Nghịch lý văn hóa đáng lo ngại

Câu chuyện bảo tồn và phát huy giá trị của phong tục, tập quán tốt đẹp trong xây dựng nông thôn mới là vấn đề đang được đặt ra. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý văn hóa đã bày tỏ lo lắng trước thực trạng mai một dần các giá trị truyền thống, đặc biệt đáng báo động trong nếp sống, tập tục của một số dân tộc thiểu số.

Bảo tồn phong tục tập quán là vấn đề cấp thiết trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Bảo tồn phong tục tập quán là vấn đề cấp thiết trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Vật chất giàu lên nhưng tinh thần lại nghèo đi

Theo đánh giá từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), đang có biểu hiện không gian nông thôn truyền thống bị phá vỡ, mất đi tính đặc thù với các giá trị bản sắc văn hóa; mất cân bằng sinh thái, ô nhiễm môi trường, mâu thuẫn xã hội gia tăng, văn hóa truyền thống mai một, chênh lệch về đời sống vật chất và tinh thần giữa nông thôn - thành thị ngày càng lớn. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể, nhất là nghệ thuật dân gian truyền thống bị lãng quên bởi sự thiếu mặn mà của công chúng, sự thưa vắng các nghệ nhân, đầu tư chưa tương xứng, chế độ đãi ngộ cho nghệ nhân nhiều bất cập...

Theo bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Văn hóa cơ sở, xây dựng nông thôn mới đòi hỏi phải huy động tất cả các nguồn lực, trong đó việc bảo tồn và phát huy các phong tục tập quán tốt đẹp cũng như xóa bỏ những yếu tố lạc hậu có vai trò là yếu tố nội lực, thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.

Dưới góc nhìn này, nhà văn Hoàng Quốc Hải cho rằng, quy luật của văn hóa là di phong dịch tục chứ không thể cưỡng chế: “Văn hóa có sức sống mãnh liệt và dai dẳng hơn cả luật pháp. Vì thế, gạn đục khơi trong là yêu cầu sống còn trong bảo tồn các giá trị của văn hóa truyền thống trong thời đại ngày nay”. Ông cho rằng, để bảo tồn nét đẹp truyền thống, bài trừ hủ tục, các nhà quản lý cần bình tĩnh nhận diện xã hội, xem xét cơ sở nền tảng của những giá trị văn hóa thời đại ngày nay là gì. Trong đó, đội ngũ người làm văn hóa phải có cái nhìn chuẩn mực để định hướng sự phát triển, nếu không sẽ hao tiền tốn của mà không đem lại lợi ích như mong muốn.

Bảo tồn cần tránh áp đặt

Dưới góc nhìn chuyên gia, TS Bàn Tuấn Năng (Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, bảo tồn và phát huy các phong tục tập quán tốt đẹp trong xây dựng nông thôn mới phải bắt đầu từ quan điểm, nhận thức. Đã đến lúc phải thay đổi quan điểm cho rằng văn hóa chỉ là đàn ca sáo nhị, là các liên hoan phim, các chương trình thi người đẹp, nghệ thuật biểu diễn... “Văn hóa chính là yếu tố bao trùm lên tất cả. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Bây giờ không phải dùng kinh tế để giải quyết các vấn đề văn hóa mà ngược lại, văn hóa chính là nền tảng cho các vấn đề dân sinh. Nhận thức này cũng chính là nền tảng cho công cuộc bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp trong xây dựng nông thôn mới...”, TS Bàn Tuấn Năng nhấn mạnh.

Không áp đặt trong bảo tồn là quan điểm được nhà thơ Y Phương (Hội Nhà văn Việt Nam) lưu ý. Với tham luận “Hãy giữ gìn phong tục dân tộc Tày”, nhà thơ nhấn mạnh, không thể mang quan điểm, thói quen của dân tộc này để áp đặt cho dân tộc khác. Mọi sự khiên cưỡng đều phản tác dụng. Các nhà quản lý cần luôn xác định, hạt nhân của việc bảo tồn các giá trị di sản, truyền thống chính là tính xác thực, phù hợp với cuộc sống.

Phó Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam Tào Viết Hải lại chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn qua mô hình xây dựng tộc họ văn hóa tại tỉnh Quảng Nam. Đây là mô hình đã góp phần bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp, xây dựng môi trường văn hóa nông thôn lành mạnh trên địa bàn. Mô hình tổ chức, hoạt động của mỗi tộc họ dù khác nhau nhưng có điểm chung là tập hợp con cháu trong gia tộc để cùng nhau cam kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, gìn giữ gia phong, thuần phong mỹ tục. Trên tinh thần “Một người khó cả họ cùng lo”, các thành viên trong gia tộc đã vận động con cháu giúp đỡ những gia đình trong tộc gặp khó khăn như: hỗ trợ học bổng cho con em nghèo; chia sẻ kinh nghiệm làm ăn; cho mượn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất; xây dựng nhà ở; hỗ trợ chữa bệnh hiểm nghèo… Nhiều tộc họ đã rất tích cực trong việc phối hợp cùng gia đình giáo dục thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật; cảm hóa giáo dục người lầm lỗi; vận động con cháu hiến đất, đóng góp tiền của, công sức để làm đường giao thông nông thôn, thực hiện quy hoạch nông thôn mới... Nhiều tộc họ tích cực tham gia đóng góp “Quỹ vì người nghèo”, vận động con em xa quê tham gia ủng hộ bằng tiền mặt lên đến hàng tỷ đồng để xây dựng nhà đại đoàn kết, xây dựng nhà văn hóa - khu thể thao thôn...

PGS, TS Lê Thị Bích Hồng nhấn mạnh, bảo tồn, phát huy các giá trị phong tục truyền thống, suy đến cùng, là để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Bảo tồn các giá trị phong tục tốt đẹp, vì vậy, cũng để phát triển văn hóa, xây dựng con người một cách bền vững. Đây chính là quan điểm xương sống trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.