Nghệ sĩ nên có tinh thần chấp nhận rủi ro trong sáng tạo

Triển lãm “Vũ Dân Tân và âm nhạc” sẽ diễn ra trong các ngày từ 8 đến 28-10 tại Viện Goethe Hà Nội, tưởng niệm 70 năm ngày sinh của người lâu nay được coi là một nhân vật tiền phong trong đời sống nghệ thuật đương đại Việt Nam. Bên lề công việc chuẩn bị cho triển lãm, chúng tôi có cuộc trò chuyện với bà Iola Lenzi, giám tuyển, về nghệ thuật của một nghệ sĩ Hà Nội mà bà rất kính trọng, ngưỡng mộ...

Nghệ sĩ nên có tinh thần chấp nhận rủi ro trong sáng tạo

Nghệ thuật của Vũ Dân Tân là sáng tạo và tự do

- Tôi biết bà gắn bó với nghệ thuật của Vũ Dân Tân đã lâu nên phỏng đoán là có lẽ, bà vẫn chưa thể quên những cảm giác khi lần đầu tiên đứng trước các sáng tác của Vũ Dân Tân? - Lần đầu tiên tôi nhìn thấy sáng tác của ông là năm 1997, qua các bức ảnh chụp để tại tòa soạn của một chuyên san về nghệ thuật ở Ô-xtrây-li-a (Australia). Ngay lập tức, tôi bị ấn tượng bởi sự mới mẻ về hình thức của các sáng tác ấy và quyết định bay sang Hà Nội tìm ông, mong có thể được xem nhiều hơn. Khi đến Salon Natasha, số 30 Hàng Bông, Hà Nội, nơi vừa là nhà, vừa là studio của ông, vừa là một gallery nghệ thuật, tôi đã lần đầu tiên chính thức được chạm tay vào các sáng tác của ông.

Chúng không to lớn về kích thước, không tân kỳ về kỹ thuật mà hầu như chỉ được làm từ vật liệu rẻ tiền, với những kỹ thuật thủ công không hề che đậy. Nhưng điều đặc biệt là chúng thật sự tinh tế, mới mẻ trong cách kết hợp nhiều dạng thức khác nhau của các mã hiệu văn hóa. Một điều nữa là tôi thấy nghệ thuật của ông khi đó tỏa ra một sự tự tin và trình độ cao của người làm ra chúng, kết quả của nhiều năm thực hành. Điều này khiến tôi thật sự phấn khích.

Nghệ sĩ nên có tinh thần chấp nhận rủi ro trong sáng tạo ảnh 1
Nghệ sĩ nên có tinh thần chấp nhận rủi ro trong sáng tạo ảnh 2
Nghệ sĩ nên có tinh thần chấp nhận rủi ro trong sáng tạo ảnh 3

Một số sáng tác trên đĩa than của Vũ Dân Tân.

- Những gì đã truyền cảm hứng và khuyến khích bà nghiên cứu nghệ thuật của Vũ Dân Tân? - Thật khó liệt kê trong một câu chuyện vội vàng của chúng ta. Nhưng có thể vắn tắt, đó là tinh thần thử nghiệm và sự tự do trong sáng tạo nghệ thuật của ông. Ông sử dụng nhiều yếu tố trong văn hóa Việt Nam, như một nguồn chất liệu sống ban đầu. Song, vì ông là người thật sự tự do nên ông có cách nhìn riêng để chuyển đổi chúng. Ông cũng thấm hiểu những nền văn hóa khác, cả văn học, âm nhạc, lịch sử, các sự kiện đương thời trên thế giới. Tất cả các yếu tố vật thể và phi vật thể ấy được kết nối với nhau trong nghệ thuật của ông một cách tinh tế, nhạy cảm, thông thái và nhiều tầng ngữ nghĩa, dễ dàng chạm tới khán giả trong và ngoài nước.

Bởi vậy, tôi không chỉ quan tâm đến nghệ thuật của ông cùng với các tham chiếu phức hợp của nó mà còn muốn hiểu xem làm thế nào mà ông có thể hoàn thành được các sáng tác như vậy trong bối cảnh đời sống nghệ thuật Hà Nội giai đoạn từ thập niên 1970 đến 1990, vốn còn nhiều hạn chế, bảo thủ. Thực tế, sức hấp dẫn cho đến tận hôm nay còn làm gia tăng nhu cầu nghiên cứu nghệ thuật của ông ở cả góc nhìn mang tính lịch sử nữa.

Nghệ thuật đương đại Việt Nam đang hội nhập tốt vào khu vực

- Được biết là bên cạnh Vũ Dân Tân, bà còn giới thiệu sáng tác của nhiều nghệ sĩ đương đại Việt Nam khác trong các sự kiện triển lãm quốc tế. Lý do chung mà bà lựa chọn họ là gì?

- Tôi đã làm việc với ít nhất là ba thế hệ nghệ sĩ sau Tân rồi đấy. Tôi nhận thấy điểm chung ở những nghệ sĩ mà tôi lựa chọn, cũng như Vũ Dân Tân, là họ có được tinh thần chấp nhận rủi ro trong sáng tạo, cho dù khí chất nghệ sĩ và xuất phát điểm sáng tác của họ rất khác nhau. - Nhìn rộng ra trong khu vực, theo bà, nghệ thuật đương đại Việt Nam hiện có một vị trí như thế nào? - Từ những năm 1990, nghệ thuật đương đại Việt Nam đã bắt đầu tham dự vào những sự kiện nghệ thuật đương đại lớn hơn trong khu vực và trong cả châu lục. Giờ đây, ngành nghệ thuật này của các bạn đã hội nhập rất tốt vào khu vực và đóng một vai trò quan trọng. Cho dù có thể có những điều kiện khác nhau giữa nơi này với nơi khác, song bức tranh tổng thể là tương đồng. Vì thế, tôi nghĩ rằng thật sự rất tốt cho nghệ sĩ khi trực tiếp gặp gỡ, xem tác phẩm của nhau và cùng so sánh các phương pháp tiếp cận cũng như tư tưởng trong sáng tác nghệ thuật, học hỏi lẫn nhau và đạt được sự tự tin cùng thuộc về nền nghệ thuật của cả khu vực. - Theo bà, làm thế nào để một nghệ sĩ đạt được tên tuổi ở tầm mức quốc tế? Thông qua giá bán tác phẩm tăng dần đều trên thị trường quốc tế, hay thông qua tên tuổi được chú trọng ở những triển lãm danh tiếng?

- Nghệ thuật của ai đó được tham gia vào nhiều triển lãm lớn trên thế giới, trong một giai đoạn dài, qua hàng chục năm, như Vũ Dân Tân chẳng hạn, là biểu thị cho tầm quan trọng có thể có của người đó về mặt lịch sử nghệ thuật. Điều này đặc biệt hiển nhiên, vì các chuyên gia nghệ thuật toàn cầu chọn tác phẩm là bởi sự thu hút của chính nó chứ không bởi cái tên của nghệ sĩ. Nghệ sĩ không tự quảng bá mình, không tham gia vào cái gọi là “vòng xoay các festival nghệ thuật định kỳ” quốc tế có xu hướng lặp đi lặp lại tên tuổi của một số nghệ sĩ mà chẳng cần quan tâm đến chất lượng tác phẩm của họ ra sao.

Những tác phẩm tự nó có tiếng nói riêng, mang tinh thần cá nhân, giàu có về thẩm mỹ và đa lớp ngữ nghĩa, có thể cùng lúc thảo luận về rất nhiều khía cạnh, chủ đề, từ thẩm mỹ đến ý niệm, tính xã hội,… hẳn sẽ được một ai đó với con mắt nhìn nhạy cảm về nghệ thuật đương đại nhận ra, thấy xứng đáng được giới thiệu với thế giới. Sự sâu sắc ấy mới là quan trọng.

Còn việc trở nên đắt giá trong thị trường nghệ thuật không hẳn luôn có nghĩa là quan trọng về mặt lịch sử nghệ thuật. Thị trường nghệ thuật có thể tạo nên giá trị cho một số nghệ sĩ nhất định với các sáng tác “an toàn”, dễ được thích thú. Còn nghệ thuật mang tinh thần tiên phong thì thường được đánh giá muộn hơn nhiều, khi người ta đã quen với những thực hành giàu tính sáng tạo hơn. Sáng tác của Vũ Dân Tân thì đã được nhiều bảo tàng quốc tế mua rồi, và giá thì họ chẳng bao giờ tiết lộ (cười).

- Cảm ơn những chia sẻ của bà.

* Họa sĩ Vũ Dân Tân (1946 - 2009) sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, gắn bó hầu như cả cuộc đời mình với sáng tác nghệ thuật bên khung cửa kính lớn ở số nhà 30 Hàng Bông. Nghệ thuật của ông lần đầu tiên được biết đến ở bên ngoài Việt Nam là tại Triển lãm định kỳ ba năm giới thiệu nghệ thuật đương đại châu Á – Thái Bình Dương (APT) lần thứ hai do Queensland Art Gallery (Australia) tổ chức, năm 1996. Kể từ đó, các sáng tác của ông được chú ý nhiều hơn qua hàng loạt sự kiện triển lãm lớn nhỏ ở Hồng Công, Đài Loan, Xin-ga-po (Singapore), Hoa Kỳ, Phần Lan, Đức… Ông tự học về sáng tác mỹ thuật và âm nhạc. Ông là con trai của nhà viết kịch Vũ Đình Long, chủ nhà in Tân Dân và báo Tiếu thuyết thứ bảy danh tiếng ở Hà Nội đầu những năm 1930.

* Iola Lenzi là nhà sử học nghệ thuật, một curator (giám tuyển) chuyên về nghệ thuật đương đại Đông - Nam Á. Bà hiện giảng dạy bộ môn Xã hội và Chính trị trong nghệ thuật châu Á, chuyên ngành Lịch sử nghệ thuật châu Á, thuộc chương trình đào tạo cao học của Đại học nghệ thuật Lasalle - Goldsmiths, Singapore.