Nền công nghiệp giải trí cho thị trường 100 triệu dân

Ở một số nước phát triển, công nghiệp giải trí là một ngành kinh tế quan trọng, là một nguồn thu lớn, có khi hơn cả một số ngành công nghiệp khác, đem lại công ăn việc làm cho rất nhiều người, và quan trọng hơn, đây là ngành công nghiệp hiện đại, luôn luôn đổi mới nhờ tận dụng sự phát triển siêu nhanh của các công nghệ, kỹ thuật đang đổi mới từng ngày.

Song Lang là một bộ phim Việt chỉn chu và trở nên đặc biệt khi tôn vinh môn nghệ thuật cải lương đang bị thoái trào.
Song Lang là một bộ phim Việt chỉn chu và trở nên đặc biệt khi tôn vinh môn nghệ thuật cải lương đang bị thoái trào.

Vị trí mới trong thời đại kỹ thuật số


Nền công nghiệp giải trí đang hứa hẹn mang lại rất nhiều những thay đổi trong cuộc sống con người. Công nghiệp 4.0 rồi 5.0 sẽ tạo ra một xã hội khác hẳn, và theo đó, các thể chế, phương thức tổ chức xã hội sẽ phải thay đổi theo.

Để theo kịp sự chuyển động của công nghiệp kỹ thuật số, ở nhiều nước đã xuất hiện những mô hình giáo dục - đào tạo mới. Thay vì lối phân khoa, ngành cổ điển, học kiến thức, kỹ năng chuyên sâu từng ngành - một việc mà ngày nay, máy tính và trí tuệ nhân tạo sẵn sàng đáp ứng, phương thức mới đào tạo theo lối khai phóng, nghĩa là đào tạo một con người có kiến thức tổ chức tổng hợp. Đơn cử như trong trường điện ảnh, xưa nay, các khoa đào tạo đạo diễn, biên kịch, quay phim, diễn viên, hậu kỳ, PR… còn một bộ phim, bao giờ cũng là sản phẩm của một tập thể, là sự góp sức của nhiều người, qua nhiều công đoạn. Ngày nay, với một cái máy ảnh, một chiếc điện thoại thông minh, chỉ một người, có thể tự mình làm nên một bộ phim, mà chất lượng nội dung, kỹ thuật không kém các bộ phim làm theo cách cổ điển...

Điều đáng chú ý là ở nước ta, về kinh tế, toàn dân có mức sống cao hơn trình độ và khả năng của bản thân nền kinh tế, một phần là nhờ tận dụng nguồn vốn cũng như công nghệ của nước ngoài bằng nhiều con đường. Nhưng nếu tình trạng đó diễn ra trong lĩnh vực văn hóa, trong đó đi đầu là văn hóa giải trí lại là vấn đề khác. Liên hợp quốc khuyến khích sự đa dạng văn hóa. Nhiều di tích và di sản văn hóa phi vật thể được xếp hạng và công nhận là một cách thiết thực cổ vũ và nhắc nhở việc cần thiết phải bảo tồn các nguồn gien văn hóa, văn minh của các dân tộc. Trong các hiệp định liên quốc gia, hầu như nước nào cũng chủ động đặt văn hóa ra ngoài mọi cam kết về tự do giao lưu. Họ hạn chế số lượng các sản phẩm văn hóa nước ngoài nhập khẩu hằng năm. Một nước rộng lớn như Trung Quốc, sau nhiều năm dù đã nâng lên, nhưng số đầu phim nước ngoài được nhập khẩu chưa vượt qua con số 40. Hạn chế đó vừa để bảo vệ văn hóa nội địa, vừa tạo dư địa khuyến khích sự sáng tạo và phát triển của văn hóa trong nước. Và đến lượt văn hóa - nghệ thuật trong nước phát triển, sẽ thành một mũi nhọn kinh tế đối ngoại.

Mà đâu chỉ lợi ích kinh tế. Trong một thời gian không dài, bằng các tác phẩm văn hóa - giải trí, và hàng tiêu dùng, Hàn Quốc đã làm thay đổi tình cảm của lớp trẻ, cả trong nước và ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, đối với quốc gia này. Đây là thí dụ rõ nhất cho thấy văn hóa có thể mở đường để kinh tế đi theo.

Xây dựng sách lược cho sự phát triển

Có một nhận xét được nhiều người đồng tình về đặc điểm tâm lý trong sáng tác cũng như hưởng thụ tác phẩm văn nghệ ở Việt Nam. Đó là, hình như ở nước ta, cả người sáng tạo cũng như công chúng thường nghiêng về phần phê phán nhiều hơn. Chính sự phê phán này tác động không nhỏ, theo chiều hướng nhiều khi là tiêu cực, tới sự tìm tòi sáng tạo thường là bấy bớt khi mới xuất hiện. Cuộc cạnh tranh không lành mạnh của các cơ sở sản xuất sản phẩm văn hóa giải trí nội địa cũng là kẽ hở cho sự xâm nhập ngày càng sâu rộng của các sản phẩm giải trí ngoại, bất kể đẳng cấp và loại hình.

Đây chính là một trong những nguyên nhân căn bản của tình trạng, một thị trường tiêu thụ lớn gần một trăm triệu người Việt ở cả trong và ngoài nước, mà các tác phẩm văn học nghệ thuật, trong đó có khá nhiều thuộc lĩnh vực giải trí vẫn không tìm được, tìm đủ người tiếp nhận và thưởng thức. Lâu nay, việc đa số các nhà văn “yên phận” với con số một nghìn cuốn cho một tập tiểu thuyết mới, 500 cuốn cho một tập thơ, mà không biết có người mua không, nên coi là tình trạng phải báo động của văn hóa đọc. Tất nhiên, trước hết, các tác giả phải tự xem lại chất lượng cái gọi là “tác phẩm” của mình. Và cần thiết hơn là cập nhật những kỹ năng để đưa tác phẩm tới đối tượng công chúng mình hướng tới. Nhưng về góc độ quản lý nhà nước cần có chính sách thiết thực, cụ thể để hướng cho hàng triệu công chức, viên chức, người đang hưởng lương; gần 24 triệu người đi học các cấp quan tâm, có nhu cầu và thói quen đọc sách, thưởng thức văn hóa - nghệ thuật, đồng hành và đồng sáng tạo những tác phẩm văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, trong đó có khối lượng lớn những tác phẩm thuộc lĩnh vực giải trí, thay vì thờ ơ, chê bai, vì đã quen với các tác phẩm nước ngoài.

Không phải vô cớ mà vài năm gần đây, khá nhiều ca sĩ hải ngoại, sau ba, bốn mươi năm xa nước, trở về biểu diễn, những bài hát cũ, với nguyên vẹn phong cách, lối hát cũ mà vẫn được một bộ phận công chúng trong nước yêu thích. Thực tế đó giúp các nhà quản lý và nghiên cứu thấy rõ hơn vai trò của việc bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống trong sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật hiện đại mà không bị hòa tan trong biển mênh mông của văn hóa đại chúng thời kỹ thuật số phát triển.

Nắm vững và muốn cho ra đời những sản phẩm nghệ thuật giải trí thời kỹ thuật số, chắc chắn phải tin tưởng vào lớp trẻ mà tri thức đang được quốc tế hóa, nhưng tâm hồn, tình cảm vẫn bắt rễ sâu vào văn hóa dân tộc. Một sách lược phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng và tạo điều kiện cho lực lượng sáng tạo này chính là cách đẩy mạnh sự phát triển của công nghiệp giải trí, một phần đại chúng của văn hóa, trở thành mũi nhọn kinh tế trong tương lai gần.