Đổi mới, bắt đầu từ “đối thoại”

Nắm bắt nhu cầu và thị hiếu khán giả và công chúng hiện nay bằng các cuộc “đối thoại” trực tiếp với khách hàng; bắt tay chặt chẽ với giới truyền thông để kịp thời cập nhật chương trình, vở diễn mới… Những việc làm này đang được một số nhà hát thực hiện trong chiến lược xây dựng hình ảnh và tiếp cận công chúng.

Cảnh trong vở Hừng đông (NH Cải lương Việt Nam).
Cảnh trong vở Hừng đông (NH Cải lương Việt Nam).

Tạo cơ hội kết nối

Đã ba năm nay, Nhà hát (NH) Kịch Việt Nam đều đặn tổ chức các cuộc tọa đàm với các nhà báo thuộc các báo, đài truyền hình trung ương và Hà Nội mỗi khi có những hoạt động lớn của đơn vị cũng như cùng thảo luận về công tác tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm sân khấu của Nhà hát. Trong các cuộc tọa đàm như thế, các nhà báo được nghe ban giám đốc, các thành phần sáng tạo vở diễn và cả các nghệ sĩ trao đổi, chia sẻ, đối thoại về những vấn đề của nhà hát, của nghệ thuật với nghệ sĩ. Mặc dù chưa có nhà hát riêng nhưng cũng đã thành thông lệ cứ mỗi dịp có chương trình mới thì Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng tổ chức gặp gỡ báo chí để giới thiệu về chương trình, đồng thời đây cũng là cơ hội để ê-kíp sáng tạo có thể giãi bày, chia sẻ những quan điểm làm nghệ thuật với các nhà báo.

Nhà báo Lê Quý Hiền, Chủ nhiệm CLB Nhà báo Sân khấu nhận định: “Lâu nay các đơn vị nghệ thuật công lập mới chỉ xác định đầu tư vở diễn từ khâu kịch bản đến khi dàn dựng xong và tổng duyệt, ít tính đến kinh phí quảng bá, giới thiệu, đón tiếp khán giả… Trong khi quảng bá tuyên truyền cho tác phẩm là một việc làm rất cần thiết và vô cùng quan trọng, tạo nên sự sống còn cho tác phẩm. Khi vai trò của khán giả được coi trọng, họ sẽ không bao giờ bỏ rơi sân khấu”.

“Diễn như thế, bán vé được không?”

Lần đầu tiên, Ban Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam tổ chức Hội nghị khách hàng với sự tham gia của những đối tác chiến lược và một số cơ quan truyền thông, qua đó mong muốn thật sự biết được “thượng đế” hiện đang cần gì, như thế nào… Đối tác chiến lược của Liên đoàn Xiếc Việt Nam không ai khác chính là các công ty lữ hành du lịch, công ty tổ chức sự kiện, nhà tổ chức biểu diễn thường xuyên ký hợp đồng biểu diễn lớn. “Chúng tôi, những người làm ra sản phẩm nghệ thuật rất cần lắng nghe những ý kiến phản hồi từ khách hàng để biết được những sản phẩm mình đưa ra có phù hợp với yêu cầu của người xem hay không. Đáng tiếc là câu chuyện này lâu nay không chỉ Liên đoàn Xiếc Việt Nam mà nhiều đơn vị nghệ thuật không làm. Chúng tôi mong muốn được đối thoại trực tiếp với các khách hàng để cùng tháo gỡ những khúc mắc, tìm tiếng nói chung, đồng hành giữa khách hàng và Liên đoàn Xiếc”, NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam bày tỏ.

Ngay tại Hội nghị, các đối tác khách hàng còn cùng nhau điền vào phiếu khảo sát đánh giá chất lượng dịch vụ phục vụ biểu diễn nghệ thuật xiếc 2018. Có rất nhiều điều được đặt ra từ các ý kiến góp ý trực tiếp cũng như văn bản: Chương trình biểu diễn tốt nhưng vẫn còn thiếu sáng tạo, Liên đoàn Xiếc cần đứng giữa các đối tác khách hàng, cập nhật thông tin để điều tiết gom một số hợp đồng lẻ cùng trong một buổi diễn cho kín số ghế; Liệu số lượng vé bán chỉ nửa rạp có cho biểu diễn? Làm sao để hỗ trợ vé cho các thầy cô giáo đưa học trò vào xem?... Ban Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã giải đáp những thắc mắc của các đối tác khách hàng và từ báo chí, đồng thời tiếp thu các ý kiến để từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp. Tại Hội nghị khách hàng, Liên đoàn Xiếc đã giới thiệu một danh sách các chương trình mới đặc sắc. Lãnh đạo Liên đoàn cho biết, đơn vị sẽ tiến hành lấy ý kiến đóng góp của khán giả ngay từ việc điền vào phiếu phát tại các buổi diễn, sẵn sàng biểu diễn phục vụ không theo lịch cố định. Đặc biệt đối với các trường học khi có hợp đồng biểu diễn, Liên đoàn sẽ dành ra một khu VIP riêng cho ban giám hiệu và các thầy cô giáo để thể hiện sự trân trọng đối với những người thầy.

Theo NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, sân khấu phải đổi mới tư duy, thực hiện tính tiên phong, có tiếng nói phản biện, tính dự báo, dẫn dắt khán giả theo kịp thời đại. NSND Lê Tiến Thọ cho rằng, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 với nhiều thiết bị nghe nhìn hỗ trợ thì sân khấu cũng cần tiếp cận khán giả bằng công nghệ số. Một số nhà hát đã thay đổi tích cực, tiếp cận khán giả bằng việc giới thiệu thông tin về buổi diễn, vở diễn trên website hoặc trang Facebook chính thức của mình. Tuy nhiên, nhiều trang hiện chỉ đưa nội dung sơ sài, không cập nhật thông tin thường xuyên. Chỉ có một số nhà hát, sân khấu tư nhân là có những chuyển động tích cực trong vấn đề này. Vở Ionah của Nhà hát Star Galaxy, vở Tứ phủ của Nhà hát Việt, vở diễn thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ của Công ty Tuần Châu Hà Nội… không chỉ đầu tư về nội dung mà đã tìm cách tiếp cận khán giả tốt qua các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng thông tin giải trí. Trang web chính thức hay trang Facebook của các chương trình này thường xuyên được làm mới, cập nhật giá vé, khuyến mại, những đêm diễn đặc biệt… để khán giả theo dõi.

Những việc làm tiếp cận khán giả, giới truyền thông của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam là những bước đi khai hoang trong việc xúc tiến và xây dựng thị trường biểu diễn theo hướng chuyên nghiệp hơn. Hy vọng, đó sẽ là những chuyển động tích cực tạo hiệu ứng hai chiều, giúp mang lại sức sống mới cho các sàn diễn của các đơn vị nghệ thuật công lập.