“Làn gió mới” của điện ảnh Việt

Sau thế hệ 7X với những tên tuổi đã có những thành tựu và đóng góp đáng kể cho điện ảnh Việt Nam như Victor Vũ, Phan Gia Nhật Linh, Cường Ngô, Leon Lê, Hàm Trần… quãng vài năm trở lại đây, xuất hiện thêm những gương mặt đạo diễn trẻ 8X và 9X, cũng nối gót đàn anh trở về sau thời gian du học hoặc ở nước ngoài. Họ đang được kỳ vọng tạo nên làn gió mới cho điện ảnh nước nhà.

Thưa mẹ con đi thể hiện một tư duy làm phim mới mẻ và văn minh.
Thưa mẹ con đi thể hiện một tư duy làm phim mới mẻ và văn minh.

Thế hệ tiếp nối

Ðược biết đến qua các bộ phim ngắn như Chung cư của tôi, Ngọn gió về đâu và Nước mắm, nhưng phải đến bộ phim điện ảnh đầu tay Thưa mẹ con đi ra rạp vào tháng 8 năm ngoái, Trịnh Ðình Lê Minh (sinh năm 1986, tốt nghiệp chuyên ngành Sản xuất phim tại Trường đại học Austin, Texas, Mỹ) mới thật sự gây ấn tượng với khán giả trong nước. Ngoài những thước phim được đầu tư chỉn chu, đậm tính thẩm mỹ, Thưa mẹ con đi còn thể hiện một tư duy làm phim mới mẻ và văn minh khi khai thác đề tài về người đồng tính.

Cũng là phim đầu tay nhưng Nguyễn Hữu Hoàng (sinh năm 1991, tốt nghiệp Ðạo diễn ở Malaysia) lại lựa chọn đề tài tâm lý tội phạm để xuất hiện. Ra rạp vào tháng 6-2018, Ống kính sát nhân mang đến một câu chuyện đầy kịch tính, ngôn ngữ kể chuyện mới lạ cùng những tình tiết đan cài khéo léo. Dù phim đuối về sau nhưng ít nhiều, Nguyễn Hữu Hoàng đã tạo được không khí, mầu sắc riêng cho tác phẩm.

Trở về nước sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Ðạo diễn điện ảnh ở Singapore, Võ Thanh Hòa (1989) lần lượt tham gia vào vai trò đạo diễn trong các bộ phim điện ảnh: 49 ngày, Nắng, Bệnh viện ma và có hai bộ phim có doanh thu “triệu đô” là Ông ngoại tuổi 30 và Hoán đổi. Trước đó, anh từng tham gia diễn xuất trong nhiều bộ phim như Cánh đồng bất tận, Miền đất phúc, Con gà trống... Cũng không thể không nhắc đến Vũ Ngọc Phượng (sinh năm 1985, du học ngành Biên kịch ở Học viện Ðiện ảnh London, Anh) với các bộ phim 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy (được trao giải Ðạo diễn xuất sắc ở giải Cánh Diều 2017), 100 ngày bên em. Năm 2019, Vũ Ngọc Phượng tiếp tục ghi điểm bằng bộ phim remake Anh trai yêu quái, thoát hẳn phiên bản gốc vốn đã gây ấn tượng mạnh với khán giả Hàn Quốc.

Còn rất nhiều gương mặt đã xuất hiện như Phan Minh, Văn M.Phạm, Kay Nguyễn hay đang chờ cơ hội để xuất hiện, hoặc đang thử sức ở thể loại phim ngắn như Dương Diệu Linh, Phạm Quốc Dũng… Thuộc thế hệ đàn anh, cũng trở về nước làm phim sau thời gian du học tại Mỹ, trước “làn gió mới” mà thế hệ đàn em đã và đang gây dựng, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh bày tỏ: “Càng nhiều bạn trẻ làm phim, mình càng thấy vui, vì như thế sẽ càng có nhiều tiếng nói độc đáo, thú vị xuất hiện, đem đến cho khán giả nhiều lựa chọn hơn. Lời khuyên của mình là đừng sợ thất bại, đừng ngại khó khăn, hãy làm phim, vì chỉ có làm phim mới biến bạn thành một nhà làm phim”.

Nỗ lực bứt phá

Trở về nước năm 2014 sau thời gian du học bằng học bổng Fulbright của Bộ Ngoại giao Mỹ, đến bây giờ Trịnh Ðình Lê Minh chia sẻ rằng, thế hệ trước, đặc biệt là thế hệ 7X đã gây dựng được thị trường, tạo ra lứa khán giả mới cho điện ảnh trong nước. “Tuy nhiên thị trường điện ảnh Việt Nam thời điểm đó đang thiếu những người làm phim một cách bài bản, có ngôn ngữ và dấu ấn riêng. Bản thân nhân sự của Việt Nam nếu xét ở một mặt nào đó cũng đã đáp ứng được quy trình sản xuất phim, dù vẫn còn trồi sụt, không ăn khớp giữa các bộ phận, chưa tiến tới được sự chuyên nghiệp, hoàn hảo giống như bên Mỹ. Dù vậy, đây là thuận lợi không nhỏ cho thế hệ đi sau”, đạo diễn Thưa mẹ con đi nói về lý do trở về của mình.

Một vấn đề nan giải đối với bất kỳ đạo diễn trẻ nào, chính là thuyết phục mọi người đầu tư kinh phí để làm phim đầu tay. Bởi khi làm phim đầu tay, rất khó để tạo được niềm tin nơi những người làm sản xuất, nhà đầu tư. Cũng theo Trịnh Ðình Lê Minh, một khó khăn nữa xuất phát từ chính đạo diễn trẻ, đó là vấn đề câu chuyện mà họ muốn kể, có liên kết và thuyết phục được người khác hay không. Bản thân đạo diễn trẻ, có những người cứ loay hoay mãi với những câu chuyện, những đề tài, kịch bản phim mà nó không thể đi xa được.

Trong khi đó, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh lại cho rằng, việc làm phim thật ra rất dễ, chỉ có làm phim hay mới khó. Và việc làm phim hay, dù đi du học hay không đi du học, dù ở Việt Nam hay ở nước ngoài, đều khó khăn như nhau. Có 100 thứ khó đến từ mọi khía cạnh - từ ý tưởng, cộng sự, kinh phí làm phim, từ cơ hội… “Cách duy nhất để vượt khó, chính là tự trau dồi kiến thức, cố gắng làm tốt nhất công việc của mình, tìm những cộng sự giỏi, tuyệt vời và có trách nhiệm cùng làm với mình, xây dựng các mối quan hệ tốt với cộng sự của mình và chăm chỉ làm, đừng chỉ nói”, đạo diễn của Cô gái đến từ hôm qua nói thêm.

Dư âm của mùa Oscar 2019 với chiến thắng vang dội của bộ phim Ký sinh trùng (Parasite) của đạo diễn người Hàn Quốc Bong Joon-ho, với bốn giải thưởng quan trọng: “Phim truyện xuất sắc”, “Ðạo diễn xuất sắc”, “Kịch bản gốc xuất sắc” và “Phim quốc tế xuất sắc”. Không quá lời khi cho rằng, điện ảnh Hàn đang giữ vị trí số 1 ở châu Á. Ngoài tài năng của Bong Joon-ho hay những đạo diễn khác, thì một vấn đề quan trọng không kém làm nên vị thế của điện ảnh Hàn Quốc hôm nay, chính là chiến lược “trồng người”: đưa sang Mỹ đào tạo cả một thế hệ từ đạo diễn, biên kịch, quay phim, dựng phim… từ hơn 30 năm trước. Dù chưa có một chính sách hay chiến lược bài bản như Hàn Quốc, nhưng điện ảnh Việt Nam hiện nay đang rộng cửa chào đón những người trẻ trở về từ nước ngoài. Với những gì mà họ đã và đang mang tới, khán giả có thể hy vọng về một sự bứt phá trong tương lai.