Hiểu để sáng tạo

Khai thác yếu tố tâm linh cho các sáng tạo nghệ thuật không phải là hướng đi mới lạ. Tuy nhiên, khai thác thế nào để trở thành chỉ dấu sáng tạo, vừa tôn được tính chất linh thiêng mà vẫn bảo đảm được tính chất nghệ thuật của tác phẩm thì vẫn luôn là điều cần được nhìn nhận thấu đáo.

Cách đặt tên cũng như những sáng tạo chưa thật sự đặc sắc khiến tác phẩm của Hoàng Thùy Linh gây phản ứng trái chiều.
Cách đặt tên cũng như những sáng tạo chưa thật sự đặc sắc khiến tác phẩm của Hoàng Thùy Linh gây phản ứng trái chiều.

Mượn cảm hứng tôn giáo nhưng làm chưa tới

Sau khi phát hành một thời gian rất ngắn, dù leo lên những thứ bậc cao tại các bảng xếp hạng âm nhạc nhưng sản phẩm giải trí mới của ca sĩ Hoàng Thùy Linh đã gây ra không ít băn khoăn cũng như tranh cãi trái chiều. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, đồng tình và khuyến khích sự “cả gan” của Hoàng Thùy Linh khi đưa chất liệu văn hóa bản địa vào âm nhạc; có không ít người cảm thấy đáng tiếc vì tác phẩm có ý tưởng nhưng chưa được khai thác đến nơi đến chốn. Trong đó, nhiều ý kiến đến từ cộng đồng thực hành nghi lễ đạo Mẫu cho rằng, ca khúc này đã gián tiếp “phá” tôn giáo mà họ đang thờ phượng.

Theo đó, nếu đứng ở góc độ của văn hóa đạo Mẫu, của tín ngưỡng Tứ Phủ thì MV chưa chuẩn ngay từ cái tên vì nếu đúng là Tứ Phủ trong quan niệm của dân tộc thì rất rộng lớn chứ không gói trọn trong một nhân vật, một câu chuyện cụ thể. Hình ảnh cũng không chính xác với tín ngưỡng dân gian này. Ca từ thì hình như nói về một cô gái thất tình và trong đó có câu than trách thân phận mình vô duyên được lặp lại. Dù có thể tìm thấy trong các giá hầu đồng hình ảnh người phụ nữ bình dân bị giết hại và sau đó hiển linh nhưng đó là những hình mẫu của những người có tấm lòng bao la, có công với ít nhất một cộng đồng người về một lĩnh vực nào đó chứ không có hình mẫu nào thất tình và than trách bản thân. Ngoài ra, cách đưa nhạc EDM, vũ đạo vào MV cũng khiến cộng đồng những người thực hành tín ngưỡng này khó chấp nhận được.

Chia sẻ với báo chí tại họp báo ra mắt sản phẩm, Hoàng Thùy Linh nói: “Tôi là người tin vào tâm linh và tôi muốn tạo ra những sản phẩm trẻ trung nhưng vẫn đậm tính văn hóa. Chính vì thế tôi quyết định đưa một nét văn hóa, tín ngưỡng vốn chỉ được thờ trong đền đài để mang vào MV một cách nghệ thuật nhất”. Ca sĩ nói thêm, cô chỉ đem những hình ảnh tinh túy nhất, đẹp nhất cùng một phần cảm hứng từ hình tượng Cô Bơ để thêu dệt nên bức tranh biến ảo của “Tứ phủ” thông qua âm nhạc và hình ảnh. Mọi suy đoán và sự tưởng tượng sẽ thuộc về ý kiến của khán giả.

Tuy nhiên, một người thực hành tín ngưỡng này cho biết, nếu đã lấy tên “Tứ phủ” thì nên làm cho tới, nếu không làm được thì đặt tên khác, sẽ không bị ai bắt bẻ cả. Không nên cắt ghép bừa bộn rồi gọi đó là “lấy cảm hứng”. Đó là ngụy biện. Cách làm chưa đến nơi đến chốn như vậy phần nào đó đã làm sai lệch cách hiểu của khán giả, nhất là các bạn trẻ về loại hình văn hóa này.

Muốn khai thác, phải hiểu

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long, nếu chỉ nhìn nhận MV này là một tác phẩm âm nhạc đại chúng, thì đây là một tác phẩm có chứa những yếu tố thu hút sự chú ý của khán giả. Vẫn đứng ở góc độ này và nhìn nhận, MV được khai thác yếu tố văn hóa truyền thống dân tộc làm hạt nhân để phát triển thành một tác phẩm hoàn chỉnh (cả âm nhạc và hình ảnh) thì là điều hết sức bình thường. Ở đây, “Tứ phủ” chỉ nên hiểu là tên của bài hát, của MV. Đây là một ca khúc mới, có thể coi là dân gian đương đại vì ở trong đó có khai thác yếu tố truyền thống trong văn hóa tâm linh của dân tộc.

Khai thác tín ngưỡng tâm linh vào tác phẩm nghệ thuật – giải trí không phải là điều gì đó xa lạ. Trên thế giới, đã có những tác phẩm bị tẩy chay vì đụng chạm đến tôn giáo nhưng cũng không ít tác phẩm mang lại các giải thưởng danh giá cho nghệ sĩ. Trước đó, Sơn Tùng M-TP cũng từng khiến cộng đồng mạng dậy sóng khi để các vũ công ăn mặc gợi cảm nhảy múa trước bức tranh “Đức mẹ sầu bi” (Pietà) của họa sĩ William Adolphe Bouguereau (1825-1905), chi tiết Sơn Tùng châm lửa đốt bức tranh ở cuối MV là phản cảm, đụng chạm đến tôn giáo.

Nói riêng về lĩnh vực âm nhạc, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long, khai thác yếu tố tâm linh là một trong những đặc trưng của âm nhạc dân tộc Việt Nam. Thậm chí, theo NSƯT Hải Phượng cho biết thêm, không riêng Việt Nam mà trên thế giới, ban đầu, mục đích ra đời của âm nhạc không phải để giải trí mà để phục vụ các nghi lễ mang ý nghĩa tâm linh. Sau này, cùng với quá trình phát triển của xã hội cũng như nhu cầu thưởng thức của công chúng, mục đích này mới thay đổi như hiện nay.

Nỗ lực đưa văn hóa bản địa vào sáng tạo cần được xem là một điểm đáng khen của Hoàng Thùy Linh trong thời buổi nhạc trẻ nước ta nhang nhác Hàn Quốc, Mỹ. Song nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long cũng lưu ý: “Thiết nghĩ, cách đặt tên một ca khúc, dù là mang tính chất giải trí, nhưng hễ có liên quan đến yếu tố tín ngưỡng, tâm linh thì cần hết sức cân nhắc và cẩn thận về mặt câu chữ. Vì chạm đến nó là chạm tới một cộng đồng không nhỏ người đang gửi trọn niềm tin cho tín ngưỡng đó”.

Lịch sử nghệ thuật truyền thống nước nhà đã cho thấy, có những câu chuyện tưởng chừng không được chấp nhận ngay trong đời sống xã hội của chúng ta khi xưa, lại còn đề cập thẳng vào vấn đề của Phật giáo, mang tính phản biện mạnh mẽ nhưng vẫn trường tồn như một tác phẩm nghệ thuật kinh điển của dân tộc, như câu chuyện Quan Âm Thị Kính là một thí dụ. Rõ ràng, muốn khai thác được những yếu tố mang tính tâm linh, nghệ sĩ phải hiểu về nó, ngấm về nó và biết nên khai thác ở điểm nào.