Hồn nhiên như... không gian công cộng

Việc 17 bức tượng xi-măng ở Công viên Thống nhất Hà Nội vừa được khoác lên tấm áo mới sặc sỡ đang khiến cho dư luận chia làm hai luồng ý kiến trái chiều nhau.

Không phải là tượng trang trí đơn thuần, những bức tượng này còn mang trong mình giá trị của ký ức.
Không phải là tượng trang trí đơn thuần, những bức tượng này còn mang trong mình giá trị của ký ức.

Trong khi một bộ phận người dân cho rằng, mầu sơn mới làm cho các bức tượng trở nên nổi bật và thú vị hơn, đỡ loang lổ vì rêu mốc. Đây cũng là nguyên do để các cán bộ, nhân viên Công ty Công viên Thống Nhất tiến hành sơn lại các bức tượng này. Họ, với tình cảm chân thành, thậm chí còn tô son cho các bức tượng, và “mặc” cho tượng những tấm áo mà họ cho là đẹp. Nói vậy để thấy, việc sơn tượng được tiến hành với một tình cảm và mục đích chân thành, mong muốn làm đẹp một không gian công cộng quý giá của Thủ đô Hà Nội, theo cảm quan thẩm mỹ của… đơn vị quản lý công viên.

Vậy nhưng, giới chuyên môn thì nhất loạt cho đây là vụ việc rất dở, và đáng tiếc. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng: Đây không phải là những bức tượng trang trí đơn thuần, mà với tuổi đời hơn 60 năm, những bức tượng đã mang trong mình giá trị của ký ức, không thể tùy tiện bôi xanh, bôi đỏ, thậm chí là… tô son cho tượng được. Mặt khác, trên góc độ chuyên môn, các bức tượng bê-tông xi-măng như thế chỉ phù hợp với mầu sắc đơn thôi, nên nếu có sơn lại thì cũng chỉ có thể dùng mầu sơn trắng.

Sau phản ứng của dư luận, đơn vị quản lý công viên đã nhanh chóng tiếp thu, và cho sơn lại toàn bộ các bức tượng này. Tuy nhiên, câu chuyện cũng cho thấy, và khơi lại một vấn đề không mới: đó là việc trang trí không gian công cộng, ngay cả với những không gian có ý nghĩa rất đặc biệt như khu vực hồ Hoàn Kiếm, hiện vẫn được tổ chức thực hiện theo cách rất… không giống ai, khi thẩm quyền quyết định lại phụ thuộc bởi thẩm mỹ của một số người, nhiều khi, hoàn toàn không được đào tạo về mỹ quan đô thị. Thế nên, đã không ít lần, đại diện giới mỹ thuật lên tiếng phàn nàn, rằng, ngay ở khu vực hồ Hoàn Kiếm, nơi mỗi ngày có hàng vạn lượt người dân, du khách qua lại, hiện vẫn chưa có được một quy hoạch trưng bày và những tác phẩm điêu khắc xứng tầm. Thậm chí, đôi khi, còn xuất hiện cả những tác phẩm mỹ thuật mang tư duy thẩm mỹ khá lạc hậu không phù hợp.

Không đơn thuần là khoảng không gian dành cho mọi người dân có quyền tiếp cận, không gian công cộng, nhất là ở các đô thị, đang đóng vai trò ngày càng lớn trong việc tác động đến đời sống tinh thần, tạo môi trường giao tiếp xã hội, điểm nhấn về cảnh quan và góp phần bồi đắp tư duy thẩm mỹ cho người dân. Vì vậy, đã đến lúc, mỗi đô thị cần có một hội đồng chuyên môn có thẩm quyền để quyết định, và chịu trách nhiệm về chất lượng mỹ quan đô thị, tránh những sai lầm… hồn nhiên như vụ việc sơn tượng vừa rồi.