Nghĩ xa về sân khấu Hà Nội

NDO -

Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ IV - 2020 do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức, diễn ra từ ngày 26-9 đến 4-10 đang đi vào chặng cuối. Từ chất lượng các tác phẩm tham gia Liên hoan đặt ra rất nhiều những vấn đề cần khơi thông đối với những nhà quản lý và người làm nghệ thuật.

Cảnh trong vở Những người ở lại của Trường đại học Sân khấu Ðiện ảnh Hà Nội, vở diễn hiếm hoi về đề tài Hà Nội tại Liên hoan.
Cảnh trong vở Những người ở lại của Trường đại học Sân khấu Ðiện ảnh Hà Nội, vở diễn hiếm hoi về đề tài Hà Nội tại Liên hoan.

Ðâu rồi một thương hiệu sân khấu tiên phong?

Liên hoan lần này có ba vở của sân khấu Hà Nội tham gia đó là: Nhà hát (NH) Kịch Hà Nội, NH Cải lương Hà Nội và NH Chèo Hà Nội, còn lại 10 vở diễn là của các đơn vị nghệ thuật trung ương và địa phương khác. Ðáng buồn là cả ba nhà hát của Hà Nội đều không có vở diễn khai thác đề tài hiện đại, không phản ánh được không khí, nhịp sống và đặc trưng của con người đất Tràng An hôm nay. Ngay như thương hiệu NH Kịch Hà Nội vốn nổi tiếng với nhiều tác phẩm chính kịch thì lần này lại lựa chọn khai thác một truyện cổ tích là Trương Chi - Mỵ Nương. Mặc dù đạo diễn của Trương Chi - Mỵ Nương đã rất cố gắng sáng tạo một hình thức thể hiện hấp dẫn, mới lạ trên sân khấu quay hiện đại của rạp Công Nhân, thì vẫn không thể khỏa lấp đi sự non yếu trong biên kịch cũng như thiếu hấp dẫn từ một cốt truyện cổ tích đơn giản. Phần lớn các vở diễn đều dàn dựng các cốt truyện dân gian, lịch sử, dã sử… Ðiều này đã phần nào làm nghèo đi diện mạo và chất lượng của Liên hoan lần này. Họa sĩ, nhà thơ, NSND Lê Huy Quang cho rằng, chính những người làm nghệ thuật cần nhìn lại mình nghiêm khắc để sân khấu Hà Nội tìm ra hướng đi, tránh sự tụt hậu trong sáng tạo, để mỗi nghệ sĩ trong quá trình hình thành tác phẩm đều nhận thức đủ và thể hiện được sự chuyển hóa lớn của hiện thực Thủ đô hôm nay. Khán giả của sân khấu hiện đại từ lâu không còn là những người dân sống trong những căn hộ khép kín, tiết tấu cuộc sống chậm rãi.

Ban tổ chức Liên hoan, có lẽ, cũng cần tính đến việc xây dựng nên một thương hiệu, một sân chơi nghệ thuật đặc thù riêng? Ðể có số lượng vở diễn và đơn vị tham gia phong phú, Ban tổ chức Liên hoan đã chấp nhận chú trọng tiêu chí chung là chất lượng nghệ thuật mà không tính tới đề tài. Ðiều này góp phần làm cho sân chơi nghệ thuật sôi động hơn, hấp dẫn hơn, nhưng lại làm nhòa nét riêng của một hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp riêng của Thủ đô. "Tôi cứ thấy thiêu thiếu một nét văn hóa đặc sắc riêng của sân khấu Thủ đô tại Liên hoan lần này. Vì chúng ta là Hà Nội, người Hà Nội thích xem gì, thưởng thức nghệ thuật gì, ăn uống ẩm thực gì đều có gout riêng. Vậy mà, các tác phẩm nghệ thuật tại Liên hoan lần này đang thiếu đi cái chất riêng. Và nếu đặt liên hoan vào bất kỳ liên hoan nghệ thuật sân khấu khác cũng sẽ không có được nét riêng", một tác giả sân khấu Hà Nội chia sẻ.

Ðặt hàng từ cuộc sống

Mới đây, Bộ Công an đã tổ chức Liên hoan Sân khấu toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân và thu hút tới 27 đơn vị nghệ thuật với 35 vở diễn được đầu tư dàn dựng công phu. Ðiều gì đã khiến một cuộc liên hoan ngành lại có thể thu hút đông đảo lực lượng tham gia hùng hậu đến vậy? Phải ghi nhận việc ngành công an đã làm "bà đỡ" cho các tác phẩm tham dự ngay từ khâu phát động rồi khâu tổ chức trại sáng tác cho các tác giả sân khấu đi thực tế thâm nhập về ngành. Hay như Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng vừa tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc một số tác giả sân khấu để cung cấp thông tin và đặt hàng, lựa chọn các tác phẩm sân khấu phục vụ Ðề án Sân khấu truyền hình Hải Phòng. Vậy tại sao Hà Nội không thể tổ chức các trại sáng tác, các cuộc thi riêng về đề tài Hà Nội? Trả lời câu hỏi này, NSND Thanh Trầm, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội cho biết: "Hội thường xuyên tổ chức các trại sáng tác với sự tham gia của nhiều tác giả tên tuổi, chúng tôi chỉ có thể đề nghị các tác giả quan tâm tới đề tài Hà Nội chứ không thể yêu cầu họ viết riêng về đề tài Hà Nội được".

Từ thực tiễn của Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ IV - 2020, đặc biệt là thực tế Hà Nội đang thiếu vắng những vở diễn sân khấu chất lượng về đề tài Hà Nội, rõ ràng, việc cần làm lúc này là phải tổ chức các trại sáng tác, các cuộc thi kịch bản riêng, thậm chí cần có cả những dự án xây dựng tác phẩm sân khấu về đề tài Hà Nội không chỉ dành riêng cho các nhà hát của Hà Nội mà mở rộng cho các nhà hát công lập cũng như các đơn vị sân khấu xã hội hóa đóng trên địa bàn Hà Nội, các tỉnh lân cận có thể tham gia.

Nghệ thuật sân khấu Thủ đô đã đóng một dấu son, định hình dấu ấn riêng đặc sắc trên hành trình lịch sử sân khấu Việt Nam hiện đại. Nhưng quá khứ cũng đã ở phía sau, dù huy hoàng và chói lọi, nhất là khi tình yêu và niềm tin của khán giả đối với sân khấu Hà Nội đã có phần chững lại, cộng thêm những tháng ngày qua bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến nhiều người rời bỏ thói quen đi xem nghệ thuật sân khấu. Hơn lúc nào, hấp dẫn người Hà Nội, nhất là lớp trẻ, trở thành nhiệm vụ cấp thiết của những người làm sân khấu Thủ đô. Và còn biết bao nhiêu sự kiện, bao nhiêu nhân vật của một nghìn năm lịch sử, cận đại và hiện đại mà nghệ thuật sân khấu đã không khắc họa, không trình bày, không lý giải được một cách cuốn hút với khán giả hôm nay. Ðã tới lúc, những người làm sân khấu phải tự nhìn lại mình một cách nghiêm khắc hơn…