Hà Nội phát triển các không gian sáng tạo:

Giấc mơ trong tầm tay?

Một trong những ngành được xác định là mũi nhọn trong việc phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô chính là các không gian sáng tạo. Vậy nhưng, vẫn còn quá nhiều rào cản cả trong nhận thức và chính sách, khiến cho sự phát triển của các không gian sáng tạo chưa được như kỳ vọng.

 Hà Nội chờ đợi những không gian sáng tạo nghệ thuật mới.
Hà Nội chờ đợi những không gian sáng tạo nghệ thuật mới.

Phát triển nhưng còn lạc lõng

PGS,TS Bùi Hoài Sơn (Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam) dựa vào kết quả khảo sát của Hội đồng Anh cho biết, Hà Nội hiện có khoảng 60 không gian sáng tạo, gồm bảy không gian làm việc chung, 42 không gian văn hóa nghệ thuật và một số không gian sáng tạo khác. “Tuy nhiên, các không gian sáng tạo này chưa nhận được quan tâm đúng với vai trò, vị trí của chúng đối với sự phát triển của Thủ đô. Những chủ nhân của các không gian sáng tạo này dường như vẫn “lạc lõng” trong việc đồng hành cùng Thủ đô phát triển kinh tế - xã hội”, ông Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Theo nhà báo Trương Uyên Ly, nhìn từ bên ngoài, không gian sáng tạo như một phòng tranh, quán cà-phê, địa điểm chiếu phim, một cụm các cửa hàng, một trang web, một trung tâm dạy học... Còn bên trong là nơi những người sáng tạo gặp nhau một cách có tổ chức và chủ động nhằm tạo điều kiện cho sự sáng tạo nảy nở. Người tham dự kết nối, chia sẻ, cùng nhau tìm tòi, thử nghiệm và thực hiện các cách làm, những hình thức mới, giá trị mới. Bên cạnh các lợi ích như tạo thêm công ăn việc làm, cải thiện bộ mặt thành phố, cung cấp cho người tham dự nhiều kỹ năng, kiến thức mới…. thì giá trị tinh thần do các không gian sáng tạo mang lại cũng không thể đo đếm một cách cơ học.

Nhiều ý kiến cho rằng, với sự thu hẹp các không gian công cộng thì sự xuất hiện của các không gian sáng tạo sẽ trở thành những địa điểm thiết yếu trong đời sống văn hóa của người dân đô thị, đặc biệt là giới trẻ.

Giới trẻ Hà Nội từng một thời đổ dồn về Zone 9, một tổ hợp không gian sáng tạo với sự tới lui của nhiều nghệ sĩ, giới trẻ và những người ưa sáng tạo. Vụ cháy quán bar đặt dấu chấm hết cho Zone 9 nhưng lại mở ra thời kỳ bùng nổ các không gian sáng tạo thế hệ sau. Hiện Hà Nội không thiếu những không gian tương tự, được đầu tư hơn như Hanoi Creative City, Heritage Space, Manzi, Ơ kìa Hà Nội, The Vuon, Hanoi Grapvine...

Tuy nhiên, theo ông Lê Quốc Vinh (Chủ tịch Le Group, Chủ tịch CLB Doanh nhân sáng tạo VCE), khảo sát của Hội đồng Anh cũng cho thấy không gian sáng tạo ở Hà Nội chủ yếu vẫn xây dựng bằng đam mê và sự đầu tư hạn chế của một số cá nhân. Ðiều này dẫn tới tính bền vững không cao, dựa trên nguồn kinh phí hạn hẹp, đất đai đi thuê mượn nên tạm bợ. Bên cạnh đó, các không gian này chưa được quản trị chuyên nghiệp, nhất là các vướng mắc về mô hình kinh doanh, tài chính, xây dựng thương hiệu, nhân sự.

Ðã có nhiều hội thảo về các không gian sáng tạo được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hay Hội đồng Anh tổ chức từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, các vấn đề được bàn thảo dường như mới chỉ dừng lại trong khuôn khổ các cuộc hội thảo, giữa các nhà nghiên cứu và đại diện của các không gian sáng tạo với nhau, mà chưa thật sự đi vào thực tiễn cuộc sống.

Cần có những chính sách ưu đãi

Rõ ràng, quá trình vận hành các không gian sáng tạo ở Thủ đô vẫn đang còn tồn tại nhiều hạn chế. Phần lớn hoạt động chuyên môn của các địa điểm văn hóa này không có, hoặc có rất ít lợi nhuận. Mặt khác, các không gian sáng tạo lại hầu như hoạt động độc lập, ít có mối liên hệ với nhau, đặc biệt trong hoạt động chuyên môn.

PGS, TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, việc phát triển các không gian sáng tạo ở Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn và vì vậy, cần có nhiều giải pháp khắc phục và phát triển. Thứ nhất là nâng cao nhận thức của các cấp, ngành về vai trò của các không gian sáng tạo trong sự phát triển của Thủ đô. Các không gian sáng tạo không chỉ là nơi kinh doanh, khu vui chơi giải trí mà còn là nơi tạo ra động lực cho sự phát triển của thành phố. Hà Nội cũng phải nhìn nhận những giá trị gia tăng, gián tiếp của các không gian sáng tạo ấy như góp phần tạo bản sắc, quảng bá hình ảnh, tăng sức hấp dẫn cho Thủ đô và các tác động lan tỏa đến các ngành kinh tế - xã hội khác.

Cùng với đó là giải pháp hoàn thiện hệ thống chính sách để tạo điều kiện phát triển các không gian sáng tạo của Thủ đô. “Chúng ta không thể ứng xử với các không gian sáng tạo như các doanh nghiệp bình thường vì đặc điểm của các không gian này mang tính thử nghiệm, hướng tới cộng đồng. Nuôi dưỡng ước mơ, sáng tạo phải được thực hiện theo cách khác thông thường. Vì vậy, chính quyền thành phố cần phải có những chính sách ưu đãi về đất đai, quy hoạch đô thị, chính sách thuế… thì các không gian sáng tạo ở Thủ đô mới có thêm cơ hội phát triển”, theo ông Bùi Hoài Sơn.

Ðể truyền cảm hứng cho các không gian sáng tạo phát triển, chính quyền thành phố cần có thêm ngân sách để hỗ trợ cho việc nghiên cứu, tọa đàm, thử nghiệm các mô hình phát triển không gian sáng tạo. Việc hình thành quỹ hỗ trợ sáng tạo, đầu tư mạo hiểm cũng có thể giúp các nhà đầu tư tư nhân, các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài, các doanh nghiệp chung sức cùng chính quyền Thủ đô phát triển các không gian sáng tạo.

Ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, Hà Nội đã xây dựng chương trình khởi nghiệp với kế hoạch hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là người trẻ trong lĩnh vực công nghệ có sáng kiến, ý tưởng phù hợp.

Lãnh đạo Thành ủy Hà Nội cũng nhắc tới con số tăng trưởng du lịch ấn tượng của Thủ đô, tuy nhiên điều đáng buồn là sự đóng góp vào GDP của thành phố chưa cao. Hạn chế này cũng chính là động lực để Hà Nội bắt tay với những người đứng đầu các không gian sáng tạo làm nên các sản phẩm du lịch mang hàm lượng đặc trưng của Hà Nội, tạo cơ hội cho công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo phát triển.