Mỹ thuật trong “cuộc chơi” công nghệ

Trong chuyển động chung của nghệ thuật nước nhà trước “cơn lốc” công nghệ toàn cầu, mỹ thuật Việt Nam đang có những thay đổi mạnh mẽ về cách thức sáng tạo, phổ biến và hưởng thụ tác phẩm.

Các triển lãm mỹ thuật ứng dụng công nghệ hiện đại tạo hiệu ứng xã hội bất ngờ.
Các triển lãm mỹ thuật ứng dụng công nghệ hiện đại tạo hiệu ứng xã hội bất ngờ.

Những trải nghiệm mới lạ

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) mang đến tốc độ vượt trội chưa có tiền lệ trong lịch sử về vận tốc, phạm vi và tác động của hệ thống. Trong kỷ nguyên số, các hoạt động sáng tạo, thưởng thức tác phẩm nghệ thuật, tham quan bảo tàng, triển lãm, giao dịch mua bán,… có thể thực hiện ngay tại nhà chỉ với in-tơ-nét, qua hệ thống giải trí đa phương tiện kỹ thuật số.

Trên thế giới từng có những đột phá công nghệ gây “choáng” cho giới nghệ thuật, khi năm 2018, bức chân dung Edmond de Belamy mô tả một người đàn ông hư cấu được tạo ra bởi AI (trí tuệ nhân tạo) đã được bán với giá 432.000 USD (khoảng 10 tỷ đồng) tại Nhà đấu giá nghệ thuật danh tiếng Christie’s ở Niu Oóc (Mỹ). Dù bị đánh giá là vô hồn so với tranh của các họa sĩ, song mức giá của bức vẽ lại hết sức ấn tượng, đồng thời đánh dấu một thực tế là rô-bốt đã biết làm nghệ thuật. Chỉ một năm sau, triển lãm các tác phẩm hội họa, điêu khắc và vi-đê-ô do cô gái rô-bốt AI tên là Ai-da sáng tác tiếp tục ra mắt tại Trường đại học Oxford (Anh), bán được một triệu bảng (khoảng hơn 30 tỷ đồng)…

Thời gian qua, mỹ thuật Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều các dự án, triển lãm, tác phẩm dùng công nghệ kỹ thuật số; với điểm chung là sử dụng các ứng dụng công nghệ để tăng hiệu quả sống động khi trải nghiệm tác phẩm. Năm 2019 ghi dấu một số sự kiện quy mô, độc đáo gây chú ý trong giới chuyên môn và công chúng, đó là hai triển lãm Ấn tượng phản chiếu: Van Gốc và tác phẩm tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) và Bùi Xuân Phái với Hà Nội tại Bảo tàng Hà Nội.

Lần đầu tiên, những kiệt tác của Vin-xen Van Gốc - một trong những họa sĩ xuất sắc nhất thuộc trường phái hậu ấn tượng được giới thiệu tới công chúng theo hình thức hoàn toàn mới tại Việt Nam: phiên bản số. Theo đó, các bức tranh được trình chiếu luân phiên, tự động bằng máy chiếu hiện đại có độ phân giải rất cao; với các chủ đề: tĩnh vật, chân dung tự họa, cây cối, phong cảnh... Thông qua việc trình chiếu hình ảnh tác phẩm gốc trên màn hình khổ lớn, lớp lang của các nét cọ cũng được phóng rộng so với kích thước trong tranh nguyên bản, giúp người xem quan sát cận cảnh từng chi tiết, đường nét. Sự kết hợp phức tạp của những khối hình, mầu, độ sáng - tối làm nổi bật sự chân thật của vật liệu, mang đến cho người xem những trải nghiệm thị giác độc đáo, mới lạ so với xem bản gốc.

Triển lãm Bùi Xuân Phái với Hà Nội giới thiệu hơn 200 bức tranh của danh họa Bùi Xuân Phái về các chủ đề: tranh phố Hà Nội, vẽ chèo, ký họa bạn bè và gia đình. Triển lãm sử dụng công nghệ 3D map-ping và các công nghệ đa phương tiện, kết hợp âm thanh, ánh sáng đặc biệt; kết hợp giữa tả thực và sân khấu hóa tạo thị giác, thính giác cho người xem. Bên cạnh đó, còn dành một không gian trải nghiệm, ứng dụng công nghệ AI trong nhận diện hình ảnh giúp khách tham quan được tương tác với các tác phẩm; hình ảnh của mỗi người được công nghệ AI xử lý theo nét vẽ của danh họa Bùi Xuân Phái và phác họa trên những bức tranh Hà Nội. Công chúng được “nhúng” mình vào từng tác phẩm, cảm giác trải nghiệm như chính mình là một nhân vật trong đó…

Cơ hội và thách thức

Nhiều ý kiến trong giới cho rằng, việc dùng công nghệ hiện đại để trình chiếu ảnh các tác phẩm hội họa (chứ không phải trưng bày tranh gốc) chỉ là nghệ thuật dùng công nghệ một cách phô trương, hời hợt; không bóc tách được các tầng lớp ý nghĩa và cảm xúc nghệ thuật; không khác gì ở nhà bật màn hình HD ngắm tranh. Song có một điều đáng chú ý là các triển lãm này lại tạo hiệu ứng xã hội bất ngờ khi rất đông người trẻ kéo đến xem; nhiều người qua đó mới tiếp cận, hiểu biết về tác giả, tác phẩm. Đó cũng là lý do để có những ý kiến ủng hộ các triển lãm mới mẻ này, cho rằng đây là một cách để đưa nghệ thuật tới gần hơn với cộng đồng, đặc biệt là lớp trẻ.

Việc ứng dụng công nghệ để thay đổi phương thức sáng tác, truyền tải giá trị nghệ thuật phù hợp với nhu cầu thưởng thức của công chúng đã trở thành xu hướng chung của xã hội hiện đại. Song cũng cần nhìn nhận, mỹ thuật là hoạt động nghệ thuật đề cao tính sáng tạo của cá nhân nghệ sĩ. Theo PGS, TS Nguyễn Nghĩa Phương, Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, ở khía cạnh sáng tác, không phải chuyên ngành nào cũng cần đến sự tham gia của công nghệ mới trong quy trình sáng tạo tác phẩm. Nhưng CMCN 4.0 lại có tác động không nhỏ đến cái nhìn, quan niệm; cách thực hành nghệ thuật, tìm hiểu và chia sẻ thông tin, kiến thức chuyên môn; cách đưa tác phẩm đến công chúng và thu nhận đánh giá phản hồi… Đặc biệt, lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng chịu sự tác động mang tính sống còn từ công nghệ đương đại. Nhiều loại hình thiết kế như truyền thông, thời trang, game, không gian, sản phẩm, tương tác, giao diện người dùng… với sự tham gia của in-tơ-nét và công nghệ mới đang tạo ra những đột phá, thay đổi nhanh chóng; mang lại những lợi ích kinh tế, xã hội khổng lồ.

Giới mỹ thuật Việt Nam đang đón nhận và chủ động ứng phó với cơ hội và thách thức từ CMCN 4.0, nhằm tạo nên những sáng tạo, thành tựu mới, bắt kịp xu thế thời đại đồng thời không làm mất đi nét đặc trưng, bản sắc truyền thống; góp phần xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa nước nhà.