Ý thức về bản quyền:

Giá đắt cho sự nghiệp dư

Chuyện vi phạm bản quyền liên quan tới nghệ sĩ nước ngoài không phải mới. Thế nhưng, việc một nhạc sĩ nước ngoài đâm đơn kiện một ca sĩ nổi tiếng của Việt Nam ra tòa là câu chuyện hy hữu. Để thấy, đã tới lúc, ý thức nghệ sĩ ở ta cần thay đổi, nếu không muốn phải trả những cái giá quá đắt.

Vì lấy một đoạn nhạc không xin phép đưa vào MV, Noo Phước Thịnh bị một nhạc sĩ người nước ngoài kiện ra tòa.
Vì lấy một đoạn nhạc không xin phép đưa vào MV, Noo Phước Thịnh bị một nhạc sĩ người nước ngoài kiện ra tòa.

Cái giá của đoạn nhạc dài 1 phút 25 giây

Mới đây, Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh đã thụ lý đơn kiện của nhạc sĩ Zack Hemsey. Trong đơn, Zack cho biết, tháng 10-2017, anh phát hiện ca sĩ Noo Phước Thịnh chia sẻ trực tuyến MV Chạm khẽ tim anh một chút thôi, trong phân cảnh từ phút 6:05 đến 7:30 có sử dụng nhạc nền lấy từ tác phẩm The Way - đang được bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan của anh mà chưa hề được anh cho phép. Sau khi phát hành một thời gian ngắn, MV này nhanh chóng đạt mức 30 triệu lượt xem trên YouTube. Zack Hemsey yêu cầu Noo Phước Thịnh xóa MV có sử dụng đoạn nhạc trên khỏi tất cả phương tiện lưu trữ. Đồng thời, bồi thường 500 triệu đồng thiệt hại vật chất, 50 triệu đồng thiệt hại tinh thần và 300 triệu đồng chi phí thuê luật sư. Nhạc sĩ người Mỹ cũng yêu cầu ca sĩ xin lỗi công khai trên các phương tiện truyền thông.

Sau khi sự việc được phát hiện, MV này nhanh chóng bị xóa bỏ khỏi kênh YouTube. Ngoài số tiền bị yêu cầu bồi thường, Noo Phước Thịnh phải hủy bỏ hàng loạt các chương trình biểu diễn; danh tiếng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đó là cái giá mà Noo Phước Thịnh phải trả khi “cầm nhầm” một đoạn nhạc dài 1 phút 25 giây của người khác.

Trước Noo, có không ít những vụ việc tranh chấp bản quyền trên YouTube liên quan tới nghệ sĩ nước ngoài, chủ yếu là chuyện ca sĩ và ê-kíp ở ta sử dụng một số đoạn nhạc nước ngoài lồng vào cảnh quan ở phần hậu kỳ MV. Gần đây, có MV Sống xa anh chẳng dễ dàng của Bảo Anh, sử dụng trái phép hai đoạn nhạc nền của nhạc sĩ Ivan Torrent là một thí dụ. Sau khi vụ việc được khui ra, nữ ca sĩ lập tức thêm chú thích nguồn, gửi thư xin lỗi, đóng 100 triệu đồng tiền bản quyền theo yêu cầu của đơn vị sở hữu để MV không bị xóa.

Ngoài ra, trong lĩnh vực tổ chức biểu diễn, việc vi phạm bản quyền các tác phẩm của nghệ sĩ nước ngoài cũng diễn ra tràn lan, vô tội vạ. Có thể nhắc tới chuyện một chương trình thời trang nghiễm nhiên dùng một đoạn nhạc của nhạc sĩ Kitaro, khi bị nhắc nhở, người đại diện hồn nhiên trả lời: nhạc phổ biến, lại có âm hưởng cổ điển, tưởng đã hết bản quyền lâu rồi nên lấy về. Sau đó, chương trình này đã nhận lỗi và xin khắc phục bằng việc chi trả phí tác quyền.

Không chỉ xài chùa tác phẩm của các nghệ sĩ nước ngoài, ý thức về bản quyền của nghệ sĩ Việt đối với các sáng tạo của đồng nghiệp trong nước cũng trong tình trạng “trời ơi đất hỡi”. Ba MV “ăn khách” của Min là Ghen, Có em chờ và Chưa bao giờ mẹ kể cũng nhanh chóng bị xóa khỏi YouTube khi đạt số lượt xem cao và quay trở lại sau khi hoàn thành thủ tục pháp lý với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.

Ngay cả những nghệ sĩ được xếp vào hàng chuyên nghiệp, có tên tuổi trong giới giải trí, ý thức về sở hữu trí tuệ của họ cũng chẳng văn minh hơn. Hẳn có người còn nhớ chuyện nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng từng lên tiếng việc Mỹ Tâm sử dụng Anh thì không - ca khúc do ông chuyển soạn sang lời Việt để làm MV và trình diễn trong một số chương trình mà không hề xin phép ông. Ngay sau khi thông tin này đưa ra, Mỹ Tâm thông qua trang fanpage của mình chỉ xin lỗi khán giả và thông báo gỡ bỏ MV khỏi YouTube. Cho tới khi dư luận có vẻ ồn ào, Mỹ Tâm mới xin lỗi nhạc sĩ qua một clíp tự thu và đăng tải trên mạng.

Ứng xử thiếu chuyên nghiệp

Những thí dụ kể ở trên chỉ là phần nổi của tảng băng tình trạng vi phạm bản quyền bừa bãi ở nước ta. YouTube có hệ thống “quét” tự động. Khi dính phải nội dung trùng lặp, sản phẩm sẽ bị gỡ bỏ ngay lập tức, sau đó mới thông báo qua email của tài khoản đăng clíp. Nếu vi phạm quá số lần cho phép, sẽ bị khóa tài khoản vĩnh viễn. Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ Việt Nam không biết rõ về quy định tác quyền trên YouTube hoặc nghĩ là chuyện đơn giản nên mới xảy ra nhiều sự vụ ầm ĩ như vậy. Nếu tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về bản quyền ngay từ đầu, những MV chục triệu lượt xem sẽ không bị gỡ. Cũng sẽ không có chuyện các hợp đồng ký kết với đối tác trôi sông đổ bể. Và chắc chắn, danh tiếng cũng không bị tổn hại nặng nề.

Việt Nam ký Công ước Bern về Bảo hộ quyền tác giả cho tác phẩm vào năm 2004, nhưng tới nay, nhận thức về bản quyền ở nước ta vẫn bộc lộ nhiều yếu kém. Trong khi đó, việc thực thi các chế tài về hành chính và dân sự chưa nghiêm, chưa có nhiều cuộc thanh, kiểm tra các vụ vi phạm, dẫn đến tình trạng nhờn luật. Hoặc có xử phạt, cũng mới chỉ dừng ở xử phạt hành chính nhẹ nhàng, không đủ sức răn đe. Mặt khác, việc áp dụng thủ tục khởi kiện mất nhiều thời gian và chi phí theo đuổi, trong khi, Việt Nam cũng chưa có tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ với đội ngũ thẩm phán chuyên nghiệp về lĩnh vực này, dẫn tới tình trạng rất ít vụ vi phạm bản quyền được khởi kiện ra tòa.

Câu chuyện hy hữu của một nhạc sĩ nước ngoài kiện một nghệ sĩ Việt Nam ra tòa sẽ là lời cảnh tỉnh cho ý thức bản quyền của nghệ sĩ ở nước ta. Trước khi hoạt động nghệ thuật nghiêm túc, bên cạnh kỹ năng, nghiệp vụ, cũng cần tự trang bị cho mình những kiến thức mềm về bản quyền, để có thể trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp đúng nghĩa. Bản quyền đâu phải là trò đùa, nếu không tôn trọng nó, nếu bị đưa ra tới tòa, thì câu chuyện sẽ không chỉ dừng lại ở những con số thiệt hại về kinh tế mà còn liên quan tới nhiều thứ khác nữa. Với những gì đã diễn ra trong suốt thời gian qua, rõ ràng, trong lĩnh vực bản quyền, nghệ sĩ ở ta mới chỉ dừng ở hai chữ “nghiệp dư” mà thôi.