Vi phạm bản quyền âm nhạc

Luật không theo kịp thực tế

Mới đây, Bộ phận Pháp chế Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) vừa đưa ra danh sách các liveshow bị khởi kiện ra tòa vì xâm phạm quyền tác giả, song vẫn chưa được đưa ra xét xử hoặc chưa có phản hồi về yêu cầu xử lý vi phạm. Thực tế này cho thấy, câu chuyện bản quyền âm nhạc vẫn đang được xử lý một cách chậm chạp, trong khi, nhiều quy định pháp lý lại không theo kịp thực tế đời sống.

Liveshow của ca sĩ Quang Hà hồi tháng 9-2017 đến nay vẫn chưa có một câu trả lời thỏa đáng về vấn đề bản quyền.
Liveshow của ca sĩ Quang Hà hồi tháng 9-2017 đến nay vẫn chưa có một câu trả lời thỏa đáng về vấn đề bản quyền.

Vi phạm tràn lan

Theo thống kê của VCPMC gửi các phương tiện truyền thông mới đây, trong thời gian qua, số chương trình biểu diễn có xảy ra hành vi xâm phạm quyền tác giả lên tới con số hàng trăm chương trình - nếu chỉ tính các chương trình với quy mô lớn phát hiện được, chưa nói những chương trình nhỏ, lẻ. Thậm chí, có những đơn vị tổ chức những show lớn xong thì xóa tên công ty và thành lập công ty mới. Có những trường hợp, VCPMC gửi báo cáo vi phạm hết lần này tới lần khác mà vẫn chưa giải quyết được. Mặc dù Trung tâm đã nỗ lực gửi cảnh báo, gửi đề nghị đến các đơn vị tổ chức biểu diễn, tuy nhiên hầu hết các đơn vị đều tìm cách né tránh thực hiện quy định về quyền tác giả. Điều đó dẫn đến tình trạng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tác giả bị xâm phạm và không được tôn trọng, gây nên nhiều bức xúc ở các tác giả sáng tác âm nhạc.

Thí dụ như trường hợp liveshow concert “Trăm năm cô đơn” của ca sĩ Quang Hà do Công ty cổ phần Truyền thông Show Thăng Long Việt Nam tổ chức từ ngày 23-9-2017. Ngoài Bến Thành Audio Video - chủ sở hữu đối với các tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Lam Phương, một loạt tác giả, đại diện hợp pháp của các tác giả cũng lên tiếng về việc bị vi phạm quyền tác giả âm nhạc trong live concert này. “Đây là hành vi cố ý xâm phạm quyền tác giả, trong khi luật đã quy định rõ ràng về việc bảo hộ quyền tác giả. Hành vi này gây thiệt hại quyền và lợi ích hợp pháp của tôi, đồng thời cho thấy thái độ bất chấp, coi thường pháp luật của đơn vị tổ chức”, nhạc sĩ Lưu Quốc An (Quốc An) - tác giả của ca khúc “Định mệnh” bị sử dụng trái phép, bức xúc bày tỏ.

Không chỉ có vậy, VCPMC cũng chỉ ra hiện tượng một số tác giả khi ký giấy để cho phép ca sĩ được độc quyền bài hát với mục đích biểu diễn, nhưng nhiều ca sĩ/người biểu diễn lại hiểu chưa đúng, hoặc đơn vị tổ chức biểu diễn cố ý lợi dụng các giấy tờ này để né tránh việc xin phép, trả tiền nhuận bút cho tác giả và tìm cách đối phó với thủ tục của cơ quan quản lý nhà nước.

Trong khi đó, việc kiểm tra, xử lý vi phạm trên thực tế thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, tình trạng các vụ việc vi phạm xảy ra tràn lan, thách thức và hết sức tinh vi khiến cho việc xử lý vi phạm, “hậu kiểm” chưa thể đáp ứng kịp thời và giải quyết dứt điểm.

Luật chậm hơn thực tế

Theo VCPMC, bên cạnh các vụ việc giải quyết bằng biện pháp dân sự, việc khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền cũng không đạt hiệu quả, thời gian kéo dài, chi phí tốn kém. Trong số tám vụ việc đã khởi kiện ra tòa án (tính riêng lĩnh vực biểu diễn), đến nay vẫn chưa có vụ việc nào được đưa ra xét xử, chưa kể một số vụ cũng chưa được tòa án thụ lý theo thủ tục.

Trong khi đó, thực tế cho thấy, dù có áp dụng đầy đủ các biện pháp để bảo vệ quyền theo quy định của pháp luật, thì với thực trạng vi phạm về quyền tác giả hiện nay, các biện pháp xử lý vi phạm đều rất khó để ngăn ngừa hành vi xâm phạm, khó tác động kịp thời đến nhận thức, ý thức pháp luật của người sử dụng âm nhạc. Trường hợp vụ việc nếu được giải quyết xong và bên vi phạm đã bồi thường thiệt hại thì quyền tác giả cũng đã bị xâm phạm, hậu quả đã xảy ra và những tổn thương tinh thần của tác giả khó có thể bù đắp.

Đáng lưu ý, có một sự thiếu nhất quán giữa tình hình thực tế và luật, luật chậm hơn diễn tiến phức tạp của đời sống ca nhạc. Hiện nay, rất nhiều tác giả bán độc quyền ca khúc của mình sáng tác cho ca sĩ hoặc một số đơn vị mua độc quyền (cả nhạc trong nước và quốc tế )… có thời hạn, tuyệt đối những ca sĩ hoặc các đơn vị tổ chức khác không được sử dụng… Họ đều thông báo cho VCPMC bằng văn bản nếu cấp phép sẽ bị kiện. Trong khi đó các cơ quan quản lý tự động cấp phép các tác phẩm của các tác giả (tài sản riêng) chắc chắn hệ lụy sẽ xảy ra, khi đó đơn vị cấp phép sẽ liên đới trách nhiệm trước tòa.

Từ đó, đặt ra yêu cầu cấp bách về công tác thực thi bảo hộ quyền tác giả, nhằm khắc phục những khó khăn, tồn đọng trong thực tiễn áp dụng pháp luật, ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền tác giả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả trong nước và nước ngoài, tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và các Điều ước mà Việt Nam tham gia, trong đó có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã ký ngày 8-3-2018, có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14-1-2019.

Vi phạm bản quyền là hiện trạng nhức nhối và hướng giải quyết đi vào ngõ cụt trong nhiều năm qua. Điều đó khiến cho bộ mặt lĩnh vực bản quyền ở nước ta méo mó, xấu đi trong mắt bạn bè quốc tế. Nếu không có giải pháp thích hợp, vấn đề bản quyền sẽ mãi chỉ giậm chân một chỗ, kéo theo nhiều hệ lụy cho đời sống xã hội.