Hội chọi trâu sẽ trở thành… ký ức?

Trong khi Hải Phòng đến hẹn vẫn loay hoay với đề án đổi mới phương thức tổ chức, thì lại có ý tưởng đề xuất nên bỏ hẳn các lễ hội chọi trâu, thậm chí lâu đời như chọi trâu Đồ Sơn cũng chỉ nên giữ lại như một… ký ức di sản.

Lưu giữ dưới hình thức Di sản ký ức có phải là phương án tốt cho lễ hội này?
Lưu giữ dưới hình thức Di sản ký ức có phải là phương án tốt cho lễ hội này?

Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định, trong nhiều giải pháp quản lý đối với những lễ hội tạo nhiều tranh cãi trong dư luận như chọi trâu Đồ Sơn, ý tưởng này không hẳn là vô lý.

Người dân được hưởng lợi gì từ lễ hội?

Câu chuyện quản lý đối với các lễ hội chọi trâu, bao gồm cả các lễ hội truyền thống như Đồ Sơn (Hải Phòng), Hải Lựu (Vĩnh Phúc) và Phù Ninh (Phú Thọ) lại tiếp tục làm nóng dư luận với những cách nhìn nhận đa chiều.

Phó Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Phạm Xuân Phúc thẳng thắn đặt câu hỏi: “Người dân được lợi gì qua các hội chọi trâu?”. Trước đây, khi nổ ra cuộc tranh luận nên giữ hay bỏ các lễ hội chọi trâu, ông Phúc đã từng đặt vấn đề:“Vì sao các doanh nghiệp cứ hăng hái tổ chức chọi trâu đến thế? Nếu không vì lợi nhuận thì vì cái gì?”.

Quyền Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Vũ Phan khẳng định, chọi trâu đương nhiên là có bạo lực. Tuyên Quang là một trong những địa phương một, hai năm trước vẫn “cự nự” với Bộ đòi tổ chức chọi trâu, nhưng năm nay đã dừng theo chỉ đạo. Tuy nhiên, ông Phan cũng “mở ngoặc”, tỉnh đã dừng nhưng người dân cứ thấy nơi khác vẫn chọi trâu là lại “sôi” lên. Vì vậy, quản lý văn hóa cần dựa trên bản chất của từng lễ hội để quyết định có nên dừng dứt khoát hay không. Tương tự, lãnh đạo Sở VHTTDL Yên Bái chia sẻ, năm nay tỉnh cũng không tổ chức chọi trâu vì Bộ chỉ đạo, nhưng người dân thì vẫn nghe ngóng xem Phú Thọ có còn tổ chức chọi trâu không? Vì vậy, lãnh đạo Sở VHTTDL Yên Bái cũng đề nghị Bộ cần có hướng dẫn.

Các lễ hội chọi trâu trên thực tế đã diễn ra ở rất nhiều địa phương từ vài ba năm trước và nếu như không có sự quyết liệt chấn chỉnh của cơ quan chức năng thì đến giờ này có lẽ tỉnh, thành phố nào cũng có chọi trâu. Cùng với Đồ Sơn, hai hội chọi trâu khác được có tên trong danh sách lễ hội truyền thống gồm Hải Lựu (Vĩnh Phúc) và Phù Ninh (Phú Thọ) cũng được lãnh đạo Bộ VHTTDL chỉ đích danh phải chú trọng chấn chỉnh, bảo đảm các yếu tố an toàn, loại bỏ bạo lực và thương mại hóa trong lễ hội. Đầu mùa lễ hội 2018, hai lễ hội này đã tuân thủ việc không tổ chức bán vé và vận động các chủ trâu không giết trâu chọi bán thịt. Tuy nhiên, kết quả đạt được mới ở… bước đầu.

“Lễ hội thu hút hàng vạn du khách đến từ nhiều tỉnh, thành phố và vì vậy, rất nhiều bài toán khó đặt ra đối với công tác quản lý. Riêng hội chọi trâu Phù Ninh năm 2018 đã thu hút đến 40 nghìn du khách. Ban tổ chức lễ hội đã rất cố gắng rồi nhưng vẫn… không xuể”, Chủ tịch UBND huyện Tam Nông (Phú Thọ) trần tình.

Chọi trâu sẽ chỉ là … “ký ức”?

Theo Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương, Bộ VHTTDL đã yêu cầu trong tháng 3-2018, UBND quận Đồ Sơn và Sở VHTT Hải Phòng phải trình phương án tổ chức lễ hội năm 2018. Nhưng quá hạn đã gần cả tháng, Hải Phòng vẫn trình bày: “đang chỉnh sửa”.

Dư luận và các nhà quản lý thì vẫn chưa thể nguôi ngoai về vụ việc đau lòng hồi năm ngoái ở vòng đấu loại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, trâu húc chết chủ. Bức xúc thậm chí đã lên đến đỉnh điểm khi có nhiều đề nghị dừng tổ chức lễ hội đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia này. Sau vòng chung kết 2017, Bộ VHTTDL yêu cầu lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2018 phải thay đổi đề án tổ chức, bảo đảm an toàn, văn minh cho các đối tượng tham gia mới được thực hiện. Định hướng của cơ quan chức năng đối với đề án đổi mới phương thức tổ chức lễ hội này là không tổ chức vòng đấu loại, thu hẹp quy mô vòng chung kết, giảm số lượng trâu chọi… Bên cạnh đó, yêu cầu phải tăng cường tuyên truyền, giới thiệu các nghi lễ truyền thống trong lễ hội. Lâu nay du khách đến với lễ hội chọi trâu chủ yếu xem thi đấu, còn các nghi lễ truyền thống, gắn với đời sống văn hóa tâm linh của người dân vùng biển từ nhiều thế kỷ trước hầu như đều bị bỏ qua.

Gần một tháng sau khi quá hạn theo như cam kết với lãnh đạo Bộ VHTTDL, đại diện Sở VHTT Hải Phòng cho biết, để xây dựng đề án đổi mới, Sở VHTT Hải Phòng và UBND quận Đồ Sơn đã tổ chức nhiều cuộc họp xin ý kiến các sở, ngành và ý kiến tư vấn của Viện Văn hóa - Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam. Hiện đề án đang được thẩm định, chỉnh sửa trước khi trình UBND thành phố Hải Phòng và Bộ VHTTDL.

Trong khi chờ đợi phương án của Hải Phòng, nhiều chuyên gia văn hóa và nhà quản lý lại có phần đồng thuận với đề xuất của ông Nguyễn Vũ Phan, quyền Giám đốc Sở VHTTDL Tuyên Quang: “Nên chăng tính đến phương án giữ lại lễ hội truyền thống này theo hình thức ký ức di sản?”. Bởi, dưới hình thức ký ức di sản, các yếu tố nghi lễ truyền thống của lễ hội từ xa xưa sẽ được quan tâm khôi phục nhiều hơn, và hạn chế phần nào những yếu tố có thể trục lợi, thương mại hóa như lâu nay.

Không chỉ là câu chuyện của một lễ hội, nếu chọn được giải pháp phù hợp, ứng xử với lễ hội chọi trâu cũng có thể trở thành một hướng mở trong câu chuyện quản lý di sản văn hóa phi vật thể trước những biến tướng vì mục tiêu trục lợi. Một câu chuyện thời sự, của không chỉ một vài địa phương.