“Nghề” vẽ minh họa trên báo giấy

Minh họa báo chí hình như nên được hiểu là một nghề không hẳn là nghề. Dường như chưa có một trường lớp nào đào tạo những họa sĩ minh họa dù rằng có khá nhiều họa sĩ minh họa chuyên nghiệp. Cái phần làm nên sự chuyên nghiệp ấy chính là do họa sĩ phải tự đào tạo mình.

Hiếm thấy một truyện ngắn in báo lại thiếu đi bức tranh minh họa.
Hiếm thấy một truyện ngắn in báo lại thiếu đi bức tranh minh họa.

Đã có nhiều tranh luận về minh họa báo chí và những thử nghiệm không ngừng của các họa sĩ nhưng tựu trung minh họa vẫn không thể tách rời một mục đích duy nhất: Gợi mở, làm sáng tỏ nội dung câu chuyện trong bài báo bằng hình vẽ. Nói như vậy không có nghĩa là mảnh đất sáng tạo của tranh minh họa trở nên chật hẹp, kém bay bổng. Tài năng của họa sĩ vẽ minh họa tha hồ phô diễn bằng chính nét bút của mình dù là vẽ minh họa cho sách giáo khoa hay tác phẩm văn học. Thực tế thì nhiều họa sĩ lớn không vẽ nổi một minh họa đẹp và ngược lại.

Do công nghệ của hơn một thế kỷ đầu tiên báo chí quốc ngữ không có nhiều thay đổi, tranh minh họa báo chí thời kỳ này còn rất thô sơ, bởi kỹ thuật khắc gỗ của người Việt không đủ để đáp ứng yêu cầu mỹ thuật của báo chí. Họa sĩ buộc lòng phải chọn lối vẽ đơn giản nhất, có thể dễ dàng thực hiện trên ván khắc. Thường thì tranh vẽ chỉ có hai sắc độ đen và trắng. Những họa sĩ chuyên nghiệp đầu tiên của chúng ta đều phải chọn cách vẽ này kể từ các ông Lê Văn Đệ, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung, Đinh Minh… Cách vẽ này còn kéo dài mãi sang những năm cuối cùng của thế kỷ 20 dù rằng lúc ấy đã phổ biến kỹ thuật làm bản kẽm cho tất cả các loại báo chí in trên giấy.

Một công việc tưởng như có rất nhiều cơ hội cho họa sĩ thể hiện tài năng mà không phải thế. Từ sau hòa bình lập lại 1954, cả nước gần như chỉ có ba tờ báo dùng đến tranh minh họa thường xuyên: Văn nghệ, Văn nghệ quân đội, Thiếu niên tiền phong. Những báo khác thảng hoặc có vài minh họa nhưng không đều và cũng không thu hút được sự quan tâm của giới mỹ thuật.

Ba tờ báo ấy cũng có những họa sĩ gần như độc quyền của mình. Tạp chí Văn nghệ quân đội với những họa sĩ mặc áo lính từ thời Tây tiến như Văn Đa, Quang Thọ, Nguyễn Nghiêm cho đến Nguyễn Thụ, Huy Oánh, Vũ Giáng Hương, Ngọc Thọ… Tờ Văn nghệ với những tên tuổi lẫy lừng của hội họa Việt Nam là Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Văn Cao, Sĩ Ngọc… Tờ Thiếu niên tiền phong với các ông Tạ Thúc Bình, Nguyễn Bích, Mai Long, Tạ Lựu, Huy Toàn…

Từ thập kỷ 70 trở đi các tờ báo lần lượt có thêm những họa sĩ minh họa mới. Văn nghệ quân đội có thêm Trương Hạnh, Trương Hiếu, Huy Toàn, Phạm Học Hải, Phạm Ngọc Sĩ, Tiểu Bạch, Đỗ Phấn… Tờ Thiếu niên tiền phong có thêm Tuấn Dũng, Đoàn Thanh, Đặng Thạc…

Tờ Văn nghệ cũng có thêm đội ngũ vẽ minh họa hoàn toàn mới với những tên tuổi giờ đã trở thành quen thuộc Thành Chương, Phạm Minh Hải, Đỗ Dũng, Đỗ Phấn, Công Quốc Hà, Hoàng Hồng Cẩm, Đặng Xuân Hòa, Hà Trí Hiếu…

Minh họa báo chí là một loại hình rất phụ của mỹ thuật và quy mô thường nhỏ lẻ không thường xuyên liên tục. Thế nên để có được một họa sĩ minh họa đều tay, có cá tính là việc rất khó. Ngôn ngữ của loại hình này bó buộc vì khuôn khổ bức vẽ, vì sự thẩm thấu tác phẩm văn chương báo chí thông qua việc đọc và hơn hết vì cá tính sáng tạo mang nét đặc trưng riêng biệt. Đã có một thời nhiều người bắt chước ông Văn Cao, vẽ minh họa giống đến mức nếu không có chú thích bên dưới thì rất khó phát hiện. Ông Văn Cao là người vẽ minh họa thành công nhất không phải bởi tay nghề mà chính vì đặc thù bay bổng lãng mạn và cách bố cục mảng miếng đen trắng tạo mỹ cảm rất riêng biệt.

Bước tiến lớn của công nghệ thông tin toàn cầu trong vòng gần hai chục năm nay đã cho phép họa sĩ minh họa nới rộng thêm mảnh đất sáng tạo của mình. Điều mà những năm trước đó là chưa thể. Lúc ấy đại khái họa sĩ trình bày nhắn người minh họa lóc cóc đạp xe đến tòa soạn hoặc đến nhà để lấy bản thảo về đọc. Đọc xong vẽ theo kích thước chính xác do người trình bày quy định bằng mực nho thật đặc. Chỗ nào mực nhạt lúc tráng bản kẽm sẽ biến mất. Vẽ xong lại lóc cóc mang nộp bản chính. Phải có tình yêu minh họa đến mức nào đó mới đủ kiên nhẫn đi về hàng chục cây số như thế bởi nhuận bút luôn là một khoản rất tượng trưng. Phần lớn các họa sĩ vẽ minh họa đều gắng gỏi đọc cho bằng hết những tác phẩm văn học được nhờ vẽ dù rằng những tác phẩm ấy không phải bao giờ cũng hay. Đó là còn chưa kể đến việc bản thảo không phải lúc nào cũng lành lặn dễ đọc. Tôi đã vẽ minh họa truyện ngắn Tướng về hưu lần đầu tiên in trên Văn nghệ năm 1987, qua bản thảo đánh máy giấy than nhòe nhoẹt. May mà truyện của ông Nguyễn Huy Thiệp cũng không đến nỗi khó đoán ra diễn biến lắm.

Nhưng cũng có những họa sĩ tài tử chỉ đọc vài dòng cho biết nhân vật là nam hay nữ hoặc cảnh vật là phố hay làng. Những minh họa dạng này rất dễ nhận ra. Thường thì có vài cái đầu nhân vật nhăn nheo hay cười cợt hoặc cảnh làng mạc phố xá rất chung chung. Cũng đã có những họa sĩ xây dựng cả sự nghiệp vẽ minh họa của mình chỉ bằng toàn những hình ảnh lặp lại như thế!

Công nghệ bây giờ cho phép họa sĩ có thể hoàn toàn ngồi yên tĩnh bên bàn làm việc của mình. Mọi giao dịch đều thông qua mạng in-tơ-nét. Tất cả các tòa soạn đều chấp nhận file ảnh để sử dụng. Họa sĩ còn có thể vẽ trực tiếp trên máy bằng những phần mềm chuyên dụng. Có thể làm rất nhiều thủ thuật photoshop lên bản vẽ của mình. Họa sĩ bây giờ có thể vẽ minh họa màu và hoàn toàn tự do về kích thước. Thậm chí vài người còn tận dụng triệt để khả năng kỹ thuật ấn loát hiện đại gửi đến tòa soạn cả những tranh sơn dầu của mình để dùng làm minh họa.

Giờ đây có nhiều tờ báo in quan tâm đến mảng tranh minh họa. Hiếm thấy một truyện ngắn in báo lại thiếu đi bức tranh minh họa. Mỹ cảm của tờ báo nhiều khi đến với người đọc trước cả nội dung, người làm báo đã bắt đầu có những quan tâm đặc biệt đến tranh minh họa. Thế nhưng để có được một đội ngũ vẽ minh họa lành nghề vẫn là việc không dễ. Điều đó chỉ có được bằng cố gắng tìm kiếm thử thách không mệt mỏi của các tòa soạn đối với họa sĩ. Và ngược lại, các nhà báo cũng cần trau dồi kiến thức và con mắt mỹ thuật của mình để có thể phát hiện ra được những tài năng vẽ minh họa mới.