Một dòng Xuân bền bỉ trong huyết quản

Nếu không có nền văn hóa riêng, thì một dân tộc không tồn tại. Vì vậy, văn hóa không chỉ là mục tiêu, động lực của sự phát triển mà còn là sinh tồn, sinh mệnh. Nhưng văn hóa, bản sắc văn hóa của một dân tộc là một thực thể sống, không bao giờ đứng yên...

Nghệ nhân Hàng Trống, Hà Nội. Tranh của Trần Nguyên Đán (1976, khắc gỗ, 44,2 x 42,5) - do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cung cấp.
Nghệ nhân Hàng Trống, Hà Nội. Tranh của Trần Nguyên Đán (1976, khắc gỗ, 44,2 x 42,5) - do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cung cấp.

Màu dân tộc chỉ lung linh khi bắt sáng hồn thời đại. Và nó luôn vận động, không ngừng đi về phía trước.

Hồn Việt

Tết đã về.

Cái rét cuối đông không còn buốt giá nữa mà chuyển dần sang vị ngọt. Những nẻo đường trở nên rộn rã hơn bởi những chuyến tàu, chuyến xe háo hức lăn bánh về làng. Chợ quê đã tưng bừng với mọi sản vật tinh hoa, đã tươi tắn trên má hồng thiếu nữ, trong tiếng cười, tiếng chào ngọt lịm tình quê của các dì, các mẹ. Và hương khói trên cánh đồng chạp mộ đã mách nẻo cho chúng ta.

Ấm áp và thiêng liêng. Và trong vui tràn trề là chứa chan hy vọng.

Nắng xuân, mưa xuân, hơi xuân làm cho đất đai cũng phải nhú mầm mà thắm hoa, xanh lá.

Điều gì làm cho lòng ta bâng khuâng, mạnh mẽ, làm ta thấy yêu thương con người và cuộc sống hơn? Mùa xuân. Đúng vậy. Mùa xuân của đất trời làm cho lòng người giống như cây lá cũng hồi sinh, làm cho lòng ta biết rũ sạch những đau thương, lầm lỗi; biết khoan dung và tha thứ; nỗ lực và tin yêu. Nhưng còn một dòng xuân khác, đó là tâm thức, là hồn cốt dân tộc trong huyết quản, bền bỉ, trường tồn.

Trải suốt hàng nghìn năm dựng nước, chúng ta không chỉ giữ vững nền độc lập, làm cho Việt Nam trở thành biểu tượng của một dân tộc anh hùng, đặc sắc về nghệ thuật quân sự; chúng ta còn xây dựng cho mình một nền văn hóa độc đáo về tình yêu thương con người thương người như thể thương thân; về ý thức đoàn kết một cây làm chẳng nên non/ ba cây chụm lại nên hòn núi cao; nước lụt thì lút cả làng/ đắp đê chống lụt thiếp chàng cùng lo; về phẩm giá con người giấy rách giữ lấy lề; học là học biết giữ giàng/ biết điều nhân nghĩa, biết đàng hiếu trung; về lòng vị tha, ngay cả với kẻ thù Tướng giặc bị cầm tù, như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng/ Thần Vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh...

Và ít có một dân tộc nào lại có sự gắn bó giữa người sống và người chết, giữa các thế hệ trong gia đình, trong họ tộc, trong làng xóm, trong cả nước như ở Việt Nam. Cái sự gắn kết ấy, làm cho mọi quốc bảo, gia bảo được trao truyền, gìn giữ một cách bền chặt.

Hồn cốt dân tộc - phần tinh hoa của văn hóa luôn luôn bị thử thách trước mọi biến cố của lịch sử. Nó có thể kết tinh hơn, cũng có thể bị pha tạp, pha loãng. Nhưng chúng ta cũng đang có những cơ hội lớn để tiếp thu tinh hoa thế giới.

“Miếng trầu là đầu câu chuyện”, “Trầu này trầu tính, trầu tình”... tuy vẫn còn lay động trong câu ca quan họ, nhưng sự thật, cùng với nhiều biểu tượng văn hóa khác, nó đã đi vào quá khứ. Phần đông lớp trẻ cũng không nghe chèo, tuồng, hát xoan, hát then... nữa mặc dù ngành văn hóa và giới truyền thông hết sức cổ súy. Họ không có lỗi.

Rất nhiều người thuộc câu thơ Hoàng Cầm trong “Bên kia sông Đuống”:

Quê hương ta lúa nếp thơm nồng

Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong

Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp...

Bây giờ làng Đông Hồ chỉ còn ít người vẽ tranh khắc gỗ và tranh làng Đông Hồ không còn gợi nét tươi vui trong những nếp nhà mỗi khi Tết đến. Làng Đông Hồ đang làm vàng mã, kiếm nhiều tiền hơn; ít lâu nữa, họ có thể chuyển nghề khác. Không thể bắt người Đông Hồ vẽ tranh, người Đường Lâm giữ những ngôi nhà thiếu tiện nghi và như thế gọi là “giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống”.

Hạt giống văn hóa có lẽ không chỉ được gieo bởi hồn người mà còn được gieo bởi thiên nhiên. Mà suy cho cùng, hồn người cũng được mẹ thiên nhiên sinh ra. Bảo vệ văn hóa dân tộc, trước hết và sâu xa, cũng là bảo vệ thiên nhiên. Mà điều này thì chúng ta chưa biết cách làm tốt nhất.

Để tiếp thu tinh hoa thế giới, ta cũng phải biết giã từ quá khứ, giống như người mẹ tiễn con gái đi lấy chồng. Con ngoan thật, xinh thật, nhưng không thể ở nhà mẹ mãi; quá khứ không thể chiếm chỗ của hiện tại. “Gái lớn ai không phải lấy chồng/ Can gì mà khóc, nín đi không”. Có thể mượn câu thơ của Nguyễn Bính để xoa dịu những tấm lòng đa cảm, ôm nặng hoài niệm với quá khứ. Chúng ta phải chủ động chuẩn bị những khoảng trống cho ngày mới. Chúng ta đã có những khoảng trống ấy, nhưng tiếc rằng, nó đã bị lấp đầy bằng những đồ second hand và thậm chí cả rác thải văn hóa. Nhiều bạn trẻ chỉ thuộc bài hát, tên diễn viên người nước ngoài, thậm chí, nghệ sĩ hẳn hoi, không quý tên cha mẹ đặt cho lại đi đặt một cái tên tây, tên Hàn cho nó “mô-đéc”...

Thứ ấy không phải là học tập tinh hoa.

Bỏ yếu theo mạnh, vứt xấu lấy tốt

Bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 5, khóa VIII (ngày 16-7-1998) gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống...

Cách viết trên cũng làm ta hiểu cốt lõi của văn hóa là tâm hồn, tính cách con người, cách con người ứng xử với nhau, bổn phận cá nhân đối với gia đình và Tổ quốc.

Người Việt Nam, văn hóa Việt Nam thật sự như thế nào cần được so sánh với quốc tế. Giống như Lỗ Tấn từng phát hiện ra quốc dân tính Trung Hoa qua AQ với phép thắng lợi tinh thần; chúng ta cần phát hiện ra những ưu trội và hạn chế trong tính cách người Việt. Những điều tích cực đã được khẳng định, còn hạn chế là gì?

Tôi thường lấy làm lạ và chưa hiểu được hết vì sao ở Việt Nam không có chế độ tư hữu nhưng tính tư hữu lại rất cao, cái chung chưa được đủ đầy như lẽ ra phải thế. Mỗi người có thể tự ngẫm từ bản thân và so sánh với người nước ngoài, sẽ sớm biết những mặt mạnh, yếu để nhanh chóng bỏ yếu lấy mạnh.

Hướng tới hội nhập là hướng tới những giá trị phổ cập của nhân loại. Trước hết là những đức tính mang bản chất người.

Đây là cơ hội để văn hóa Việt Nam có bước phát triển vượt gộp.

Khả năng tiếp nhận những tinh hoa thế giới là rất lớn. Bởi, như GS Cao Xuân Huy chỉ ra rằng, tính cách dân tộc ta là tính cách nước, có sự mềm mại, uyển chuyển, dễ hòa nhập. Ngày nay, thanh niên Việt ở khắp thế giới, sẽ là những dòng nước làm tươi mới, trẻ trung, thời đại hơn hình ảnh của dân tộc. Ở những nước phát triển, người ta nhận thấy, học sinh Việt Nam học rất giỏi. Khả năng uyển chuyển, tính linh hoạt... là một bản sắc, là thế mạnh.

Chúng ta học cách thượng tôn pháp luật, tôn trọng chân lý, từ bỏ tư tưởng “trăm cái lý không bằng một tí cái tình”, nhưng ở khía cạnh khác, sự “duy tình” Việt Nam là điều thế giới không có được, vì ở Việt Nam trong tình có lý. Người Pháp, người Mỹ - những quốc gia từng xâm lược Việt Nam, khi họ đến với tư cách người bạn, đều được chào đón nồng nhiệt. Uyển chuyển là ở đấy, nhân văn là ở đấy.

Trong gương mặt hiện đại của các nước phương Tây, có một gương mặt rất buồn của những người già. Con đường của người già Âu- Mỹ chắc chắn 100% là vào trại dưỡng lão, còn ở Việt Nam là về quê, về với gia đình trong sự ấm cúng của tình người. Người Việt có tính kế thừa và gắn kết chặt chẽ, đó là yếu tố để làm giàu có thêm truyền thống, để tạo nên sức mạnh tập thể, sức mạnh dân tộc.