Lệch dòng tranh dân gian

Những năm gần đây, ngày càng nhiều họa sĩ, nhà thiết kế khai thác, ứng dụng tranh dân gian vào các tác phẩm nghệ thuật, thiết kế mỹ thuật. Điều này đem đến sức sống mới, góp phần đưa những nét đẹp tranh dân gian vào đời sống đương đại. Song, gần đây cũng xuất hiện những sáng tạo “quá đà”, đưa tranh dân gian vào nhiều tác phẩm dung tục khiến chúng ta phải đặt câu hỏi đâu là giới hạn của sáng tạo, sáng tạo thế nào để kế thừa, chứ không làm biến dạng, méo mó văn hóa dân tộc?

Tác phẩm lấy cảm hứng từ tranh dân gian tại không gian nghệ thuật ven sông Hồng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Tác phẩm lấy cảm hứng từ tranh dân gian tại không gian nghệ thuật ven sông Hồng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Trào lưu sáng tạo từ tranh dân gian

Cách đây vài năm, một cái tên mới xuất hiện trong “làng nghệ thuật”, nhưng lại nhanh chóng “định vị” được chính mình. Đó là họa sĩ trẻ Xuân Lam. Đầu năm 2017, Xuân Lam cho ra mắt một triển lãm được rất nhiều người chú ý. Đó là “Vẽ lại tranh dân gian”. Những bức tranh nổi tiếng của dòng tranh Hàng Trống như “Ngũ hổ”, “Bà chúa Thượng ngàn” hay dòng tranh Đông Hồ như  “Lợn đàn”, “Vinh hoa”… được vẽ lại bằng chì, sau đó, Xuân Lam tô mầu bằng công nghệ đồ họa hiện đại, với cách phối mầu tươi mới. Người xem vừa có cảm giác thân quen, vừa cảm nhận được những nét hiện đại. Ngoài tranh treo, Xuân Lam còn đưa những dòng tranh này vào việc thiết kế túi vải, sổ, lịch, bao lì xì, bình phong… Có bức được Xuân Lam bán đấu giá với số tiền lên đến vài chục triệu đồng. Sau thành công của triển lãm ấy, Xuân Lam tiếp tục sáng tác và cho ra mắt triển lãm Vẽ lại tranh dân gian 2. Tranh dân gian theo cái nhìn hiện đại của Xuân Lam đã định hình một phong cách mới. Gần đây, “tranh dân gian mới” của Xuân Lam còn xuất hiện ở những không gian sáng tạo mang tính cộng đồng như phố bích họa Phùng Hưng, con đường nghệ thuật ven sông Hồng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). 

Ngoài sáng tác nghệ thuật, nhiều nhà thiết kế cũng khai thác tranh dân gian vào những thiết kế ứng dụng. Điển hình trong số này phải kể đến dự án Họa sắc Việt của nhóm S-River. Triển lãm “Những điều xưa cũ mới mẻ” đã đem đến công chúng một sự ngạc nhiên lớn. Lần đầu tiên một nhóm những nhà thiết kế trẻ đã nghiên cứu một cách bài bản, rồi khai thác các họa tiết của tranh Hàng Trống để đưa vào những thiết kế đương đại. Ngoài những họa tiết riêng lẻ, các nhà thiết kế còn “phối” lại những họa tiết cũ, cho ra đời những họa tiết mới. Những hoa văn, họa tiết của tranh Hàng Trống là một “kho dữ liệu” khổng lồ. Các nhà thiết kế của nhóm S-River đã đưa vào ứng dụng trong bao bì các sản phẩm, thời trang, phong bao mừng tuổi... 

Khai thác nét đẹp của tranh dân gian những năm gần đây đã trở thành trào lưu, nhất là giới trẻ. Thông qua những sáng tạo này, nhiều nét đẹp của tranh dân gian đi vào đời sống, tiếp cận được nhiều đối tượng hơn. Nhiều nhà thiết kế thời trang ứng dụng tranh dân gian vào thiết kế của mình, từ áo dài, áo phông, cho đến các loại khăn, phụ kiện khác... Điều đó giúp tranh dân gian gần gũi hơn với cuộc sống. Ngược lại, chính những sáng tạo này lại kích thích cộng đồng tìm về với những bức tranh dân gian “nguyên bản”.

Nguy cơ lệch dòng

PGS Phan Ngọc Khuê là nhà nghiên cứu hàng đầu về tranh dân gian Hàng Trống. Ông chia sẻ: “Cũng như bất cứ loại hình nghệ thuật nào, tranh dân gian cũng phải có sự nối tiếp nhau qua thời gian mới có thể tồn tại và trở thành truyền thống. Tranh Hàng Trống hay các loại tranh khác đều tồn tại hàng thế kỷ, không phải một người làm nên mà rất nhiều người đóng góp mới tạo nên dòng tranh. Tôi cho rằng, những sáng tạo về tranh dân gian là cần thiết và cần động viên mọi người tham gia để tạo nên sự nối tiếp trong xã hội hiện đại. Bây giờ có những phương tiện hiện đại nhằm khai thác những yếu tố kỹ thuật, nghệ thuật của tranh dân gian để ứng dụng”.

Tuy nhiên, bên cạnh những sáng tạo tích cực, đã có một số hoạ sĩ khai thác các yếu tố của tranh dân gian đưa vào sáng tác gây những băn khoăn trong dư luận. Những hình tượng đậm chất tâm linh như tranh “Ông ba mươi”, các vị tướng uy nghi trong tranh Hàng Trống; những hình ảnh thân thuộc, hồn hậu của tranh Đông Hồ, Kim Hoàng như Thần kê, Đám cưới chuột, Bé trai ôm gà, Bé gái ôm vịt... hay nhiều họa tiết của các dòng tranh lớn... được đưa vào “tô vẽ” lên cơ thể những cô gái khỏa thân, hay trên cơ thể những cặp trai - gái trong tư thế giao hoan. Tranh khỏa thân vốn là chuyện bình thường trong nghệ thuật. Song những họa tiết tranh cổ truyền được sáng tạo, tích lũy qua hàng trăm năm lại được đưa vào cơ thể phụ nữ trong những tư thế “nhạy cảm” khiến nhiều người cho rằng đang làm “hạ thấp” tranh dân gian.

Một số nhà nghiên cứu lưu ý, việc ứng dụng tranh dân gian vào mỹ thuật, nghệ thuật đương đại đang ở giai đoạn mới bắt đầu, chưa định hình rõ xu hướng. Do đó, cần có cách nhìn đúng đắn về những ứng dụng này. Một xu hướng mới rất dễ bị lệch lạc, nhất là khi có sự tham gia của nhiều nhà thiết kế, họa sĩ trẻ. Ranh giới giữa nghệ thuật và dung tục là mong manh. Việc một số sáng tác lạm dụng tranh khỏa thân, trai gái giao hoan được đề cao quá mức dễ khiến các nhà thiết kế, họa sĩ trẻ  chọn “nhầm đường” tạo thành trào lưu, khiến sự sáng tạo trong ứng dụng chất liệu tranh dân gian bị “lệch dòng” xa hơn nữa. Về phía chuyên gia nghiên cứu tranh dân gian, PGS Phan Ngọc Khuê ủng hộ những sáng tạo, nhưng đó phải là những sáng tạo tôn vinh văn hóa dân tộc.