Quy định phong tặng danh hiệu nghệ sĩ

Gỡ vướng để nâng chất

Sau 5 năm triển khai Nghị định 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT), đã có thêm 782 nghệ sĩ được Nhà nước trao tặng các danh hiệu cao quý, góp phần động viên, khích lệ đội ngũ văn nghệ sĩ say mê, cống hiến. Tuy nhiên, công tác xét tặng danh hiệu trong thời gian qua cũng bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc đòi hỏi cần được nghiên cứu bổ sung, sửa đổi.

Cần điều chỉnh quy định để tôn vinh những nghệ sĩ thật sự có nhiều cống hiến cho nghệ thuật.
Cần điều chỉnh quy định để tôn vinh những nghệ sĩ thật sự có nhiều cống hiến cho nghệ thuật.

Còn những băn khoăn về điều kiện, tiêu chuẩn

Trong những bất cập nảy sinh trong quá trình xét tặng các danh hiệu theo Nghị định 89, nhiều nghệ sĩ quan tâm đến tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu. Trong đợt xét tặng danh hiệu lần thứ tám và lần thứ chín, có một số trường hợp đề nghị xét tặng danh hiệu chưa đạt đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị định 89, đơn cử như các trường hợp NSND Trần Hạnh hay các NSND của sân khấu cải lương phía nam như Minh Vương, Giang Châu, Thanh Tuấn... tuy nhiên, họ lại là những tên tuổi có sức sống lâu bền trong lòng công chúng. “Vì vậy, để tránh “bỏ sót” việc tôn vinh các nghệ sĩ thật sự có tài năng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) thấy rằng cần đề xuất bổ sung thêm một nội dung trong Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 89/NĐ-CP, đó là: Một số trường hợp đặc biệt, do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định...”, ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Thi đua, Khen thưởng cho biết.

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nêu ý kiến, có một thực tế là những nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT những đợt đầu tiên ai cũng biết và trân trọng. Nhưng thời gian gần đây, dường như giá trị của danh hiệu bị giảm xuống.

NSND Thanh Hoa cho rằng: “Cần xác định rõ NSND là nghệ sĩ cống hiến nhân dân hay cống hiến cho ngành. Nếu chúng ta chỉ trong ngành ủng hộ tài năng trẻ, không cần cống hiến, chỉ cần đi hội diễn có HCV là thành Nhân dân, thành Ưu tú. Nhưng trên cương vị một nghệ sĩ biểu diễn, tôi thấy rằng cống hiến để lan tỏa danh hiệu NSƯT, NSND trong xã hội, được khán giả, nhân dân yêu quý đáng giá hơn nhiều...”.

Nhấn mạnh việc phải đánh giá đúng cả bốn tiêu chí trong việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT trong quá trình xét hồ sơ, NSND Nguyễn Quang Vinh, Quyền Cục trưởng Nghệ thuật biểu diễn cho rằng, có những hội đồng đặt tiêu chí cống hiến xã hội lên trên, nhưng lại có hội đồng đặt tiêu chí huy chương lên đầu. “Đây cũng là một mâu thuẫn. Chúng ta có bốn tiêu chí, nhưng lâu nay chúng ta hầu như chỉ xem có đủ huy chương không. Bên cạnh đó, còn phải chú ý tiêu chí phải thật sự là một nghệ sĩ nổi tiếng được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ, điều này đối với nghệ sĩ biểu diễn là hết sức quan trọng. Vậy, chúng ta có thể nghiên cứu lấy ý kiến từ công chúng hỗ trợ cho hội đồng thì sẽ hiệu quả hơn”, theo NSND Quang Vinh.

Xuất sắc và xuất chúng

Nhiều tiêu chí mang tính định lượng cũng được kiến nghị sửa đổi. Đơn cử như tỷ lệ phần trăm số lượng thành viên có mặt tại cuộc họp Hội đồng, nhiều ý kiến thống nhất đề nghị tỷ lệ này phải đạt ít nhất 90% để thể hiện trách nhiệm của các thành viên ngồi ghế Hội đồng. Về tỷ lệ phiếu bầu đồng ý của tổng số thành viên các cấp Hội đồng phải đạt ít nhất 80%, thay vì 90% như quy định hiện hành. Theo NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, nếu cứ giữ tỷ lệ phiếu bầu thông qua của hội đồng là 90% như cũ thì rất thiệt thòi cho nghệ sĩ. Hội đồng có 15 thành viên mà chỉ hai người không bỏ phiếu đồng ý thì nghệ sĩ đã mất cơ hội được xét danh hiệu.

Đối với quy định hiện hành cho phép quy đổi hai HCB thành một HCV khi xét danh hiệu NSƯT cũng nhận được nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm cần phải điều chỉnh, không để giá trị của “thương hiệu” NSND, NSƯT bị giảm sút. Quy định quy đổi khi xét tặng danh hiệu NSND: “Các giải Vàng trong nước hoặc quốc tế của cá nhân hoặc tập thể được quy đổi để tính thành tích cho cá nhân...” cũng được cho rằng cần phải sửa đổi. Theo NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, việc quy đổi huy chương, giải thưởng như đang làm còn máy móc. “Cứ quy đổi như vậy thì nhiều nghệ sĩ chỉ việc cộng dồn và nâng cấp huy chương, giải thưởng là được trao danh hiệu. Với quy định khi đã là NSƯT chỉ cần hai HCV là sẽ được xét tiếp lên NSND cũng có phần dễ quá, bởi như vậy nghệ sĩ chỉ cần hai vai diễn chính để tham gia hội diễn, liên hoan là xong. Nhiều vở diễn, tiết mục sau khi dự thi thì đóng gói, cất kho và chả ai biết huy chương ấy mặt mũi như thế nào”, NSND Lê Tiến Thọ thẳng thắn.

Đã là NSƯT thì phải xuất sắc, là NSND thì phải xuất chúng là quan điểm của GS, TS, NSND Ngô Văn Thành, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Đó là những nghệ sĩ mang dấu ấn của đất nước, dân tộc, đại diện tinh hoa của một nền nghệ thuật và xứng đáng được nhân dân tôn vinh. “Nên xét danh hiệu theo phạm vi hoạt động của từng cá nhân. Vai trò của cá nhân trong biểu diễn nghệ thuật nên là yếu tố tuyệt đối. Không thể lấy HCV chung cho một tập thể để chia ra mỗi người một ít. Trên thực tế, có nhiều nghệ sĩ vẫn vui vẻ chấp nhận cả đời làm vai phụ, làm nhạc công trong dàn nhạc, và họ hài lòng với việc đó...”, GS, TS, NSND Ngô Văn Thành chia sẻ.

NSND Ngô Văn Thành cũng đề xuất nên có thêm những quy định về cống hiến như một số nước trên thế giới đã từng làm, thí dụ như NSƯT thì phải diễn đủ 50 suất/ năm và NSND thì 80 suất/ năm. Các nghệ sĩ cần có thời gian để trui rèn, nâng số lượng thành chất lượng và đó cũng là sự cống hiến cần có của những người được vinh danh.