Ðể mãi mãi không quên

Triển lãm tác phẩm của 13 tác giả được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước đợt năm 2016 vừa được tổ chức tại Hà Nội. Có lẽ tính từ Ðợt 1 năm 1996, đây là lần đầu Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Bảo tàng đưa tác phẩm của các tác giả được vinh danh giới thiệu tới đông đảo công chúng.

Ðưa xe tăng vào trận - Lương Nghĩa Dũng.
Ðưa xe tăng vào trận - Lương Nghĩa Dũng.

Riêng ở mảng Mỹ thuật - Nhiếp ảnh, các tác phẩm của các tác giả đoạt giải hiện đang được lưu giữ rải rác khắp từ bảo tàng quốc gia, các viện lưu trữ cho đến các sưu tập tại đơn vị địa phương hoặc tư nhân. Khi chính thức chọn lọc để trao giải, thì Hội đồng chấm giải quyết định nghiên cứu qua hồ sơ về tác giả và tư liệu ảnh chụp lại các tác phẩm, do gia đình và các cơ quan cũ soạn thảo. Sau khi được trao giải, không mấy khi đông đảo khán giả đương đại, các thế hệ trẻ (thế hệ tuổi con - cháu - của các danh nhân đã cống hiến cho sự nghiệp thống nhất đất nước) được chiêm ngưỡng sự hội tụ nhiều loạt tác phẩm của họ tại nơi công chúng dễ đến xem. Bởi vậy, cuộc triển lãm của tám tác giả mỹ thuật và năm tác giả nhiếp ảnh (trong số 13 tác giả vừa đề cập, thì có năm tác giả đã ra đi) được triển lãm lần đầu này sẽ là một dịp hiếm có để kỷ niệm bằng nghệ thuật về cả một “thời hoa đỏ” chiến tranh để có hòa bình của dân tộc ta…

Ðược trao Giải thưởng Hồ Chí Minh lần thứ 5, năm 2016 với ngành mỹ thuật - nhiếp ảnh chỉ có hai tác giả (một điêu khắc, một nhiếp ảnh) và người đầu tiên cần được nhắc tới là nhà nhiếp ảnh - liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng (1935 - 1972). Ông quê ở huyện Phú Xuyên (tỉnh Hà Ðông cũ), xuất thân học nghề Trường Kỹ thuật Ðông Dương. Khi giặc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền bắc, ông học cấp tốc để trở thành phóng viên nhiếp ảnh quân đội, biệt phái sang Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) suốt sáu năm cho đến ngày hy sinh (1966 - 1972). Ông để lại gần 2.300 tấm phim ảnh về thời chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, được lưu giữ tại Phòng Tư liệu - TTXVN. Cụm ảnh “Những khoảnh khắc để lại” nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh (và được treo toàn bộ trong triển lãm) của ông được gia đình và TTXVN chọn lọc là 5 bức ảnh chụp từng đơn vị khi đang trong thời kỳ chiến đấu ác liệt nhất từ năm 1967 đến 1972.

Ðể mãi mãi không quên ảnh 1

Trái tim mặt trời - Bửu Chỉ.

Tác giả về ngành điêu khắc được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh vẫn đang còn sống là nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo (sinh năm 1941). Ông tốt nghiệp chuyên ngành điêu khắc tại Ðại học Mỹ thuật Công nghiệp và gia nhập quân đội, chuyên làm về tượng đài từ năm 1971, cho đến khi nghỉ hưu từ Bảo tàng Quân đội (năm 2000). Hai bộ tác phẩm để nhận Giải thưởng của ông là Tượng đài Chiến thắng Quế Sơn cao 16 m (Quảng Nam, 1983) và nhóm tượng Chiến thắng Sông Lô cao 21 m (Phú Thọ, năm 1987).

Trưng bày trong triển lãm còn có tác phẩm của các tác giả mảng mỹ thuật là nhà điêu khắc Nguyễn Văn Quế (1937 - 2003) và nhà điêu khắc Phan Gia Hương. Cùng năm họa sĩ là các ông Nguyễn Bích (1925 - 2011), Bửu Chỉ (1948 - 2002), Cổ Tấn Long Châu (sinh năm 1938), Lê Lam (sinh năm 1931), Ðỗ Sơn (sinh năm 1943).

Các nghệ sĩ nhiếp ảnh có tác phẩm được triển lãm là Lâm Tấn Tài (1937 - 2001); Hứa Kiểm (sinh năm 1938); Mầu Hoàng Thiết (sinh năm 1930) và Nguyễn Hữu Cấy (sinh năm 1932). Tất cả các tác phẩm nhiếp ảnh của họ đều ghi lại cả một quá trình sống và chiến đấu trong mọi lĩnh vực, lứa tuổi vô cùng xúc động để tham gia vào sự nghiệp cao cả thống nhất đất nước của toàn dân tộc. Sau bao nhiêu năm tháng, đứng trước những tác phẩm được tạo nên bởi mồ hôi, nước mắt và máu của người nghệ sĩ, mỗi người đều dâng lên những cảm xúc mạnh mẽ, tự hào về tài năng và phẩm chất của những thế hệ đi trước.

Hy vọng, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục tổ chức được nhiều hơn nữa những cuộc triển lãm tác phẩm quan trọng về một thời chưa xa của dân tộc. Ðể các thế hệ sau sẽ mãi mãi không quên...