“Số hóa” du lịch

Đừng mạnh ai nấy làm

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong hoạt động du lịch, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu tìm kiếm thông tin, đặt hàng… qua mạng ngày càng phát triển. Nhưng để tránh lãng phí nguồn lực, chọn được hướng đi phù hợp cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên.

Du khách quét mã QR để tìm hiểu thông tin tại Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: Bảo Trinh
Du khách quét mã QR để tìm hiểu thông tin tại Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: Bảo Trinh

Giẫm chân lẫn nhau
 
 Tháng 10-2020, tại Hoàng thành Thăng Long, có một sự kiện quảng bá du lịch khá rôm rả. Đó là việc ra mắt mã QR code cho điểm du lịch Hoàng thành Thăng Long. Trên tấm biển inox đặt ngay gần khu vực Điện Kính Thiên, đơn vị thiết kế đã tạo ra hai mã QR code, một bằng tiếng Việt, một bằng tiếng Anh. Bất kỳ ai sở hữu điện thoại thông minh, chỉ cần giơ máy lên quét mã, người sử dụng lập tức được dẫn đến một đường link giới thiệu về di sản Hoàng thành Thăng Long trên Cổng thông tin điện tử quận Ba Đình (Hà Nội). Cùng với Hoàng thành Thăng Long, hàng chục địa chỉ du lịch khác của quận Ba Đình cũng được gắn mã QR code do Quận Đoàn Ba Đình triển khai Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, quảng bá du lịch quận Ba Đình”.
 
 Rất đáng cổ vũ cho việc gắn mã QR code tại Hoàng thành Thăng Long. Tuy nhiên cần phải biết rằng, từ nhiều năm nay, Trung tâm Bảo tồn Di sản Hoàng thành Thăng Long đã xây dựng một trang web hết sức chuyên nghiệp giới thiệu đầy đủ thông tin về Hoàng thành Thăng Long, dành cho cả người có ham mê tìm hiểu lẫn khách du lịch. Để đáp ứng nhu cầu của khách, Trung tâm Bảo tồn Di sản Hoàng thành Thăng Long còn xây dựng một ứng dụng (app) riêng về Hoàng thành Thăng Long, được đưa lên “kho” ứng dụng của cả nền tảng di động Android lẫn iOS. Chỉ cần vài cái chạm trên điện thoại thông minh, ứng dụng đó trở thành một “hướng dẫn viên” thông minh. “Hướng dẫn viên” ấy sẽ giúp đỡ bất kỳ vị khách nào khám phá Hoàng thành Thăng Long bằng song ngữ Anh - Việt theo nhu cầu. Như vậy, một tiện ích hỗ trợ cho du lịch Hoàng thành Thăng Long ra đời sau, tốn không ít tiền của, nhưng lại… lạc hậu hơn, cung cấp ít thông tin hơn so với những tiện ích trước đó. Khi đã có những tiện ích hiện đại kể trên, rất ít người tìm hiểu những thông tin sơ sài về Hoàng thành Thăng Long thông qua mã QR code.
 
 Trước sự phát triển của công nghệ, du lịch thông minh là một xu hướng xuất hiện đã khá lâu. Khách hàng tìm hiểu các điểm đến du lịch, thực hiện các tương tác, đặt vé đi lại, đặt tour, chỗ ăn, chỗ ngủ… hay thậm chí đi “du lịch thử” ngày càng phát triển. Đại dịch Covid-19 càng thúc đẩy nhu cầu sử dụng công nghệ trong du lịch. Theo khảo sát của Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) về nhu cầu và xu hướng của khách du lịch trong thời kỳ Covid-19, 40% số người được hỏi cho biết có mong muốn đặt tour trực tuyến, chỉ 12 - 15% vẫn đặt tour qua công ty du lịch. Điều này cho thấy, người tiêu dùng đang dần chuyển sang sử dụng các nền tảng số nhằm tiết kiệm thời gian, hạn chế tiếp xúc và giao dịch thuận tiện hơn. Ảnh hưởng của đại dịch khiến thói quen du lịch thông minh sẽ ngày càng phổ cập. Về phía cơ quan nhà nước và doanh nghiệp du lịch, đáp ứng nhu cầu này, việc “chuyển đổi số” là yêu cầu bắt buộc. Thế nhưng, không ít bất cập đã xảy ra. Câu chuyện ở Hoàng thành Thăng Long là một trong nhiều thí dụ.
 
 Cần sự bắt tay
 
 Công nghệ tác động đến tất cả các hoạt động khác nhau trong chuỗi kinh tế du lịch, từ quảng bá, quản lý, cho đến các hoạt động tương tác với khách hàng. Để làm được điều này, các đơn vị tham gia chuỗi kinh tế du lịch cần xây dựng hệ thống dữ liệu, xây dựng các phần mềm, các hoạt động quảng bá, đặt hàng, hỗ trợ… khách phù hợp với không gian số. Chuyển đổi số không chỉ là nhu cầu từ thị trường, theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, khi thực hiện chuyển đổi số, các doanh nghiệp du lịch có thể tiếp cận tới nhiều khách hàng hơn, chăm sóc khách hàng tốt hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh doanh.
 
 Lợi ích thì rõ ràng. Song, đây cũng là “cuộc chơi” tốn kém. Bởi thực hiện chuyển đổi số bao hàm cả phần cứng, phần mềm lẫn nhân lực quản lý. Do lĩnh vực chuyển đổi số rộng, nên nhiều đơn vị vẫn còn “mơ hồ”, chưa xác định được rõ hướng ưu tiên phù hợp. Du lịch là hoạt động kinh tế đa ngành, do đó, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên. Mặc dù cơ quan quản lý ngành, cơ quan quản lý điểm đến, doanh nghiệp lữ hành có những hoạt động khác nhau, nhưng đều cần nhiều nền tảng dữ liệu chung. Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam Hoàng Nhân Chính chia sẻ quan điểm: “Các doanh nghiệp vừa và nhỏ không có đủ điều kiện để thực hiện chuyển đổi số. Vì vậy, muốn chuyển đổi số thành công, cần có sự đầu tư từ phía Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước. Về phía ngành du lịch, cần có sự khảo sát để xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Đặc biệt là một nền tảng cơ sở dữ liệu chung có khả năng liên thông để các doanh nghiệp, địa phương cùng khai thác dữ liệu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ được tham gia”.
 
 Thực tế hiện nay vẫn diễn ra tình trạng “mạnh ai nấy làm”. Cùng một điểm đến, nhưng tình trạng xây dựng dữ liệu, phương pháp quảng bá chồng chéo giữa địa phương, cơ quan quản lý trực tiếp, doanh nghiệp lữ hành… vẫn còn khá phổ biến. Nguồn lực vốn đã hạn hẹp càng trở nên khó khăn do lãng phí. Để khắc phục tình trạng đó, và góp phần vực dậy ngành kinh tế đang chịu tổn thất nặng nề này, với những địa phương du lịch phát triển, có nhiều điểm du lịch, cần một “nhạc trưởng” điều phối hợp tác chuyển đổi số giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp để tạo nên một hệ thống chuyển đổi hợp lý và liên thông trong môi trường số.