đây. Đi chợ hoa Nguyễn Huệ không chỉ để mua hoa mà còn ngửi cả được không khí Tết bắt đầu tràn về, chiếm lĩnh trong từng mảnh nhỏ tâm hồn con người. Đi chợ hoa Nguyễn Huệ như đi giữa một xứ sở đầy hoa, tinh khiết từng hương thơm gột rửa cho tâm hồn và cơ thể. Đi chợ hoa Nguyễn Huệ hằng năm như đi tìm lại cái truyền thống hưởng thụ văn hóa của người Sài Gòn xưa khi Tết đến “một chung trà bên cạnh một bình hoa, một nhành mai”…

Vừa qua khỏi ngày cúng Ông Táo bằng những tấm giấy vẽ hình ngựa chạy cò bay thay cho cá chép, những nhóm lân nho nhỏ đã đi vòng vòng khắp các con đường, thấy nhà nào đang cúng kiếng là múa chào mừng kiếm tiền thưởng. Đây là những nhóm thiếu niên, tập họp lại, mua đầu lân, đầu ông địa rồi đi múa ngẫu hứng chứ không phải là những đoàn lân chuyên nghiệp nhưng cũng mang lại niềm vui cho tụi con nít trong xóm. Nghe tiếng trống lân tùng tùng, nghe mùi sơn mới, mùi hương của những chậu hoa cúc, vạn thọ đang rực nở, nhìn bàn tiếp khách thấy những chai nước ngọt xá xị hỏa tiễn, nước cam con nai Phương Toàn với một hộp mứt mãng cầu, me, thèo lèo, cứt chuột (tên một loại bánh), nhìn lên bàn thờ có mâm “cầu dừa đủ xài” mãng cầu, dừa xiêm, đu đủ, xoài với con gà luộc và từ sau bếp mùi thơm của nồi thịt kho tàu bốc lên làm ứa nước miếng và từ trong radio, máy Akai phát ra bài hát “Ly Rượu Mừng-Ngày xuân ta chúc…” thì biết là ngày Tết rộn ràng đã đến…

Nhớ Tết Sài Gòn - Chợ Lớn năm xưa ảnh 1

Đường hoa Nguyễn Huệ trở thành điểm đến của rất nhiều người dân TP Hồ Chí Minh mỗi dịp Xuân về. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG