Đông tay vỗ... nên kêu?

Liên tiếp nhiều vở diễn được công bố, cùng với đó là những dự án điện ảnh liên quan cũng sắp sửa ra mắt, hướng đến dấu mốc kỷ niệm 100 năm ra đời sân khấu cải lương. Vậy nhưng, với những người làm nghề, sự sôi động này không thật sự mang đến niềm vui trọn vẹn, mà chỉ là góp thêm vào một dịp vui. Và vui xong rồi, thì thôi?

Vở Thầy Ba Đợi.
Vở Thầy Ba Đợi.

Nhiều vở diễn cùng ra mắt

Ngay những ngày đầu năm 2018, vở Đời cô Lựu được tái dựng và công diễn ở Nhà hát Bến Thành, quy tụ nhiều gương mặt từng “vang bóng một thời” như Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, Phượng Liên, Minh Vương, Chí Tâm… Chỉ có điều, hầu hết họ đã trên dưới 70 tuổi, sức khỏe giảm sút nhiều, thể hiện trong câu hát ngắt quãng hay vài bước đi lựng khựng. Đời cô Lựu được xem là vở diễn chào mừng sự kiện 100 năm sân khấu cải lương sớm nhất. Vở nằm trong khuôn khổ chương trình “Tài danh đất Việt” do nghệ sĩ trẻ Gia Bảo - cháu nội của nghệ sĩ Bảo Quốc giữ vị trí giám đốc sản xuất. Trước đó, anh cũng đã tổ chức thực hiện việc dựng lại nhiều vở cải lương từng ghi dấu ấn một thời trong lòng giới mộ điệu như Tiếng trống Mê Linh, Bên cầu dệt lụa, Nửa đời hương phấn.

Một vở diễn được đầu tư công phu tâm sức của người làm nghề, và chính thức ra mắt công chúng dịp cuối tháng tư tại TP Hồ Chí Minh là vở cải lương Thầy Ba Đợi do PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ viết kịch bản văn học, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt-Phạm Văn Đằng, đạo diễn: NSƯT Triệu Trung Kiên - Lê Trung Thảo. Vở diễn kể về cuộc đời và đóng góp của nhạc sư Nguyễn Quang Đại, người được xem là hậu Tổ của đờn ca tài tử và cải lương Việt Nam. Điều đặc biệt ở vở cải lương này chính là sự quy tụ của gần 60 nghệ sĩ hai miền nam - bắc như: NSND Vương Hà, NSND Hoàng Đạt, NSƯT Xuân Vinh, NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Hùng Minh, NSƯT Quế Trân…

Đạo diễn Hoa Hạ cũng vừa giới thiệu đến công chúng dự án dựng lại vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga, dự kiến công diễn vào hai đêm 6 và 13-5 tại Nhà hát Bến Thành. Phiên bản lần này được dựng với những góc nhìn, sáng tạo mới, là tâm huyết của đạo diễn Hoa Hạ và nghệ sĩ Kim Ngân - con gái của cố nghệ sĩ Kim Ngọc nhằm kỷ niệm 100 năm ra đời sân khấu cải lương. Vở diễn được đầu tư 800 triệu đồng có sự tham gia của nghệ sĩ Phượng Loan, Lê Tứ, Chí Linh, Kim Ngân, Hồng Tơ, Đại Nghĩa, Điền Trung, Thanh Thảo, Gia Bảo,… cùng hai ca sĩ Phương Thanh và Quốc Đại.

Điện ảnh cũng vào cuộc

Không chỉ sôi động ở sân khấu cải lương, dịp này nhiều dự án điện ảnh cũng bắt tay vào thực hiện những bộ phim về loại hình nghệ thuật này, trong đó đáng kể là Song lang và Gạo chợ nước sông.

Song lang, bộ phim tái hiện đời sống sân khấu cải lương vào thập niên 1980, là phim điện ảnh đầu tiên của đạo diễn Leon Quang Lê - một diễn viên và vũ công Broadway, sau các phim ngắn đã ra mắt như Dawn, Talking to My Mother. Là một đạo diễn Việt kiều, nhưng Leon Quang Lê lại bày tỏ niềm yêu thích đặc biệt với cải lương. Vào năm 2008, anh từng có ý định bỏ tiền túi để dựng một vở cải lương song kế hoạch bất thành; Leon Quang Lê tiếp tục đeo đuổi đam mê và 10 năm sau, Song lang được ra mắt. Hiện bộ phim đã quay xong và sẽ được công chiếu vào mùa thu năm nay.

Trẻ hơn Leon Quang Lê là đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, người đã ghi dấu ấn riêng với phim Lô tô. Lần này, với Gạo chợ nước sông, được chuyển thể từ truyện ngắn Cuối mùa nhan sắc của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, Huỳnh Tuấn Anh mong muốn chuyển tải đến khán giả, đặc biệt là những khán giả trẻ chưa biết nhiều về cải lương, thấy được cái hay, cái đẹp của cải lương trong giai đoạn hoàng kim 1960-1970.

Các vở diễn hay bộ phim kể trên là những tín hiệu đáng mừng cho bộ môn nghệ thuật cải lương nếu so về thực trạng của sân khấu nói chung và cải lương nói riêng trong những năm gần đây. Vậy nhưng, không khó để nhận ra rằng, hướng đến sự kiện 100 năm ra đời sân khấu cải lương nên mới có sự “xôm tụ” như vậy. Và những dấu hỏi về sức sống của bộ môn nghệ thuật đang trong đà tụt dốc này, dường như vẫn còn nguyên đấy.

Trong buổi họp báo công bố vở diễn Thái hậu Dương Vân Nga, đạo diễn Hoa Hạ giọng buồn rầu cho biết, nếu hai suất diễn tại Nhà hát Bến Thành tới đây mà kín rạp, thì doanh thu của vở cũng mới chỉ đạt 2/3 so với kinh phí bỏ ra, vào khoảng 600 triệu đồng. Điều này đồng nghĩa với việc vở diễn chắc chắn lỗ! Tương tự, để vở diễn Thầy Ba Đợi có thể ra mắt trong dịp kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương, đạo diễn Triệu Trung Kiên phải “gõ cửa” các Mạnh Thường Quân, tìm nguồn hỗ trợ kinh phí. Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều khó khăn mà anh và ê-kíp của mình đang phải đối mặt.

Điểm chung của các vở diễn và dự án điện ảnh kể trên là hầu hết đều được thực hiện từ cá nhân hoặc do nguồn vốn xã hội hóa. Dù biết trước là lỗ hay phải chạy đôn chạy đáo tìm nguồn tài trợ nhưng những người thực hiện vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng vì tình yêu và niềm đam mê dành cho nghề, cũng như mong muốn hồi sinh bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Sau Thái hậu Dương Vân Nga, đạo diễn Hoa Hạ đang ấp ủ sẽ tiếp tục tái dựng nhiều dự án cho cải lương như Hoàng đế Quang Trung, Hồ Quý Ly, Tuyên Phi, Huyền Trân Công chúa,…

Dẫu biết xã hội hóa là xu thế tất yếu của sân khấu nói chung và cải lương nói riêng; tuy nhiên với tình trạng thoái trào như hiện nay, để cải lương thật sự hồi sinh, chinh phục khán giả nhất là khán giả trẻ thì nỗ lực từ một số cá nhân là chưa đủ. Có đông tay thì mới vỗ nên kêu, hành trình hồi sinh cải lương còn đang đòi hỏi những nỗ lực và hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa, từ nhiều phía.