Du ngoạn mùa Xuân

Trong vốn từ chương Việt Nam, những cuộc du ngoạn mùa xuân nổi tiếng nhất thường có bóng dáng những người đẹp. Hình ảnh người đẹp dạo bước vườn xuân đã trở thành một truyền thống thẩm mỹ trong văn chương nghệ thuật cho đến thời cận đại.

Tranh Tố nữ của dòng tranh dân gian Hàng Trống. Ảnh: LAN KHANH
Tranh Tố nữ của dòng tranh dân gian Hàng Trống. Ảnh: LAN KHANH

Kho tàng huyền thoại còn ghi sự tích Từ Thức đời Trần vãn cảnh chùa miền Tiên Du tiết xuân, ra tay cứu nàng tiên Giáng Hương nhỡ vin gãy cành mẫu đơn khỏi bị phạt, hay câu chuyện Vua Lê Thánh Tông gặp nàng tiên ở chùa Ngọc Hồ, để lại câu thơ “Hồn bướm mơ tiên lẩn sự đời” và cũng ở ngôi chùa này, Tú Uyên đã gặp Giáng Kiều trong ngày xuân làm nên “Bích Câu kỳ ngộ”…

Những bức tranh Tết của dòng tranh Đông Hồ hay Hàng Trống đã ghi dấu ấn bằng bộ tranh tứ bình Tố nữ, những người đẹp chơi các nhạc cụ như sáo, sênh tiền, đàn nguyệt hay múa quạt. Câu chuyện Tú Uyên phát hiện ra nàng tiên Giáng Kiều chính là cô gái trong tranh Tố nữ, hằng ngày trò chuyện với nàng, rồi người đẹp trong tranh bước ra, đã đan dệt một cuộc du ngoạn xác nhận sự có mặt từ lâu của thú chơi tranh Tết trong dân gian.

Bỗng may lại gặp một người

Tay mang tranh vẽ, gót dời đường hoa

Liền tay xin lĩnh xem qua

Truyền thần một tượng Tố Nga rành rành

Dịu dàng vẻ đạm màu thanh

Như người gặp Quảng Văn đình ngày xưa

(Bích Câu kỳ ngộ - truyện thơ Nôm khuyết danh)

Hồ Xuân Hương đã có bài thơ Đề tranh Tố nữ với sự tán thưởng vẻ đẹp vĩnh cửu của thanh xuân: Ðôi lứa như in tờ giấy trắng/ Nghìn năm còn mãi cái xuân xanh. Hình ảnh người đẹp du xuân in dấu chân qua những địa danh nước Việt như huyện Tiên Du hay Tống Sơn thời Trần, thôn Bích Câu hay chùa Ngọc Hồ ven thành Thăng Long đời Lê, bổ sung nét thần tiên cho những mộng mơ ao ước đời người.

Mặc dù chơi Tết mang nghĩa rất rộng, từ việc chơi các trò chơi cụ thể đến việc vãn cảnh, từ các hoạt động giải trí đến kết hợp du ngoạn thắng cảnh, nhưng náo nức nhất và duyên dáng nhất vẫn là những hoạt động gặp gỡ giao duyên thông qua phương tiện âm nhạc. Không hiểu từ khi nào, giữa những làng quê bùn lầy nước đọng, giữa những eo sèo đói kém, chỉ cần một thoáng ửng hồng màu hoa đào trong không gian, tâm hồn những người nghệ sĩ dân gian đã có thể cất lên những điệu lý lơi say đắm. Chỉ có thể nói tất cả là nhờ sức sống thanh xuân của đời người, từ nhu cầu kết bạn tri âm tri kỷ, những lời ca điệu ví trao nhau khiến người xưa như sẵn có cả túi phong lưu bên mình.

Chẻ tre đan nón

Đan nón ới tầm ba tầm

Tôi lý lý như ba tầm

Để cho à tính tang tình rằng

Cho cô mình đội

Xem hội cái đêm hôm rằm

Rằng tôi lý lý như tháng giêng

Rằng tôi lý lý như tháng giêng.

(Trèo lên quán dốc - Quan họ Bắc Ninh)

Người đẹp du xuân đã khiến cho các liền anh tìm ra cái lý do để trao nón tự tình, để ngỏ lời “thấy người ta lý lý như tri âm”. Nhu cầu trao gửi đến người tâm tình không chỉ là chuyện hẹn hò nam nữ mà chứa cả một tư duy về cộng đồng mở, về thái độ ứng xử thú vị đầy phẩm cách tao nhã. Thái độ này có cả ở những loại hình khác như hát ca trù của các tao nhân thành thị vào giai đoạn hậu kỳ trung đại vắt sang cận đại, hay rất nhiều điệu lý, ví giặm hay bài chòi miền trung, thoát thai từ những kiểu cách có gốc từ một nền thi tứ bác học xâm nhập đời sống bình dân. Những câu hát chứa đựng vốn từ vựng khác với ngày thường vốn nhiều rào cản để cất lên: “Trầu này trầu tính trầu tình/ Ăn vào cho đỏ môi mình môi ta. Anh còn son em cũng còn son/ Ước gì ta được làm con một nhà” (Mời nước mời trầu - Quan họ Bắc Ninh). Bóng dáng người đẹp chẳng khi nào vắng trong những nẻo đường chơi xuân.

Trong vài thập niên đầu của tân nhạc, loại hình nghệ thuật ảnh hưởng Tây phương có tính tiếp nối các màn hát giao duyên ở những bản tình ca, nhu cầu mượn lời ca để giãi bày tâm sự. Những bài hát về mùa xuân ra đời dù là nhạc lãng mạn tiền chiến hay những ca khúc cổ động đời sống mới vẫn bảo lưu mỹ cảm phong lưu xưa. Những cuộc du xuân của các nàng thơ đã đi vào tân nhạc như một cuộc dạo chơi Tết khắc họa không khí một thời: “Tà áo em rung theo gió nhẹ thẹn thùng ngoài bến xuân” (Bến xuân - Văn Cao), “Gió chiều thầm vương bao nhớ nhung, người yêu thoáng qua trong giấc mộng” (Mộng chiều xuân - Ngọc Bích)… Cuộc du xuân của các người đẹp tiền chiến khắc họa một mỹ cảm sâu đậm, từ các bức tranh của Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí cho đến những bài thơ của Nguyễn Bính, Xuân Diệu hay Nguyễn Nhược Pháp… Những cô gái đi hội xuân dù ở thôn quê ngóng hội chèo làng Đặng về ngang ngõ hay thị thành “cùng thầy me em đi chùa Hương”, đều là nguyên cớ khiến các thi nhân sinh lòng cảm tác. Hàng loạt bài ca chủ đề mùa xuân cũng hô ứng với hệ thống liên văn bản này để tạo ra một mẫu số về vẻ đẹp phái nữ.

Ngay cả những bài ca cuối cùng của dòng nhạc lãng mạn ở miền bắc cũng kịp khắc họa hình ảnh người đẹp du xuân một cách ấn tượng. “Người em gái miền Nam” của Đoàn Chuẩn - Từ Linh đã được tưởng tượng trở lại vào một ngày thống nhất của Hà Nội đêm tân xuân tương lai với “đường nay thong thả bao nàng đón xuân” (ca khúc Gửi người em gái miền Nam). Cho dù sau đó hình ảnh người phụ nữ trong ngày xuân có gắn với nhiệm vụ lao động sản xuất thì họ vẫn được chấm phá những nét đẹp của giới. Sức sống của mùa xuân vẫn khiến những chấm phá lãng mạn len lỏi bật ra: “Nhìn nhau trong vòng tay mùa xuân ngất ngây” (Một nét ca trù ngày xuân - Nguyễn Cường). Sau nhiều năm tháng biến động, hình ảnh những người đẹp du xuân trở lại, vẫn là tình tự muôn thuở của người Việt. Cái ngọt ngào tình tứ của câu quan họ ngày xuân hay nét trong trẻo mơ màng của thơ Nguyễn Nhược Pháp vẫn tạo ra ảnh hưởng mạnh mẽ. Chúng không chỉ gắn với những hội Lim hay hội chùa Hương nườm nượp người trảy hội, mà chúng biểu đạt một nhu cầu văn hóa mà những nghệ sĩ xưa đã sớm nhìn thấy cội rễ, từ một rung cảm thấp thoáng “bắt đầu là cái thắt lưng xanh” của một “Mùa xuân xanh”...