Mỹ thuật lại bị vấy bẩn

Vụ việc một bức vẽ lụa - bài tập trên lớp của một sinh viên Ðại học Mỹ thuật Việt Nam được ký tên một họa sĩ khác, được đặt tên liên quan đến người thật và được đem ra đấu giá công khai, mức tiền khởi điểm là 3.000 USD đang gây xôn xao dư luận. Có thể nói, đến đây, sự giả mạo trong việc kinh doanh mỹ thuật ở Việt Nam đã đến mức không thể chấp nhận được.

Bức tranh sơn dầu và bức tranh lụa đã bị “đánh lận con đen” với mục đích kiếm lợi một cách trắng trợn.
Bức tranh sơn dầu và bức tranh lụa đã bị “đánh lận con đen” với mục đích kiếm lợi một cách trắng trợn.

“Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”

Trước hết, xin được lược thuật lại diễn biến của sự việc một bài tập vẽ lụa lại trở thành một bức tranh của một họa sĩ (Thông tin chính thức từ nhà đấu giá Chọn kèm theo bức tranh này là họa sĩ Vũ Giáng Hương, nhưng không kèm theo thông tin tiểu sử họa sĩ, để xác định cụ thể, tránh trường hợp trùng lặp tên - dù điều này khó xảy ra trong thực tế nhưng không phải không có): ngày 3-9-2018, trên trang mạng xã hội facebook của Nguyễn Ðông có đăng tải bài viết, chỉ rõ bức vẽ lụa được nhà đấu giá chọn trưng bày trong một phiên đấu giá cách đó hơn một tháng là bài tập với lụa của một sinh viên Ðại học Mỹ thuật Việt Nam, chứ không phải của tác giả tên Vũ Giáng Hương. Ðiều cốt lõi của bài viết này là muốn chứng minh Nguyễn Ðông không chép tranh của Vũ Giáng Hương như một số phản hồi đến Ðông sau khi có người xem trưng bày đó, đơn giản bởi bạn sinh viên đã được Ðông cung cấp ảnh mẫu để Ðông vẽ bức sơn dầu chân dung một bé gái mà anh được đích danh mẹ của bé đặt hàng, từ đầu năm 2018. Sau bài viết này, một cơn bão truyền thông từ mạng xã hội đến báo chí chính thống đã xảy ra, cuốn dư luận vào nhiều vấn đề khác, lớn hơn mong muốn cốt lõi của Nguyễn Ðông rất nhiều.

Dư luận tập trung vào sự giả mạo chữ ký của họa sĩ Vũ Giáng Hương. Ðiều đáng nói là dư luận cũng mặc định luôn đó chính là cố họa sĩ Vũ Giáng Hương (1930 - 2011), nguyên Tổng Thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhiệm kỳ 1994 - 1999. Bên cạnh đó, nhân thể dư luận tiếp tục khơi lại các sự vụ làm giả tranh ở Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây, thậm chí còn coi đó như là hệ quả lịch sử do “cha ông” để lại, bởi liên hệ đến việc sao chép tranh thật từ thời chiến tranh vắt qua thời kỳ bao cấp... Dư luận cũng khao khát truy xuất nguồn gốc chữ ký, đánh giá trình độ thẩm định của nhà đấu giá, đòi hỏi sự “vào cuộc” của các cơ quan luật pháp để nhanh chóng chấm dứt tình trạng làm vấy bẩn thị trường và đời sống mỹ thuật Việt Nam như vậy...

Tất nhiên, dễ dàng nhận ra mục đích kiếm lời từ cả nhà “sưu tập” lẫn nhà đấu giá khi muốn “đánh lận con đen” tác giả của bức tranh này. Ngay việc đưa ra thông tin mập mờ về tác giả Vũ Giáng Hương đã cho thấy rõ điều đó. Cần phải nói rằng, đây chỉ là những trò kiếm chác khá đơn giản của gian thương.

Sẽ còn nhiều nữa các sự vụ giả mạo tương tự?

Quanh sự việc này, đề xuất phải xử lý bằng luật pháp đối với nhà đấu giá đã được một quan chức trong Hội Mỹ thuật đề cập đến. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn, đây là sự việc không hề đơn giản bởi mấu chốt trong trình tự các thủ tục pháp lý của Việt Nam là phải có đơn trình báo, tố giác tội phạm hoặc phải có đơn khởi kiện gửi đến các cơ quan liên quan, sự việc mới được xem xét theo pháp luật, nhưng ai là người đứng đơn này? Và quan trọng hơn cả, họ lấy tư cách gì để đứng đơn? Trong khi bức vẽ bài tập của bạn sinh viên không có chữ ký, thông tin đưa ra về tác giả Vũ Giáng Hương từ nhà đấu giá cũng chưa đủ chi tiết để khẳng định đó chính là họa sĩ Vũ Giáng Hương - nguyên Tổng Thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam, và điều quan trọng nữa, bức vẽ không hề được giao dịch trong phiên đấu giá, hiện vẫn thuộc về nhà sưu tập kia.

Nhìn rộng ra, một khi đã có chuyện mua bán và thị trường thì hẳn là sẽ có chuyện bất chấp lương thiện vì lợi nhuận. Ðây không chỉ là câu chuyện ở riêng Việt Nam mà ở mọi thị trường trên thế giới. Vấn đề là các công cụ pháp lý của Việt Nam trong quản lý thị trường nói chung chưa đủ mạnh để khiến kẻ muốn làm giả phải e ngại, thậm chí còn yếu đến mức độ thay vì e ngại, nhiều gian thương sẵn sàng trơ trẽn giả trá vì lợi nhuận trước mắt. Khi và chỉ khi Nhà nước có chính sách chấp nhận các tác phẩm mỹ thuật là tài sản bảo đảm, được sử dụng để thế chấp trong các giao dịch ngân hàng, như nhà, đất, sổ tiết kiệm, sổ bảo hiểm có giá trị... thì chắc chắn, sẽ kéo theo hàng loạt các chính sách liên quan giúp làm minh bạch về tác giả, tác phẩm cũng như mọi giao dịch thương mại trong lĩnh vực kinh doanh đầy tiềm năng này ở Việt Nam. Chính sách này không có gì mới lạ, ngay nước láng giềng Thái-lan cũng đã thực thi từ nhiều năm nay.