Nguy cơ tiềm ẩn từ một phép cộng

Tại không ít địa phương, đang tiến hành việc sáp nhập thư viện với các thiết chế bảo tàng, trung tâm văn hóa. Điều này đang làm dấy lên sự e ngại và lo lắng từ phía nhiều nhà nghiên cứu văn hóa và các chuyên gia trong lĩnh vực thư viện.

Tỉnh Long An đã có chủ trương sáp nhập thư viện tỉnh.
Tỉnh Long An đã có chủ trương sáp nhập thư viện tỉnh.

Nỗi lo văn hóa đọc thụt lùi

Trong một báo cáo gần đây, Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - VHTTDL) khẳng định, lợi ích về các mặt chính trị-kinh tế-xã hội do thiết chế thư viện mang lại là vô giá. Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay đang triển khai đề án đẩy mạnh học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng và xây dựng xã hội học tập thì thư viện là một môi trường đọc cần phải được quan tâm, không thể sáp nhập với thiết chế khác.

Thế nên, trước thực trạng một số địa phương đang triển khai sáp nhập thư viện với bảo tàng và trung tâm văn hóa, nhiều chuyên gia thư viện đã bày tỏ những lo âu, trăn trở. Các ý kiến cho rằng, thư viện, bảo tàng và trung tâm văn hóa là các thiết chế văn hóa có chức năng đặc thù, không thể cơ học tiến hành sáp nhập để giảm đầu mối. Nếu gộp vào một thì phải xem xét, cân nhắc thật kỹ, tránh xóa nhòa hoặc dẫn đến triệt tiêu sự tồn tại của thiết chế thư viện, vốn được coi là một thành tố không thể thiếu trong hệ thống thiết chế văn hóa ở mỗi địa phương, cơ sở.

Đơn cử, tại các địa phương như Long An, Lai Châu, Kon Tum, Nghị quyết của Tỉnh ủy đã có kế hoạch triển khai nhập Thư viện tỉnh với Bảo tàng, Ban Quản lý di tích tỉnh. Lào Cai sáp nhập Thư viện tỉnh với Trung tâm Văn hóa. Ở cấp huyện, không khí sáp nhập nhiều nơi cũng “nóng” không kém. Thư viện TP Bắc Cạn đã sáp nhập về Thư viện tỉnh. Ngoài ra, các thư viện huyện như Cao Phong, Đà Bắc (Hòa Bình); Thanh Bình, Hồng Ngự (Đồng Tháp); Thư viện TP Thái Nguyên (Thái Nguyên); huyện Côn Đảo, Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu), quận Ninh Kiều (Cần Thơ)... đã hoặc có chủ trương sáp nhập với Trung tâm Văn hóa, Đài Truyền thanh huyện.

Lo lắng cho sự thụt lùi của văn hóa đọc là tâm trạng của không ít cán bộ công tác lâu năm trong ngành thư viện. Nguyên Phó Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam Kiều Văn Hốt cho hay, trên thực tế, việc sáp nhập thư viện huyện vào trung tâm văn hóa đã được một số địa phương thực hiện từ nhiều năm nay, nhưng việc sáp nhập thư viện tỉnh vào các thiết chế văn hóa khác thì bây giờ mới có. Với những đặc thù riêng và trong bối cảnh cần đầu tư để nuôi dưỡng, thúc đẩy văn hóa đọc, việc sáp nhập một cách cơ học như đang diễn ra ở nhiều nơi sẽ khiến cho các thư viện tỉnh dần mất đi vị trí là điểm đến quen thuộc của đông đảo độc giả. Vì vậy, tổ chức hoạt động của những thiết chế này cũng sẽ rất khó khăn sau khi sáp nhập.

Giám đốc Thư viện tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Thanh Tùng thì cho rằng, tinh thần của Nghị quyết 19-NQ/TW và Nghị quyết 08/NQ-CP chỉ đề cập đến việc kiện toàn, củng cố thư viện công cộng cấp huyện với các mô hình, thiết chế đã có; việc thành lập mới chỉ được thực hiện tại các địa phương có nhu cầu và điều kiện cho phép. Như vậy, việc sáp nhập thư viện với bảo tàng và trung tâm văn hóa tại một số địa phương như hiện nay là chưa đúng với tinh thần của hai Nghị quyết nói trên.

Vẫn là bài toán dang dở

Theo ông Đỗ Đình Nguyên, Giám đốc Thư viện tỉnh Thái Nguyên, thư viện, bảo tàng và trung tâm văn hóa là các thiết chế văn hóa có chức năng, nhiệm vụ, quy trình chuyên môn nghiệp vụ hoàn toàn không giống nhau. Điều này đã được quy định tại Luật Di sản văn hóa và Pháp lệnh Thư viện. Do vậy, khi tiến hành sáp nhập cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, tránh dẫn đến những sai lầm.

Bởi thực tế cũng đã có những bài học khi một số thư viện không còn thực hiện được chức năng, nhiệm vụ của mình sau khi sáp nhập. Ngoài việc không phát huy được hiệu quả phục vụ nhu cầu khai thác và sử dụng thông tin của người dân còn là sự thất thoát, hư hỏng, mai một khối lượng lớn sách, tài liệu.

Chưa kể, khi các thư viện huyện đã sáp nhập vào trung tâm văn hóa, thời gian dành cho hoạt động chuyên môn thư viện cũng sẽ bị “cắt xén”, cán bộ thư viện sẽ bị điều động đi làm các công việc kiêm nhiệm khác. Theo các nhà chuyên môn, với đặc thù mỏng về bộ máy, nhỏ về quy mô thì việc sáp nhập thư viện huyện vào trung tâm văn hóa có thể chấp nhận được. Tuy nhiên ở cấp tỉnh, việc sáp nhập không đơn giản bởi quy mô hoạt động và tổ chức bộ máy khá lớn. Mặt khác, cũng không thể phủ nhận là thư viện cấp tỉnh luôn giữ vai trò nòng cốt trong việc đưa sách, thông tin đến người dân và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Trước thực trạng này, để có cơ sở triển khai việc kiện toàn, củng cố hệ thống thư viện công cộng trong cả nước, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ VHTTDL khẩn trương rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống thư viện công cộng hiện nay trên tất cả các mặt hoạt động, đề xuất cụ thể việc kiện toàn, củng cố hệ thống thư viện công cộng theo tinh thần và yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW. Đồng thời, yêu cầu các địa phương chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ VHTTDL trong việc xây dựng chủ trương, kế hoạch kiện toàn, củng cố hệ thống thư viện công cộng của địa phương mình.

Thế nhưng, cho đến thời điểm này, bài toán sáp nhập vẫn là nỗi lo đau đáu của nhiều đơn vị thư viện. Những cán bộ gạo cội trong lĩnh vực thư viện cũng không biết rằng thiết chế văn hóa mà họ đã cả đời gắn bó sẽ có số phận ra sao, nếu nhất định cứ bị gộp chung với các thiết chế văn hóa khác.