Giải bài toán bảo tồn Thương xá Tax

Thương xá Tax (TP Hồ Chí Minh) chính thức được phá bỏ từ ngày 12-10 để xây dựng một tòa nhà mới với nhiều chức năng hơn, có tên gọi là Satra - Tax Plaza. Việc bảo tồn những hạng mục kiến trúc xưa của tòa nhà gần 100 tuổi này đã và đang được các nhà văn hóa và người dân thành phố rất quan tâm.

Sảnh chính Thương xá Tax với cầu thang lên tầng hai trước ngày phá dỡ.
Sảnh chính Thương xá Tax với cầu thang lên tầng hai trước ngày phá dỡ.

Cẩn trọng trước khi lựa chọn phương án

Tháng 1-2015, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản yêu cầu Tổng công ty thương mại Sài Gòn (SATRA), một doanh nghiệp nhà nước thuộc quyền quản lý của UBND thành phố Hồ Chí Minh, bảo tồn nhiều hạng mục của tòa nhà nói trên. Cụ thể, ở bên ngoài tòa nhà, các hạng mục cần bảo tồn là: Bảng hiệu Thương xá Tax; mái che nắng dọc vỉa hè; các đường nét, nhịp điệu của kiến trúc trước khi bị phá bỏ. Bên trong tòa nhà là các hạng mục: Không gian sảnh chính (ít nhất hai tầng); cầu thang đi từ tầng trệt lên tầng một tại khu vực sảnh chính, có tay vịn và lan-can bằng đồng, các hoa văn trang trí từ thời kỳ đầu; các phần trang trí lót gạch mosaic tại sảnh chính và các biểu tượng gà trống, quả cầu đúc bằng đồng gắn ở đầu cầu thang…

Một đề tài nghiên cứu khoa học về Thương xá Tax đã được triển khai, tạo cơ sở dữ liệu cho công tác bảo tồn nói riêng và Dự án Satra - Tax Plaza nói chung. Đồng thời, SATRA đã tuyển chọn các nhà tư vấn quốc tế có nhiều kinh nghiệm và uy tín để thực hiện. Bên cạnh đó, SATRA cũng mời nhiều đơn vị tư vấn bảo tồn gạch mosaic, khảo cổ, kiến trúc, xây dựng tên tuổi trong và ngoài nước khác tham gia để tìm kiếm các giải pháp kiến trúc đáp ứng cao nhất các yêu cầu về bảo tồn, từ đó đưa ra được kế hoạch thi công tối ưu.

Những bài toán khó

Theo phương án được chọn, ở bên ngoài công trình, các hạng mục được bảo tồn là khối bệ cao sáu tầng với ba tầng bên dưới (tương đương với số tầng của tòa nhà năm 1924), được thiết kế mô phỏng các đường nét, nhịp điệu của kiến trúc ban đầu; trên nóc tầng ba ở góc đường Lê Lợi – Nguyễn Huệ có một mái vòm với hoa văn gợi lại hình ảnh của tòa nhà Grands Magasins Charner (GMC). Ba tầng phía trên của khối bệ thiết kế với phong cách mới nhưng vẫn hài hòa với các tầng thấp, đồng thời là yếu tố chuyển tiếp lên khối tháp có kiến trúc hiện đại. Đây được xem là phương án bảo tồn khả thi nhất, đáp ứng tất cả các yêu cầu về thẩm mỹ và công năng hiện tại, song vẫn hài hòa với phong cách kiến trúc cổ của các tòa nhà trong khu vực như trụ sở UBND thành phố, khách sạn Rex, Nhà hát thành phố và vẫn lưu giữ được phần nào hình ảnh ban đầu của tòa nhà GMC. Bên trong công trình, các hạng mục cầu thang chính khảm gạch mosaic với tay vịn, lan-can, biểu tượng con gà trống, quả cầu bằng đồng, không gian thông tầng sảnh chính và các thảm gạch mosaic ở hai lối vào gần như được giữ nguyên ở vị trí cũ.

Với việc bảo tồn thảm gạch mosaic khiến các nhà nghiên cứu và đơn vị chủ đầu tư mất nhiều thời gian, công sức để lựa chọn phương án tối ưu. Các đơn vị tư vấn đã đưa ra bốn phương án. Trong đó, phương án được chọn là “Bóc-tách toàn bộ gạch mosaic trên cầu thang, diềm trang trí và các lối ra vào, sau đó gắn trở lại trên các kết cấu của công trình mới”. Đây là phương án khả thi và phù hợp với yêu cầu bảo tồn, và cũng nhận được sự đồng tình của các đơn vị tư vấn hàng đầu về bảo tồn gạch mosaic đến từ I-ta-li-a và Mỹ. Công việc bóc-tách các thảm gạch mosaic được Bộ môn Khảo cổ (Khoa Lịch sử – Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh) thực hiện từ tháng 6-2016 đến giữa tháng 9-2016. Đơn vị làm công việc này có sáng kiến “thi công” khá độc đáo, không giống phương pháp mà các chuyên gia quốc tế đưa ra, là triển khai việc bóc - tách gạch từ bên dưới nền, đục “âm” nền rồi gắn các giá đỡ, sau đó mới bóc - tách các thảm gạch mosaic (đã được dán keo, bao bọc bằng vải bố…). Nhờ vậy, các thảm gạch mosaic đã được bóc - tách với độ an toàn rất cao, tỷ lệ hư hại dưới 15%. Sau khi bóc - tách, các thảm gạch mosaic cùng với các tay vịn, lan-can, biểu tượng con gà trống, quả cầu bằng đồng… được lưu trữ, bảo tồn rất khoa học và được ràng buộc bằng những hợp đồng chặt chẽ, chi tiết. Riêng số gạch bị hư hỏng trong quá trình bóc-tách, vận chuyển…, SATRA sẽ đặt các lò gốm sứ trong nước làm lại.

Không chỉ lưu giữ một biểu tượng kiến trúc đẹp của TP Hồ Chí Minh, hành trình bảo tồn Thương xá Tax cũng là một “bài toán mẫu” cho nhiều công trình kiến trúc đặc biệt khác của cả nước.

Thăng trầm Thương xá Tax

Theo các tài liệu sưu tầm, Thương xá Tax được khởi công xây dựng vào năm 1922 và khánh thành vào ngày 26-11-1924, mang tên Grands Magasins Charner (GMC), với công năng là trung tâm thương mại, thuộc sở hữu của Công ty Société Coloniale des Grands Magasins (Pháp). Ban đầu, tòa nhà chỉ có ba tầng với hai lối vào ở đường Nguyễn Huệ và góc Nguyễn Huệ - Lê Lợi ngày nay; nền nhà ngay các lối vào có trang trí hoa văn bằng gạch mosaic (nguồn gốc từ Bắc Phi); đối diện lối ra vào đường Nguyễn Huệ là cầu thang chính và nóc nhà phía trên, trên nóc có một mái vòm đồng hồ và còi (thường hú để báo hiệu tàu cập cảng Bến Nghé). Năm 1934, hàng chữ GMC được gắn thêm ở khu vực tháp vòm đồng hồ. Năm 1942, tòa nhà được cải tạo, xây dựng thêm tầng bốn mái vòm bị dỡ. Khoảng những năm 1960-1963, tòa nhà được đổi tên thành Thương xá Tax. Từ sau 30-4-1975, tòa nhà thuộc sự quản lý của chính quyền thành phố. Năm 1978, tòa nhà trở thành cửa hàng phục vụ thiếu nhi thành phố. Năm 1981, tòa nhà được đổi tên thành Cửa hàng Bách hóa tổng hợp thành phố, thuộc sự quản lý của Sở Thương nghiệp TP Hồ Chí Minh. Năm 1997, tòa nhà là Công ty bán lẻ Sài Gòn thuộc SATRA và từ năm 1998 được SATRA lấy lại tên gọi Thương xá Tax. Năm 2003, do xuống cấp nặng, Thương xá Tax được SATRA sửa chữa lớn nhằm đáp ứng các nhu cầu công cộng, chủ yếu là hoạt động thương mại. Ngày 25-9-2014, Thương xá Tax chính thức đóng cửa để chuẩn bị mặt bằng xây dựng Satra - Tax Plaza.