Lời cảnh tỉnh hợp thời

“Ứng xử văn hóa, Xã hội văn minh” là chủ đề của Giải Biếm họa báo chí Việt Nam - Cúp Rồng tre lần V năm 2018. 400 tác phẩm biếm họa đã xoáy sâu vào những mặt trái của văn hóa ứng xử - những câu chuyện còn nguyên tính thời sự, khiến dư luận bức xúc, tập trung nhiều nhất là về văn hóa ứng xử trên mạng xã hội.

Lời cảnh tỉnh hợp thời

Khi biếm họa trở thành "thuốc"

400 bức tranh biếm họa cho thấy văn hóa ứng xử là chủ đề rộng và bởi thế, từ khóa "Ứng xử văn hóa, Xã hội văn minh" đã khơi nguồn cảm hứng để các họa sĩ biếm sáng tạo nhiều tác phẩm thú vị, chất chứa tiếng cười sâu cay. Trong số 400 tác phẩm gửi tham dự sau tám tháng phát động (từ tháng 4 đến 12-2018) thì có tới hơn 30% lựa chọn đề tài văn hóa ứng xử trên mạng xã hội. Ðiều đó đã phản ánh rất chính xác nỗi lo lắng của xã hội trong thời gian này, khi nhà nhà, người người luôn có bên mình những thiết bị thông minh để sẵn sàng bày tỏ quan điểm trước bất kỳ một hiện tượng xã hội nào. Mặt trái của mạng xã hội đã được các họa sĩ biếm thể hiện bằng những hình ảnh trực quan, sống động, đôi khi khiến người xem phải giật mình. Câu like, "ném đá" trên facebook, chuyện tin đồn trên mạng xã hội... là câu chuyện được nhiều bức tranh đề cập.

Trong bối cảnh xã hội còn nhiều vấn đề nóng về văn hóa ứng xử thì theo các chuyên gia, đây chính là lúc tranh biếm họa lên tiếng, góp một tiếng nói để xây dựng xã hội văn minh hơn. Ðề tài "Ứng xử văn hóa, Xã hội văn minh" cũng được xem là một lựa chọn rất hợp thời. Văn hóa ứng xử vẫn là một điểm nóng mà các họa sĩ biếm phản ánh và cảnh tỉnh xã hội, "chữa trị" căn bệnh xã hội đó theo cách riêng của mình.

Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng, ông Lê Xuân Thành (Tổng Biên tập báo Thể thao và Văn hóa) chia sẻ, chủ đề "Ứng xử văn hóa, Xã hội văn minh" đã khơi gợi trúng điểm nóng bức xúc trong xã hội hiện nay: "Văn hóa ứng xử trong giao thông, trong y tế, trong học đường... và đặc biệt là văn hóa ứng xử trên mạng ảo chính là những chủ đề nóng bỏng, nói như ngôn ngữ của báo mạng hiện nay là "hot trend" của cả xã hội. 400 tranh biếm họa dự thi không chỉ đề cập các vụ việc mang tính thời sự đó mà còn chỉ ra được căn nguyên của những hiện tượng ấy…".

Cười, để nhìn lại chính mình

Tác phẩm được trao giải nhất - Chực chờ của họa sĩ Lê Diệu Bang (bút danh Méo) bằng ngôn ngữ của biếm họa đã đưa ra những thông điệp sâu sắc về cách ứng xử văn hóa trong thời đại mạng xã hội bùng nổ. Tác giả xếp hình logo Facebook bằng những que diêm, bên cạnh đó, một người dùng đang "chực chờ" tung lên một thông tin nóng. Người dùng ấy như một que diêm đang cháy có thể "kích nổ" cả mạng xã hội cũng đang trong trạng thái "chực chờ". Ðó chính là một lời khuyên giá trị cho cả hai phía, cần nhận thức về sức ảnh hưởng của những thông tin sắp được đưa lên, biết kiềm chế, nhận thức đúng - sai, tốt - xấu trước những "ngòi nổ" vừa xuất hiện, khi đưa cũng như khi tiếp nhận các thông tin trên mạng xã hội.

Không đao to búa lớn, Lịch chăm mẹ ốm của họa sĩ trẻ Nguyễn Ðức Trí là một nụ cười mỉa mai thấm thía. Mẹ ốm không chăm, ngồi chơi Facebook nhưng trên mạng ảo lại đóng vai một người con hiếu thảo với dòng chữ trạng thái: "Mẹ chóng lành bệnh nhé" để nhận vô số lời khen, tán thưởng, để rồi "tự sướng" với vai diễn đó của mình.

Mặc dù ở thể loại biếm họa nhưng có một điều đặc biệt là cả bảy vị giám khảo đều thú nhận rằng mình đã không hề cười trong suốt quá trình chấm giải. Bởi với mục đích tạo nên những tiếng cười nhưng ở mỗi tác phẩm đều là một cách nhìn thâm thúy, xoáy sâu vào những câu chuyện thời sự liên quan đến văn hóa ứng xử.

Họa sĩ Thành Chương cho rằng, tạm chia biếm họa thành hai loại: đả kích và hài hước. Theo ông, bao giờ vẽ đả kích cũng rất thú vị vì được dùng ngòi bút để "đâm mấy thằng gian". Trong khi đó, vẽ hài hước lại rất khó, phải dùng hình ảnh để tạo ra tiếng cười. Bấy lâu nay có những cái cười được, nhưng đem ra cười mãi thì cũng nhạt. Các tranh biếm họa hiện nay, không đả kích hay hài hước hoàn toàn mà kết hợp cả hai, mang tính chất châm biếm vào những thói hư tật xấu, tạo tiếng cười lành mạnh. Giải biếm họa năm nay là lời cảnh tỉnh rất hợp thời, khi trong xã hội đang tồn tại nhan nhản những ứng xử phản cảm, thiếu văn minh.

"Kiến trúc sư" của Giải Biếm họa báo chí Việt Nam, họa sĩ Lý Trực Dũng nhận định, "Ứng xử văn hóa, Xã hội văn minh" nghe thì dễ nhưng thật sự lại rất khó "nhằn". Trước sự xuống cấp về văn hóa ứng xử trong giai đoạn hiện nay, để tìm được một tiếng cười lạc quan, khiến người xem phải suy nghĩ quả thực rất khó. Qua 400 tác phẩm dự thi, các tác giả đã sử dụng sức mạnh của biếm họa để phê phán những biểu hiện lệch lạc trong văn hóa ứng xử, cổ vũ những hành động văn hóa, văn minh trong các quan hệ ứng xử trong xã hội, đồng thời bày tỏ mong muốn về một môi trường xã hội văn minh trong ứng xử. Với triển lãm lần này, công chúng sẽ có dịp nhìn lại mình, điều chỉnh hành vi để từ đó tìm cách góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn lên.

Vượt lên những câu chuyện thời sự hằng ngày, biếm họa có sức sống lâu bền là nhờ những bài học thấm thía và trực quan mà trong nhiều tác phẩm, các "nhà báo vẽ" đã thể hiện khá rõ. 60 tranh tiêu biểu của chủ đề cũng đã được lựa chọn triển lãm tại Phố đi bộ Hồ Gươm nhằm lan truyền thông điệp "Ứng xử văn hóa, Xã hội văn minh" tới rộng rãi cộng đồng.