Ngành du lịch có “chuyển nguy thành cơ”?

Các doanh nghiệp cần cố gắng “chuyển nguy thành cơ”, đó vừa là ý kiến chỉ đạo vừa là lời động viên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Chính phủ mới đây bàn về phòng, chống dịch Covid-19, khi đề cập nội dung tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có lĩnh vực du lịch. “Trong cái khó ló cái khôn”, rõ ràng chúng ta đang không chỉ chống dịch hiệu quả, mà đây cũng là thời điểm, ngành du lịch Việt Nam đang xốc lại và làm mới chính mình.

Khách du lịch châu Âu tham quan tại khu vực hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: ĐĂNG KHOA
Khách du lịch châu Âu tham quan tại khu vực hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: ĐĂNG KHOA

Lao đao vì “khách không mời”

Tại buổi tập huấn mới đây về du lịch ứng phó với dịch bệnh, giám đốc một công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành đã ví vị khách không mời Covid-19 như một cơn bão nguy hiểm đã khiến tất cả phải lao đao. Quả vậy, ngay chính công ty này đã phải hủy hầu hết các hợp đồng ngay những ngày đầu năm mới. Ði sâu tìm hiểu, để trả lời câu hỏi “ngành du lịch sẽ ứng phó ra sao với “trận bão” này, chúng tôi nhận lại là biết bao lo toan nhưng cũng có những tiếng nói lạc quan.

“Quá nhanh, quá nguy hiểm, quá bất ngờ!”, chị Ðỗ Thu Hằng, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch quốc tế Havi (Havi Tourist) mô tả về Covid-19 như thế. Quả thật ngay khi dịch bùng phát ở Trung Quốc, rồi ngay những ngày đầu xuân mới phát hiện bệnh nhân dương tính với Covid-19 ở Việt Nam, thì với những người làm du lịch không chỉ bất ngờ mà “ban đầu đã rất sốc”. “Havi Tourist đã phải hủy toàn bộ 90% số tour lễ hội ký từ trước Tết. Hủy 100% số tour đến Trung Quốc du lịch Bắc Kinh, Thượng Hải, Phượng Hoàng cổ trấn,… trong tháng 2 và cả tháng 3-2020. Các thị trường khác như: Thái-lan, Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng bị ảnh hưởng mạnh”, chị Hằng buồn bã liệt kê “cái hạn” đầu năm của mình.

Không chỉ khách đi quốc tế hủy chuyến mà thị trường nội địa cũng bị xáo trộn, ảnh hưởng lớn. Chị Hồ Thị Ngọc Phương, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch River tâm tư: “Hầu hết những khách hàng dự định từ trước Tết đi vào thời điểm này đều hủy toàn bộ. Công ty cũng chủ động hủy hơn 90% số tour trong nước”.

Du khách “hủy chuyến, ở nhà” khiến không chỉ các công ty, doanh nghiệp (DN) lữ hành thiệt hại, mà còn khiến hàng loạt các nhà hàng, khách sạn, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú đìu hiu. Bà Trần Thu Liễu, Trưởng phòng Kinh doanh của khách sạn Ðông Kinh và khách sạn Phước Lộc Thọ 1&2 (quận 5, TP Hồ Chí Minh) than thở, dù khách sạn nằm ở khu vực phía nam, khí hậu thời tiết ấm nóng, nhưng cũng bị ảnh hưởng trầm trọng bởi dịch. “Những năm trước thời điểm này khách sạn luôn kín phòng, thậm chí có năm các booking nhận tới tận hè (tháng 4, 5, 6), năm nay doanh thu giảm 70%”, bà Liễu thở dài.

Dịch bệnh Covid-19 tuy được ngành y tế và các cơ quan chức năng nỗ lực ngăn chặn có hiệu quả, song vẫn ảnh hưởng đến tâm lý du khách. Không những thế, nhiều DN cũng phản ánh, việc các học sinh phải nghỉ học dài ngày cũng làm xáo trộn không ít sinh hoạt gia đình, du khách và cả nhân viên công ty… Không ít cơ sở cung ứng dịch vụ du lịch vì không vượt qua nổi những khó khăn đã phải ngừng hoạt động.

“Tâm chấn” Covid-19 ở tận TP Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc), song giữa thời 4.0 nên đã và đang khiến ngành du lịch Việt Nam và nhiều quốc gia khác lao đao. Tuy thế, như tính năng động thường thấy, ngành du lịch, các cơ quan quản lý nhà nước và các DN đang chạy đôn đáo, hội nghị hội thảo, rồi đề xuất kiến nghị, tìm giải pháp... “Những ngày này chúng tôi làm gì có ngày nghỉ cuối tuần, thậm chí là không có cả đêm, lo đủ thứ. Nhưng quan trọng nhất là nghĩ cách ứng phó, và tất nhiên tìm giải pháp”, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, lo lắng.

Vượt “bão”, hướng đến chuyên nghiệp

Qua sự quyết liệt, bài bản của cả Chính phủ và ngành y tế, công tác phòng, chống dịch Covid-19 vẫn đang trong tầm kiểm soát, có nhiều kết quả khả quan. Báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội cho thấy, tại địa bàn, khách du lịch châu Á chiếm 65%, châu Âu chiếm 25%, còn lại là các thị trường khác. Tuy thị trường khách Trung Quốc giảm nhưng một số thị trường khác vẫn tăng, như Nhật Bản tăng 200%, Ấn Ðộ tăng 65%, lượng khách châu Âu đang hồi phục... Thậm chí nhiều điểm đến của Hà Nội vẫn hoạt động tốt. Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Sở đã xây dựng “kịch bản” để hồi phục thị trường gồm bốn giải pháp; trong đó nhiệm vụ hàng đầu vẫn là tiếp tục tăng cường phòng, chống dịch, để khẳng định Hà Nội là điểm đến an toàn, thân thiện.

Nhiều điểm du lịch, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, du khách đang dần đông, các dịch vụ cũng hoạt động trở lại, phần nào đã “mang gương mặt mới”. Ðại diện một số khách sạn lớn, như: Movenpick, Grand Vista, Sheraton, InterContinental, Crowne Plaza, Mường Thanh, Bảo Sơn… cho biết đã thực hiện các giải pháp khử khuẩn, phát khẩu trang, cung cấp nước rửa tay cho du khách. Nhiều khách sạn trang bị máy đo thân nhiệt cho khách ra, vào khách sạn. Có khách sạn còn bố trí cả bác sĩ riêng sẵn sàng phục vụ khách. Nhiều công ty lữ hành như: Hanoitourist, Vietrantour, Hanoi Red Tours, MS Tourist LTD, Gmedia Ðà Nẵng,… cũng bắt đầu xây dựng chính sách tìm hướng mở rộng thị trường, chủ động đón khách từ châu Âu, Mỹ, Ô-xtrây-li-a… đến Việt Nam và ngược lại.

Ðề cập giải pháp cả trước mắt và lâu dài, ông Vũ Thế Bình đề xuất, việc cơ cấu lại thị trường là rất quan trọng, nên tập trung hoạt động xúc tiến tại các thị trường có nhiều tiềm năng như Mỹ, Ca-na-đa, Ô-xtrây-li-a, Ấn Ðộ…

Trong khó khăn, nhiều công ty đã khá năng động, nhạy bén, biết cách “chuyển nguy thành cơ”, xây dựng, khai thác các tuyến điểm không bị dịch Covid-19 với giá ưu đãi nhằm thu hút khách hàng. Bên cạnh đó, việc mở các lớp tập huấn, khuyến khích, cử nhân viên tham gia các khóa đào tạo cả về nghiệp vụ và ngoại ngữ cũng là những cách làm năng động, hiệu quả. “Dù dịch bệnh đã khiến các DN chúng tôi thiệt hại đủ đường, nhưng vẫn luôn có niềm tin và sự chuẩn bị kỹ lưỡng để bắt đầu cho mùa du lịch hè 2020 sắp đến. Chúng tôi tin với những nỗ lực của Chính phủ, nền kinh tế Việt Nam nói chung, ngành du lịch nói riêng sẽ sớm sôi động trở lại. Nếu mỗi DN biết cách vượt qua giai đoạn khó khăn này, xốc lại chính mình, hướng đến chuyên nghiệp, vươn ra những thị trường mới thì đây lại là một cơ hội tạo đà đột phá”, chị Ðỗ Thu Hằng, Giám đốc Havi Tourist, bày tỏ lạc quan.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Công điện gửi các địa phương, trong đó nêu các điểm di tích, danh lam thắng cảnh hoạt động bình thường nhưng phải bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch. UBND các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý điểm đến, quản lý chất lượng dịch vụ, không tăng giá vé tham quan, không để tình trạng “chặt chém” khách du lịch xảy ra sau dịch… Ðồng thời, ngành du lịch cơ cấu lại thị trường, đa dạng hóa thị trường khách quốc tế, giảm sự phụ thuộc vào thị trường quá lớn. Ðẩy mạnh kích cầu, tăng cường sự liên kết, đặc biệt là liên kết giữa hàng không và du lịch; liên kết giữa Trung ương và địa phương; liên kết công - tư… TS Vũ Nam, Phó Vụ trưởng Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch) cho biết, ngành du lịch đang sát cánh với các DN, tổ chức các buổi tập huấn, tạo nhiều điều kiện hỗ trợ DN. Tuy rằng, đây là thời điểm thách thức đối với ngành du lịch, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để ngành cơ cấu lại thị trường khách, củng cố tổ chức, cơ sở vật chất, đào tạo bồi dưỡng nhân lực... Ðây cũng là thời điểm chúng ta cần nhìn nhận lại không chỉ với ngành du lịch, mà còn với cả cộng đồng - nhân tố chính làm nên môi trường du lịch, văn hóa - cần thực hiện nếp sống văn minh, nhất là việc giữ gìn vệ sinh nơi công cộng.

Du lịch được ví như ngành công nghiệp không khói, một trong những thế mạnh lớn nhất của nước ta về phát triển kinh tế. Dịch Covid-19 là một phép thử, nếu chúng ta “biến nguy thành cơ” thành công, du lịch Việt Nam sẽ còn cất cánh.

Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia đã có thư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét để miễn visa du lịch thời hạn 30 ngày cho công dân một số nước. Cùng với đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam kiến nghị mở rộng diện miễn thị thực đơn phương cho những thị trường du lịch lớn, thị trường tiềm năng của du lịch Việt Nam và tiếp tục thực hiện việc cấp thị thực điện tử, thị thực tại cửa khẩu… Ðến nay, khi ngành du lịch đang gặp khó khăn, việc miễn thị thực đơn phương và miễn lệ phí thị thực cho khách quốc tế nếu thực hiện được sẽ là giải pháp tích cực giúp ngành vượt qua cơn sóng gió.