Đừng chỉ là trào lưu

Khởi đầu là những diễn đàn về mỹ thuật, trang phục cổ, trong một thời gian ngắn, đã có hai doanh nghiệp ra đời, đều với mong muốn “phục cổ”. Khó khăn đã bủa vây họ ngay từ… trước khi ra đời. Trong khi, dù là doanh nghiệp có tính chất đặc thù, có đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn văn hóa, nhưng họ lại không được hưởng bất cứ sự hỗ trợ nào.

Sản phẩm của Ỷ Vân Hiên là những trang phục cổ dành cho người muốn tìm lại nét đẹp truyền thống.
Sản phẩm của Ỷ Vân Hiên là những trang phục cổ dành cho người muốn tìm lại nét đẹp truyền thống.

Lan tỏa giá trị di sản qua… kinh doanh

Không hẹn mà gặp, Công ty Ỷ Vân Hiên và Công ty Hoa Văn Đại Việt đã lần lượt ra đời. Tuy đi trên những con đường không giống nhau, nhưng mong muốn của họ đều hướng tới việc khôi phục, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Người sáng lập các doanh nghiệp ấy đều ở độ tuổi còn rất trẻ. Họ có điểm chung nữa, là đều nuôi dưỡng đam mê thông qua những diễn đàn trên mạng xã hội.

Đầu năm 2017, họa sĩ 9x Cù Minh Khôi đã cùng bạn bè cho ra mắt dự án Hoa Văn Đại Việt. Thời điểm ấy, cách làm của nhóm bạn trẻ trong dự án này đã khiến cộng đồng ngỡ ngàng. Hóa ra lâu nay, người ta cứ ca ngợi mỹ thuật Việt có nhiều mô-típ trang trí, nhiều hoa văn đẹp, độc đáo, nhưng muốn ứng dụng hoa văn đó lên một sản phẩm hiện đại thì lại… không có công cụ. Nhóm bạn trẻ đã dày công khảo sát, nghiên cứu những mẫu hoa văn phổ biến nhất của người Việt trong hàng nghìn năm, chọn ra 250 mẫu để biến thành hoa văn dạng véc-tơ - tức số hóa những hoa văn ấy, để có thể ứng dụng trong bất cứ lĩnh vực nào, từ trang phục, cho đến bao bì sản phẩm, bao lì xì, hoa văn trên gốm, sứ... Hai năm sau, một lần nữa nhóm bạn trẻ ấy lại gây bất ngờ, khi cho ra mắt Công ty Hoa Văn Đại Việt. Đây là một trong những doanh nghiệp có lĩnh vực hoạt động hết sức độc đáo. Những mẫu trang phục, hệ thống hoa văn do công ty cung cấp có thể ứng dụng trong các lĩnh vực từ truyện tranh, cho đến phim ảnh hay các sản phẩm tượng, búp bê, móc khóa, áo thun... Và những mẫu trang phục, hoa văn này đều là những mẫu điển hình của mỹ thuật Việt Nam.

Đối với Công ty Ỷ Vân Hiên, Giám đốc Nguyễn Đức Lộc là một chàng trai 9x. Sản phẩm của Ỷ Vân Hiên là những trang phục cổ dành cho người tiêu dùng. Điểm nổi bật của Ỷ Vân Hiên là việc cho ra đời những trang phục trung, cao cấp, với sự đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng từ chất liệu may cổ, hoa văn cổ, cho đến dáng của trang phục. Những chất liệu lụa, the, sa… này được đặt hàng từ các làng nghề, các nghệ nhân sao cho sản phẩm sát với nguyên gốc nhất. Ra đời được hơn một năm, Công ty Ỷ Vân Hiên đã có lượng khách hàng lớn hơn mong đợi. Rất nhiều người tìm đến để may cho mình một trang phục, nhất là những bộ áo dài năm thân cổ đứng, khuy cài để khẳng định cá tính, để sử dụng trong các cuộc đón tiếp ngoại giao, hay trong lễ hội…

Bước đầu, cả hai doanh nghiệp này đều đang có những thành công nhất định. Và hoạt động của họ, mở ra hy vọng cho việc đưa mỹ thuật truyền thống vào đời sống đương đại, rộng hơn, là lan tỏa những giá trị văn hóa Việt.

Chặng đường đơn độc

Nếu như trước đây, những thành viên của cả hai doanh nghiệp Hoa Văn Đại Việt và Ỷ Vân Hiên đều là những người kiếm sống bằng lĩnh vực khác, đến với mỹ thuật cổ truyền bằng đam mê, thì nay, câu chuyện đã khác. Kinh doanh, là câu chuyện “cơm áo, gạo tiền”. Như Nguyễn Đức Lộc, chàng trai trẻ này đã bỏ hẳn công việc của một người quay phim để đi làm trang phục cổ. Ở những lĩnh vực mà “đầu ra” cho sản phẩm hẹp như mảng di sản này, độ rủi ro của công việc rất cao. Vì vậy, không ngạc nhiên khi nhiều người nói rằng, con đường đi của họ là quá mạo hiểm.

Ngay từ trước khi thành lập công ty, các thành viên của cả Ỷ Vân Hiên lẫn Hoa Văn Đại Việt đều là những người tâm huyết với mỹ thuật truyền thống. Họ tự mày mò nghiên cứu mỹ thuật, tham khảo ý kiến các chuyên gia mỹ thuật, trang phục hàng đầu để bổ sung vào nghiên cứu của mình. Khi công ty ra đời, đội ngũ nghiên cứu tiếp tục được củng cố, bổ sung. Từ nền tảng này, họ mới có thể cho ra đời những sản phẩm có thể “lọt mắt” được các chuyên gia. Hoạt động của hai doanh nghiệp Ỷ Vân Hiên và Hoa Văn Đại Việt đang góp phần bảo tồn và lan tỏa văn hóa truyền thống.

Dù có những đóng góp xã hội như thế, song điều đáng ngạc nhiên là các doanh nghiệp này lại không nhận được bất cứ sự ưu đãi nào. Họ phải hoạt động theo Luật Doanh nghiệp như những công ty bình thường, và cũng không được hưởng ưu đãi theo diện doanh nghiệp xã hội. Giám đốc Công ty Ỷ Vân Hiên Nguyễn Đức Lộc cho biết: “Chúng tôi cũng đã tìm hiểu xem liệu lĩnh vực hoạt động của mình có được ưu đãi gì không. Kết quả là không. Công ty Ỷ Vân Hiên đăng ký kinh doanh ở lĩnh vực may mặc, như tất cả công ty may mặc khác. Chúng tôi cho rằng, Nhà nước nên có một cơ chế riêng cho những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn di sản. Những chính sách ấy sẽ khuyến khích cộng đồng dấn thân vào hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống hơn. Nếu không hỗ trợ thuế, có thể xây dựng ra các quỹ, và rót vốn cho những dự án có những đóng góp lớn trong bảo tồn di sản”.

Hai công ty đều ra đời từ những trào lưu trên mạng xã hội về bảo tồn di sản. Những trào lưu tương tự trong bảo tồn di sản vẫn đang tiếp tục. Nhưng từ trào lưu, đến những mô hình hoạt động bền vững, đem lại đóng góp hiệu quả, thiết thực, thì rõ ràng, cơ quan quản lý không thể để họ đơn độc.