Một hiện tượng bất thường cần nghiên cứu

Gần đây tại một số công trình tâm linh mới được tôn tạo xuất hiện những phù điêu rồng đá được tạo hình theo hướng "bò ngược lên" từ bến nước vào chính điện. Ðây là điều khá bất thường. Nhiều nhà nghiên cứu sử học, khảo cổ học và lịch sử mỹ thuật đã lên tiếng phủ định trước hiện tượng bất thường này.

Ðôi rồng đá trước Ðiện Kính Thiên được tạo hình theo hướng "chầu ra".
Ðôi rồng đá trước Ðiện Kính Thiên được tạo hình theo hướng "chầu ra".

Từ "hình ảnh kinh điển"

Trong thế giới tâm linh cổ truyền Việt Nam, rồng là dấu hiệu của điềm lành. Rồng gắn liền với vận hành của trời đất. Rồng sinh ra mưa và sấm chớp, gắn liền với nước - là điều cầu mong muôn đời "mưa thuận gió hòa" của cư dân trồng lúa nước... Rồng đứng đầu trong tứ linh: long - lân (ly) - quy - phượng. "Tính" được tôn thờ của rồng là "giáng" (mang lại) những điều phúc, lành đang đau đáu cầu mong của con người, ví như mưa xuống ruộng hạn... Phần đầu rồng mang các biểu tượng của uy nghi quyền lực (mào, bờm lửa, ngậm ngọc, móng vuốt…), thân rồng thường được tạo hình gồm 12 khúc uốn lượn mềm mại tượng trưng cho 12 tháng vận hành của bốn mùa trời đất. Hình tượng rồng ở Việt Nam mang tính thiện, điềm lành, uy nghiêm, trái ngược với con rồng hung ác, tượng trưng cho cái xấu ở phương Tây.

Trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật, mỹ thuật, hình ảnh rồng biểu trưng cho cái đẹp và sự tôn quý, là ẩn dụ so sánh trong nhiều tác phẩm ngâm vịnh, là mô-típ tạo hình, trang trí xuất hiện trên rất nhiều công trình kiến trúc, vật dụng công cộng và của cá nhân được tôn quý trong xã hội phong kiến…

Rồng được tạc và đặt uy nghi dọc thềm trước cung điện với ý nghĩa trang trọng "đón" bậc quân vương lên điện và "tiễn" khi ra khỏi điện. Ở các đình, đền, miếu, quán… hình tượng rồng đều hiện diện phổ biến trong các mô-típ trang trí có tính trang trọng, tôn vinh. Hình ảnh "kinh điển" là đôi rồng đá lớn ở thềm Ðiện Kính Thiên (Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long) xưa vẫn được dùng để minh họa trong nhiều công trình, bài viết. Ðáng chú ý rằng rồng tại các di tích kiến trúc cổ chỉ "chầu xuống", "chầu ra" theo hướng từ trong chính điện hướng ra ngoài. Rồng trên mái cũng chỉ bò ngang khi cùng "chầu nhật" (nguyệt) hoặc "tranh châu".

… đến hiện tượng bất thường

Vậy nhưng, tại một số công trình tâm linh mới được tôn tạo lại thời gian gần đây, xuất hiện những phù điêu rồng được tạo hình theo hướng "bò ngược lên" từ bến nước vào chính điện. Ðây là điều khá bất thường. Nhiều nhà nghiên cứu sử học, khảo cổ học và lịch sử mỹ thuật đã lên tiếng phủ định từ rất sớm (cuối năm 2010 và nhiều lần sau đó) khi có nhiều rồng mới được đắp "bò ngược" lên mái và "ôm góc tường" ở một ngôi đình nằm giữa trung tâm Hà Nội hoặc đôi rồng "bò ngược" lên từ bến nước ở Thuận Thành (Bắc Ninh). Dù vậy, hiện vẫn chưa thấy tác giả của các đồ án này lên tiếng bảo vệ ý tưởng thiết kế của mình. Liệu đây có phải là một "khuynh hướng mới" trong các công trình kiến trúc tâm linh chăng?

Từ năm 2014, Hà Nội và một số địa phương trong cả nước đã phải tốn nhiều công sức để di dời hàng loạt sư tử đá, mới về kiểu dáng và mới xuất hiện, ra khỏi các di tích. Khác với đám hiện vật ngoại lai đó, "rồng bò ngược" là mô-típ "nội sinh", không có căn cứ và có vẻ như xuất hiện tùy cảm hứng của người cung tiến? Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần sớm có sự tham vấn, với các khảo cứu cẩn trọng của các nhà nghiên cứu, để có kết luận chính thức về hiện tượng này. Nếu không, rất có thể chúng ta lại một lần phải vào cuộc, mất công di dời, cùng rất nhiều hệ lụy đi kèm, như đã từng xảy ra với các linh vật đá ngoại lai tại nhiều di tích.

TS Nguyễn Hồng Kiên, Viện Khảo cổ học

"Tôi khẳng định không bao giờ có chuyện rồng bò ngược trên bậc lên xuống như vậy trong các di tích cổ của Việt Nam. Tại Ðiện Kính Thiên, ta có thể thấy rõ rồng bò xuống như theo bước chân của nhà vua từ trên xuống. Chứ còn rồng bò ngược lại thì chả hiểu có ý gì?".

PGS, TS Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia

"Rồng trên thành cầu thang trong các cung điện, lăng tẩm thì thường bò xuống mang nghĩa đón vua khi ngài đi vào. Trường hợp này, tôi chưa phê phán vì chưa hiểu nó nằm ở phần nào trong di tích. Dù thế nào, về mặt văn hóa nó cũng là trường hợp khó hiểu, hy hữu".