Nghệ thuật và sự cộng hưởng

Ngay từ khi chưa hoàn thành, không gian nghệ thuật ven sông Hồng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), đã biến nơi đây từ vùng đất “muốn tránh” - vốn là nơi tập kết rác thải, thành nơi “muốn đến”. Và dự án gợi mở hướng mới trong cải tạo những “điểm đen” của đô thị.

Những tác phẩm nghệ thuật đã biến vùng đất “muốn tránh” thành nơi “muốn đến”.
Những tác phẩm nghệ thuật đã biến vùng đất “muốn tránh” thành nơi “muốn đến”.

Đánh thức một “thế giới lãng quên”

Vùng bãi sông Hồng, đoạn đi qua nội thành được nhiều người ví như một “vùng quên” của Hà Nội. Hay ít ra là một “vùng muốn quên”. Nhất là mạn tả ngạn, gồm những Phúc Tân, Phúc Xá, Nghĩa Dũng… Thành phần dân cư phức tạp. Nhiều gốc gác là dân “nhảy dù”, lấn chiếm những khoảng đất hoang. Lâu rồi, thành phố, thành xóm. Đương nhiên, cộng đồng ấy kéo theo một xã hội phức tạp. Dù hiện tại đã có nhiều thay đổi, nhưng vùng bãi vẫn cứ nổi danh bởi một thời là “điểm nóng” của không ít tệ nạn xã hội. Khoảng gần 30 năm trước, chính quyền phường Phúc Tân phải xây một bức tường ngăn khu dân cư với khu đất bãi ven sông. Mục đích, để ngăn người dân đổ đất, đổ cát lấn chiếm thêm. Nhiều đoạn ven sông Hồng đã hình thành những bãi rác khổng lồ. Chính quyền nhiều lần ra quân dẹp nhưng thường thì một thời gian sau lại đâu lại vào đấy. Đi trên cầu Chương Dương, Long Biên, nhìn xuống bờ sông nham nhở, ai cũng thấy ngại.

Nhưng câu chuyện bây giờ đã khác, ở một đoạn đường ven sông Hồng thuộc địa bàn phường Phúc Tân, ngay phía dưới chân cầu Long Biên, vốn là một bãi rác lớn, đã hình thành một không gian nghệ thuật. Từ một “vùng quên”, nhiều bạn trẻ đã tìm đến để “check in”. Đó là khi quận Hoàn Kiếm triển khai dự án với 16 tác phẩm nghệ thuật trên đoạn đường khoảng 300 mét này.

Sau thành công của dự án nghệ thuật bích họa trên phố Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm mong muốn tạo thêm những không gian nghệ thuật mới cho người dân. Ý tưởng đó cộng hưởng với nỗ lực của các họa sĩ tình nguyện đã cho ra đời không gian nghệ thuật mới mẻ này ngay trong những ngày đầu năm mới. Nếu không gian bích họa trên phố Phùng Hưng thể hiện những nét đặc trưng của văn hóa Hà Nội, đặc trưng của “Hà Nội phố”, thì ở không gian trên địa bàn phường Phúc Tân, những tác phẩm còn mang bản sắc riêng của lịch sử, cuộc sống người dân vùng bãi. Tác phẩm “Thuyền” - bốn chiếc thuyền dập dềnh trên sóng nước của họa sĩ Vũ Xuân Đông khiến người ta liên tưởng ngay đến cuộc sống gần gũi với sông nước của người dân đất bãi. Nhưng thật ra, tác phẩm muốn trở về vùng ký ức xa hơn của Hà Nội. Đó là những thế kỷ trước, khi thành phố quay mặt ra sông Hồng. Vùng đất bãi bây giờ là nơi tấp nập trên bến, dưới thuyền. Những cánh buồm nâu là hình ảnh quen thuộc trong các tài liệu của các nhà nghiên cứu, thương nhân nước ngoài thế kỷ 17 - 18 khi viết về Hà Nội. Còn tác phẩm “Nhà nổi” của nghệ sĩ Đăng Ninh kể lại lịch sử ở giai đoạn gần hơn, khi nhiều gia đình sống trong những ngôi nhà được đặt trên những chiếc thùng nổi trên sông. Nghệ sĩ dùng hơn 20 thùng phuy sắt sơn mầu, khoét cửa sổ, tạo thành những “chồng” nhà nổi. Những ký ức, không phải lúc nào cũng đẹp.

Họa sĩ Trần Hậu Yên Thế đưa vào tranh hình ảnh những “song xưa, phố cũ” của Hà Nội. Có một hình ảnh rất độc đáo. Đó là một bộ khung cửa sắt được gắn thêm những “đôi cánh thiên thần”. Hẳn nhiên, đó là khung cửa của một Hà Nội xưa cũ. Nhưng nhìn sâu hơn, đó là cả một câu chuyện văn hóa. Nguyên mẫu tác phẩm nghệ thuật của họa sĩ Trần Hậu Yên Thế là khung cửa số nhà 30 Hàng Bông - ngôi nhà của họa sĩ Vũ Tân Dân. Đây vốn là một “ngôi nhà nghệ thuật”, điểm tới lui của những nghệ sĩ, nhà thơ, nhạc sĩ bạn bè của họa sĩ Vũ Tân Dân như: Bùi Xuân Phái, Dương Thụ, Đỗ Phấn, Hoàng Lập Ngôn, Hoàng Hồng Cẩm… Đó cũng là nơi họa sĩ Vũ Tân Dân mở Salon Natasha (tên người vợ Nga của ông). Những “song xưa, phố cũ” khác trên các bức họa của Trần Hậu Yên Thế, đều có những câu chuyện riêng như thế.

Hướng mở cho một cách làm

Không phải ngẫu nhiên, không gian nghệ thuật ở đoạn đường ven sông Hồng lại được dư luận quan tâm đến vậy. Được tạo dựng trong khu vực xưa là bãi rác, phần lớn tác phẩm đều được sử dụng vật liệu tái chế: chai nhựa, lồng gà, kính, inox… Thông điệp không chỉ dừng lại ở việc thay đổi nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường. Nó còn nằm ở câu chuyện, nghệ thuật có thể hình thành từ những thứ bỏ đi; nghệ thuật có thể cải tạo không gian sống. Theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn - Giám tuyển của dự án, trước khi thực hiện dự án, các nghệ sĩ đã họp cùng người dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ của họ. Và chính những người dân đất bãi đã nhiệt tình hỗ trợ các nghệ sĩ hoàn thành những tác phẩm của mình. Nhiều người khẳng định sẽ không đem rác ra đây nữa.

Còn quá sớm để nói về thành công của không gian nghệ thuật về lâu dài. Vì nó phụ thuộc rất nhiều vào thái độ của cộng đồng. Nhưng sự chia sẻ của người dân là cơ sở để hy vọng nghệ thuật làm thay đổi cả không gian, môi trường sống. Khi cho ra đời không gian phố bích họa Phùng Hưng, không phải ai cũng nghĩ nó trở thành điểm đến đậm “chất” Hà Nội với cả cộng đồng, với khách du lịch đến thế. Còn ở không gian nghệ thuật ven sông, từ chỗ là vùng đất “muốn tránh”, thì nay, những tác phẩm nghệ thuật đã biến nó thành nơi “muốn đến”. Và dự án gợi mở ra hướng đi mới trong việc cải tạo những “điểm đen” của đô thị, thông qua nghệ thuật. Khi đó, nghệ thuật sẽ thực hiện đúng chức năng của mình: Khơi dậy những điều tốt đẹp, và góp phần đẩy lùi cái xấu.