Người dưỡng nuôi văn hóa tổ tiên

Suốt gần bốn mươi năm qua, nhà nghiên cứu văn hóa (NCVH) Tây Nguyên Linh Nga Niê Kđăm dành trọn tâm huyết để sưu tầm, nghiên cứu và bảo tồn văn hóa Tây Nguyên. Nhờ những ý kiến đóng góp cụ thể bằng các công trình nghiên cứu mà nhiều lễ hội được phục hồi, nhiều vẻ đẹp đậm đà bản sắc chốn đại ngàn được gìn giữ.

Nhiều vẻ đẹp văn hóa Tây Nguyên cần được bảo tồn.
Nhiều vẻ đẹp văn hóa Tây Nguyên cần được bảo tồn.

Theo tấm gương lớn

Đi qua đường Y Ngông - một trong những con đường lớn nhất TP Buôn Ma Thuột - khoảng trăm mét là đến con hẻm dẫn lối vào ngôi nhà đơn sơ của nhà NCVH Linh Nga. Trong ngôi nhà chất đầy sách, điều đầu tiên tôi muốn hỏi bà Linh Nga là: “Thật đặc biệt khi sống gần con đường mang tên Người cha của mình, hẳn là bà tự hào lắm?!”. Bà cười hồn hậu: “Cha tôi là bác sĩ, là Nhà giáo Nhân dân, từng làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, rồi Đại biểu Quốc hội suốt 9 khóa liên tiếp; ở cương vị nào ông cũng không quên mình là con của đại ngàn, nên cả đời ông đã sống, làm tất cả vì đồng bào Tây Nguyên. Trước tấm gương lớn là cha, tôi càng thấy mình phải có trách nhiệm với cộng đồng”. Đó là một trong những lý do khiến bà luôn say sưa, sẵn sàng xách túi lên đường tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa ở bất cứ đâu.

Là người Ê Đê nhưng bà Linh Nga sinh ra ở Tuyên Quang (năm 1948), lớn lên ở Hà Nội. Đi diễn ở Tây Nguyên cùng đoàn văn công đã nhiều, nhưng đến năm 1975 bà mới được về thăm quê. Bà nhớ mãi ngày hôm ấy: “Lần đầu tiên tôi về buôn Ea Sup (xã Kma Rang Prong, huyện Cư M’gar, tỉnh Đác Lắc), đi trên con đường đất bazan đỏ au phủ đầy hoa muồng vàng như tấm thảm đưa tôi về nhà. Đến nơi thấy mọi người í ới gọi nhau: “Con của Y Ngông về đấy”. Ngày đó cha tôi rời buôn đã tròn hai mươi năm và chưa một lần được về lại; còn tôi, bà con mới gặp lần đầu tiên mà đã gọi như người thân. Cả buôn ra đón tôi rồi đánh chiêng, uống rượu cần. Tôi lên nhà sàn, thấy có cái mẹt rất lớn ở cửa, người mang nắm gạo, người mang nắm rau, người mang con gà bỏ vào đó. Tôi thấy lạ quá, hỏi mọi người làm gì đấy, bà con cười bảo: “Cho mày đấy”. Tất cả mọi thứ với tôi đều rất lạ nhưng lại thấy thích thú và thân thương vô cùng”.

Khi tôi hỏi: “Tâm thế bà ra sao khi có hơn ba mươi năm tuổi trẻ sống ở Thủ đô, rồi về với Tây Nguyên?”. Bà trả lời ngay: “Tôi không thấy có thay đổi nào cả. Vì ở Hà Nội tôi học nhạc, về Tây Nguyên cũng làm về âm nhạc. Tôi sống với không gian âm nhạc và không bị ảnh hưởng nhiều bởi không gian địa lý”.

Đắm say với đời sống hồn nhiên, trong vắt của đồng bào

Năm 1980, Nhà nước có chủ trương sưu tầm văn hóa Tây Nguyên, bà tham gia theo sự phân công của cơ quan, nhưng rồi đi đến đâu bà cũng thấy hay nên say sưa nghiên cứu đến tận bây giờ. Lần đầu đến huyện M’Đrăk, thấy một phụ nữ trung tuổi mang lên bó cọng rạ tươi, bà ấy ngắt sáu cái đưa cho sáu người đàn bà và nói: “Được rồi đấy”. Sáu người đàn bà thổi sáu cọng rạ thành một bản nhạc. “Mọi người đều sững sờ. Sau đó bà lại lấy sáu cái chai đổ sáu mực nước đầy vơi khác nhau để sáu người ghé miệng thổi, và lại thành một bản nhạc. Kỳ lạ và đặc biệt quá sức tưởng tượng!” - bà Linh Nga kể mà không giấu được niềm vui lấp láy trong đôi mắt.

Sinh ra trong không gian văn hóa miền núi phía bắc, lớn lên trong nền văn hóa đồng bằng Bắc Bộ, trở về với cội nguồn văn hóa Tây Nguyên và được đắm mình trong nguyên sơ văn hóa Khmer quê chồng. Bà luôn cảm ơn Giàng đã cho bà những tháng ngày được góp mặt trong đời sống hồn nhiên, trong trẻo của đồng bào.

Trên Tuyên Quang, người Tày kiêng việc phụ nữ sinh nở trong nhà sàn của mình nên “họ dựng cho mẹ tôi cái nhà sàn khác, khi bà sinh ra tôi, nhau thai theo phong tục địa phương được bỏ vào một ống nứa rồi treo lên cây. Ngày trở lại, tôi hỏi vui ông cụ chủ nhà rằng: “Ông có nhớ cái cây treo cuống rốn của con là cây nào không?”. Ông cụ móm mém: “Cha mày, làm sao tao nhớ được”. Trong cái nôi văn hóa sông Hồng, tôi có những đêm được ngồi canh quan họ từ chập tối cho đến sáng. Ngày ấy Bắc Ninh đang mùa gặt, khắp nơi là mùi thơm rơm mới. Bà con gọi nhau í ới qua hàng rào: “Đi gặt về thì sang nhé, có khách Hà Nội lên đấy”. Tối đến trải chiếu giữa sân, mọi người quây quần bên ấm trà xanh và hát dưới ánh trăng, hát say sưa đến cuối giờ tý mới quyến luyến “giã bạn”.

Hay những năm đầu tôi mới về Tây Nguyên, mọi thứ còn nguyên sơ lắm. Bà con vẫn giữ tục ở trần. Tôi hỏi: “Sao không mặc áo?”. Bà con trả lời: “Con gái có cái gì đẹp thì phải khoe ra chứ. Khi nào già, xấu mới mặc áo che lại”. Rồi văn hóa Khmer Sóc Trăng quê chồng, tôi được tham dự một đám tang từ lúc đưa ra khỏi nhà, mang đi hỏa thiêu rồi trở lại nhà, đặt lên ban thờ tro cốt. Ngày Tết thì ra chùa xem hát, đóng kịch. Nhìn bà con ngồi dưới cứ há hốc miệng mà xem, mà nghe, tôi thấy hạnh phúc lắm. Đặc biệt là bà con vẫn hát những bài hát cổ truyền của người Khmer, bằng tiếng Khmer. Hát chán thì đứng lên nhảy múa. Tôi cũng nhảy vào múa cùng.

Đấy, như thế thì làm sao mà không yêu văn hóa Việt cho được, góc nào cũng thấy đẹp, thấy trong” - nhà NCVH Linh Nga say sưa nói.

Nỗ lực gợi lại không gian văn hóa

Sự phát triển của kinh tế và nền văn minh kỹ trị luôn tỷ lệ nghịch với đời sống văn hóa cổ truyền, đó có lẽ là điều tất yếu của quy luật và là thực trạng chung của mọi nền văn hóa trên thế giới. Văn hóa Tây Nguyên vạm vỡ cũng không nằm ngoài. Sử thi Đam San cũng như Đẻ đất đẻ nước của người Mường hiện chỉ còn trong sách vở. Những luật tục hàng nghìn câu để gắn kết các thành viên trong cộng đồng cũng đã đi theo người già xuống mộ. Xót xa lắm chứ, nhưng không vì thế mà NCVH Linh Nga nản chí hay ngừng cống hiến.

Không gian Văn hóa Cồng chiêng hai lần được thế giới vinh danh. Di sản văn hóa đại diện của nhân loại ấy một thời được gọi với cái tên rất… nôm na là: “Lễ hội văn hóa cồng chiêng”. Bà Linh Nga đã phải lên tiếng khắp các diễn đàn, khắp các hội nghị, hội thảo rằng Tây Nguyên chưa bao giờ có lễ hội cồng chiêng, mà cồng chiêng chỉ là phương tiện “liên lạc” với thần linh trong các buổi cúng lễ. Tây Nguyên cũng chưa bao giờ có “Lễ hội đâm trâu” như cách gọi hiện nay. Bà giải thích: “Với người Tây Nguyên, con trâu là lễ vật thanh sạch nhất để dâng lên thần linh. Bà con nuôi trâu béo mượt chỉ để dâng lên Giàng, cũng giống con lợn, con gà trong lễ cúng của nhiều dân tộc khác. Người Tây Nguyên không bao giờ đâm trâu ban ngày, mà thường để 4 đến 5 giờ sáng đã đem ra bờ suối thịt xong con trâu. Thứ nhất để kịp giờ cúng vào buổi sớm; và nhân văn hơn, là tránh để trẻ con và đông người nhìn thấy”.

Người dưỡng nuôi văn hóa tổ tiên ảnh 1

Nhà nghiên cứu văn hóa Linh Nga (bên trái) hết lòng với Tây Nguyên.

Bà đến 33 buôn của TP Buôn Ma Thuột, động viên bà con khôi phục lễ cúng bến nước - một trong những lễ quan trọng bậc nhất của người Tây Nguyên. Bà nói: “Bây giờ không gọi là lễ cúng bến nước nữa mà gọi là ngày hội bến nước được không? Ngày đó bà con mình tổng vệ sinh trong nhà ngoài ngõ, rồi đánh chiêng, ăn cơm cùng nhau”. Rất mừng là cả 33 buôn đều đồng ý. “Còn sống ngày nào, tôi còn làm văn hóa ngày đó. Mình là người Ê Đê, là con của đại ngàn, mình không thể khoanh tay đứng nhìn nền văn hóa vạm vỡ của tổ tiên lặng lẽ đi vào bảo tàng được” - nhà NCVH Linh Nga Niê Kđăm nói chắc nịch.