Lời giải cho một bài toán khó

Ðúng vào dịp chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tiến hành tổng kết, trao giải và trưng bày các tác phẩm đoạt giải Cuộc thi Ký họa Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Cuộc thi trở thành "sân chơi" của các bạn trẻ yêu di sản, và góp phần làm cho những di tích, di sản trở nên hấp dẫn, gần gũi hơn với cuộc sống.

Tác phẩm đoạt giải Ba cuộc thi Ký họa Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Tác phẩm đoạt giải Ba cuộc thi Ký họa Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Sống động nhờ hoạt động "bên lề"

Ngay bên vườn bia của Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) là những bức ký họa về Văn Miếu - Quốc Tử Giám được trưng bày. Hình ảnh những hạng mục kiến trúc như: Văn Miếu môn, Khuê Văn Các, vườn bia Tiến sĩ, nhà Bái Ðường hay lầu chuông, gác trống, hồ Văn… vốn đã quen thuộc với rất nhiều người, nhưng qua nét bút ký họa còn trở nên sinh động và ấn tượng hơn. Bởi mỗi tác giả lại có một góc nhìn riêng, có những cảm xúc riêng khi vẽ về Văn Miếu. Chỉ với một góc nghiêng của lầu chuông, với hậu cảnh là những đầu đao cong vút, tác giả Ðặng Viết Lộc đã tạo ra một "lát cắt cảm xúc". Sắc đen trắng của tác phẩm gợi cho người xem những suy nghĩ về quá khứ. Cũng gam mầu đen trắng chủ đạo, bóng thiếu nữ bên ngôi nhà Thái Học trong tác phẩm của Ðỗ Ðăng Minh đem đến một vẻ đẹp uy nghi mà trầm mặc. Một số tác phẩm lại khám phá những góc nhìn mà ít người chú ý đến. Ðó có thể là tấm bia "hạ mã" (xưa dùng để nhắc người ta xuống ngựa khi đến di tích), một con rồng ở bậc thềm, hay một cây cổ thụ trong Văn Miếu… Những tác phẩm này "giới thiệu lại" với người xem nhiều góc cạnh khác nhau của Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Cuộc thi Ký họa Văn Miếu - Quốc Tử Giám, được phát động từ đầu tháng 12-2020, và nhanh chóng trở thành "sân chơi" thu hút nhiều bạn trẻ yêu di sản đến từ những trường đào tạo chuyên ngành kiến trúc và quy hoạch tại Hà Nội như: Trường đại học Xây dựng, Trường đại học Kiến trúc, Viện Ðại học Mở Hà Nội… Trong suốt gần hai tháng diễn ra cuộc thi, khách tham quan nhiều lần được chứng kiến các bạn trẻ say sưa ngồi sáng tác trong khuôn viên của Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Từ 150 tác phẩm tham dự, Ban Tổ chức đã chọn ra 40 tác phẩm được trưng bày. Tác giả Ðặng Viết Lộc, sinh viên năm cuối của Trường đại học Xây dựng, được trao giải nhất với tác phẩm Khuê Văn Các chia sẻ: "Văn Miếu là một biểu tượng văn hóa, giáo dục của người Việt Nam. Khi tham gia cuộc thi, em mong muốn gửi gắm những hình ảnh của Văn Miếu qua một cách nhìn khác, cảm nhận khác từ nét vẽ ký họa để mọi người có thể hiểu hơn về Văn Miếu, hiểu hơn lịch sử Việt Nam".

Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế, giảng viên Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam cũng rất vui khi chứng kiến nhiều tác phẩm chất lượng cao: "Các bài tham gia cuộc thi đã phản ánh những cung bậc cảm xúc với Văn Miếu - Quốc Tử Giám cổ kính của các bạn trẻ sinh viên. Các bức ký họa với đa dạng chất liệu, bút pháp, góc nhìn đã khai thác những vẻ đẹp dung dị, thân quen và luôn mê hoặc du khách bởi chiều sâu trí tuệ của Văn Miếu. Các bức ký họa trong cuộc thi này đã cho ta thấy được nhiều góc nhìn của tuổi trẻ về nơi chốn thân quen, gắn bó nhất với học sinh, sinh viên Thủ đô".

Những bài học cần nhân rộng

Khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo, một trong những cam kết của TP Hà Nội với UNESCO là thúc đẩy các di tích thành những không gian sáng tạo. Ðây là một khái niệm hết sức mới mẻ. Những di tích - vốn thường được biết đến với nhiệm vụ chính là bảo tồn, sẽ phải làm thế nào để trở thành một không gian sáng tạo? Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã từng bước tìm ra cách giải quyết.

Cuối năm 2020, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức cuộc thi "Sáng tác về thầy giáo Chu Văn An". Cuộc thi dành cho học sinh các trường học trên địa bàn Hà Nội và những trường học mang tên thầy giáo Chu Văn An tại các địa phương trong cả nước. Một cuộc thi không lớn, nhưng lại có sức hút không ngờ. 31 trường học trên địa bàn Hà Nội và nhiều trường học khác ở Quảng Bình, Nam Ðịnh, Hải Dương... đã tham gia. Các bài dự thi được thể hiện bằng nhiều hình thức như: Bài viết, thơ, kể chuyện, tiểu phẩm, phim hoạt hình, vẽ tranh, tranh thêu, tranh gốm, sáng tác ca khúc, tượng, viết thư pháp... Nhiều nhóm học sinh đã dựng hẳn một tiểu phẩm về danh nhân văn hóa Chu Văn An; có những bạn học sinh tái hiện bối cảnh trường học của thầy giáo Chu Văn An bằng các vật liệu tái chế; một số nhóm sáng tác truyện tranh... Ðặc biệt, có nhóm "vẽ" tranh thầy giáo Chu Văn An từ những hạt gạo… Cũng giống như cuộc thi Ký họa Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cuộc thi "Sáng tác về thầy giáo Chu Văn An" đã kích thích sự sáng tạo trong các bạn trẻ, khiến các bạn có hứng thú tìm hiểu về lịch sử, về di sản.

Nhiều di tích trên địa bàn Hà Nội cũng như cả nước thời gian qua đã có các hoạt động tương tác khiến di sản trở nên sống động hơn. Cùng với những phương thức giáo dục di sản khác, đó cũng là biện pháp "giáo dục mềm", để giới trẻ yêu mến, gắn bó với di sản.