Khoảng trống lớn ở một siêu đô thị

Rất nhiều hoạt động văn hóa đã và sẽ được tổ chức trong nửa sau của năm 2020, hứa hẹn tạo nên những ngày hội văn hóa sôi động và đậm tính nghệ thuật. Tuy nhiên, chính sự sôi động ấy đã làm bộc lộ khoảng trống thiếu hụt những không gian văn hóa tiêu biểu và mang bản sắc riêng, ở siêu đô thị này.

Một hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại đường đi bộ Nguyễn Huệ.
Một hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại đường đi bộ Nguyễn Huệ.

1. Đường sách TP Hồ Chí Minh hơn một tháng nay đã hoạt động sôi nổi trở lại. Vào những ngày cuối tuần, các hoạt động ra mắt sách đã được tổ chức thường xuyên hơn, mang lại một không gian văn hóa thú vị và đầy bổ ích cho người dân thành phố. Chị Huỳnh Thị Thanh Thúy, Trưởng Văn phòng sự kiện Đường sách TP Hồ Chí Minh cho biết, đến nay, Đường sách đã hoạt động gần như bình thường so với trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Lượng du khách, độc giả đến Đường sách đạt khoảng 70% so với thời gian chưa có dịch. Dù chỉ là một không gian tương đối nhỏ hẹp, nhưng Đường sách thành phố đã trở thành một nơi lý tưởng để người dân có thể cảm nhận về một hình ảnh khác của thành phố - thành phố của sự tĩnh lặng và thành phố của sách. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những không gian văn hóa hiếm hoi mà thành phố đã tạo nên và duy trì trong vài năm gần đây. 

Trong cuốn sách Sài Gòn trăm bước (NXB Thông Tấn), KTS Nguyễn Ngọc Dũng đã chia sẻ rằng: Ông luôn mơ về những biệt thự quận 3 được xây dựng trong khu vực đường sá vừa phải, ngăn nắp, ẩn trong cây xanh và những hàng rào nhẹ nhàng thanh thoát của thời đã qua. Những ngôi biệt thự cổ ở quận 3, hay những công trình kiến trúc kiểu Pháp ở quận 1 tạo nên một quần thể tuyệt vời ôm chứa cả giá trị văn hóa, lịch sử, đã trở thành một thành tố của ký ức, trong hồn đô thị được vun đắp qua nhiều biến thiên của lịch sử. Việc bảo tồn, phát huy hiệu quả không gian quần thể kiến trúc đô thị đó là điều vô cùng cần thiết và cấp bách dù không dễ dàng gì trước cơn lốc đô thị hóa ngày nay. Câu chuyện về tòa nhà Hỏa xa Đông Dương (số 136 Hàm Nghi, quận 1) gây dư luận gần đây như một thử thách với các cơ quan chức năng, để có thể giữ lại kiến trúc tòa nhà đã hơn 100 năm này. Theo nhiều nhà nghiên cứu, tòa nhà Hỏa xa là điển hình cho công trình kiến trúc Pháp, đồng thời là điểm nhấn kiến trúc của khu vực trung tâm thành phố. Hiện tại, UBND thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực tìm phương án bảo tồn tòa nhà và sử dụng làm nơi lưu giữ, trưng bày các kỷ vật của ngành đường sắt nói chung, đường sắt đô thị thành phố nói riêng. 

2. Không chỉ là không gian kiến trúc đô thị, TP Hồ Chí Minh cần phải  tạo nên nhiều không gian trưng bày, trình diễn nghệ thuật, qua đó góp phần đưa văn hóa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng. Họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố thiếu nghiêm trọng không gian trưng bày, triển lãm cho các tác phẩm mỹ thuật. Những tác phẩm mới của các họa sĩ sau khi triển lãm vội vàng ở khuôn viên Hội Mỹ thuật, hay ở Bảo tàng Mỹ thuật thì liền cất vào kho mà không có nơi để trưng bày, giới thiệu rộng rãi đến công chúng. Bên cạnh đó, bài toán thiếu nhà hát biểu diễn đạt chuẩn vẫn còn chưa có lời giải, dẫn đến tình trạng các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa vẫn đang tiếp tục loay hoay với việc thuê điểm diễn.

Năm 2020 được chính quyền TP Hồ Chí Minh xác định chủ đề là năm “đẩy mạnh các hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”. Trong năm chủ đề văn hóa này, thành phố đã bắt đầu có kế hoạch mang không gian nghệ thuật đến với người dân trên địa bàn. Theo  Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, ngay trong tháng 7, vào thứ bảy hằng tuần, các chương trình nghệ thuật đường phố sẽ diễn ra tại đường đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1. Hoạt động này sẽ được biểu diễn định kỳ nhằm kiến tạo một không gian văn hóa nghệ thuật biểu diễn ngay giữa lòng thành phố, trở thành điểm đến giải trí hấp dẫn cho công chúng. Trong không gian của đường đi bộ Nguyễn Huệ, khán giả sẽ được thưởng thức miễn phí nhiều loại hình nghệ thuật như xiếc, rối, âm nhạc đương đại, âm nhạc dân tộc, đờn ca tài tử, hiphop, võ nhạc… Các nghệ sĩ và khán giả sẽ có sự tương tác nhiều hơn, tạo sự gần gũi. Nếu thực hiện hiệu quả, thành phố sẽ có được một không gian văn hóa lý tưởng, mang đến cho người dân những cảm xúc mới mẻ, những cái đẹp của  từng loại hình nghệ thuật để làm giàu thêm tâm hồn. Ngoài ra, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ phối hợp với Sở Du lịch thành phố xây dựng kế hoạch đưa các sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch thông qua nghệ thuật truyền thống để giới thiệu đến du khách bản sắc văn hóa của thành phố.

Trong chương trình Đối thoại Văn hóa lần đầu tổ chức vào cuối tháng 6 vừa qua, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, văn hóa là nền tảng tinh thần cho phát triển xã hội. Đồng chí cho rằng, thành phố cần dành một tỷ lệ ngân sách cố định cho văn hóa như nhiều lĩnh vực khác, cần có chính sách để kích “cầu” văn hóa và hỗ trợ “cung” văn hóa, qua đó giúp gìn giữ được giá trị tốt đẹp mà văn hóa mang lại, đồng thời cũng là mang đến cho thành phố thêm nhiều không gian nghệ thuật, để TP Hồ Chí Minh trở thành một siêu đô thị thật sự đáng sống.