Để di sản không chỉ là di sản

Không chỉ giúp các em học sinh “học mà chơi”, chương trình “Giáo dục di sản theo phương pháp mới” đã góp phần làm cho di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám sinh động hơn, và lịch sử trở nên thú vị, dễ nhớ. Đây là những bước đi gắn di sản với giáo dục, làm cho di sản mang hơi thở cuộc sống đương đại và trở thành một trung tâm sáng tạo văn hóa.

Các em học sinh tham gia trải nghiệm cùng di sản ở Văn Miếu (Hà Nội).
Các em học sinh tham gia trải nghiệm cùng di sản ở Văn Miếu (Hà Nội).

"Chơi mà học"

Thay vì chỉ ngồi trên lớp nghe giảng và xem tranh ảnh do cô giáo chuẩn bị trước, các em học sinh tiểu học và trung học cơ sở có thể đến di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám để học trực quan một cách hào hứng từ những hiện vật, những tài liệu chứng thực các sự kiện lịch sử với sự hướng dẫn của các cán bộ làm công tác truyền thông - giáo dục ở đây. Ðó là nội dung của chương trình "Giáo dục di sản theo phương pháp mới" doTrung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với ngành giáo dục Hà Nội tiến hành từ năm 2016 tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Các em còn được rèn luyện một số kỹ năng sáng tạo và nâng cao năng lực tương tác, làm việc nhóm với nhau thông qua những bài tập "chơi mà học" với những chủ đề phù hợp với từng lứa tuổi, cấp học, tích hợp với kiến thức ở trên lớp như: Mãnh hổ hạ sơn, Lớp học xưa, Khám phá kiến trúc cổ, Ðánh giá môi trường di tích, Vinh quy bái tổ, Khám phá bia Tiến sĩ, Sách và mộc bản, Ơ kìa con nghê… Mỗi chủ đề là một bài học về di sản sinh động và ý nghĩa. Các em học sinh được chủ động khám phá, chủ động tìm hiểu qua nhiều kênh thông tin, được đặt câu hỏi, được đưa ra ý kiến phản biện của mình và thực hành ngay những kiến thức vừa tiếp thu được. Giờ học được thiết kế với thời lượng vừa phải, theo từng độ tuổi và thường kết thúc trong không khí vui vẻ thoải mái, một chút "thòm thèm". Em Ngân Hạnh, học sinh lớp 7A8, Trường THCS Giảng Võ, Hà Nội được tham dự chương trình giáo dục di sản tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám phấn khởi chia sẻ: "Lần đầu tiên con được tham dự chương trình học tập như thế này. Thú vị, hào hứng qua từng hoạt động. Con hơi tiếc vì thời gian trôi nhanh quá". Ở di tích, không chỉ cùng hoạt động với nhau một cách hào hứng, các em học sinh còn mở rộng cơ hội giao tiếp và thể hiện những kiến thức của mình với khách tham quan nước ngoài. Các em đã mạnh dạn giới thiệu (dù chỉ mới là những câu đơn giản) về Văn Miếu, về Hà Nội, về văn hóa, con người Việt Nam. Bạn Khánh Linh đã không giấu được sự vui sướng: "Con đã gặp một bác lớn tuổi người Singapore, ban đầu con còn e ngại khi giao tiếp bằng tiếng Anh, nhưng được cô Lê Hương (cán bộ giáo dục) khuyến khích và hướng dẫn, con đã mạnh dạn nói chuyện. Và cảm giác của con bây giờ là rất sung sướng, thấy tự tin hơn về bản thân. Con nghĩ là những lần tiếp sau con sẽ mạnh dạn hơn rất nhiều".

Một không gian "mở"

Với việc "Giáo dục di sản theo phương pháp mới" các em học sinh không chỉ đến, nghe giới thiệu, xem di tích rồi đi về (!) mà còn có thêm nhiều phương thức trải nghiệm cùng di tích. Ðể tham gia một chương trình "Giáo dục di sản theo phương pháp mới", từ trên lớp học, theo những gợi ý của giáo viên, các em đã cùng nhau tìm và chia sẻ thông tin, chuẩn bị kiến thức cho mình về chủ đề đã lựa chọn. Trong quá trình tham quan di tích, các em được cán bộ giáo dục giới thiệu về lịch sử, ý nghĩa của từng chủ đề và tự ghi chép, trao đổi với nhau những chi tiết giúp các em tư duy, so sánh, lựa chọn để ghi nhớ lại những thông tin hữu ích cho bản thân. Từng phân đoạn nhỏ được gia tăng sự thú vị bằng những câu đố, những game show nhỏ để các em hăng hái "cạnh tranh" với mong muốn tự hào thắng cuộc - qua đó kiến thức được giới thiệu, ghi chép lại một cách nhẹ nhàng nhưng hiệu quả. Trung tâm hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn dành riêng một phòng tại nhà hữu vu trong khu điện Ðại Thành làm nơi cho các em học sinh thực hiện bước "Sau tham quan". Ðây là không gian văn hóa trải nghiệm mới lạ và độc đáo cho các em học sinh và cả khách tham quan nói chung, được đầu tư nhiều trang thiết bị phù hợp cho các hoạt động giáo dục hiện đại như máy tính, máy chiếu, iPad… cũng như những "vật tư" giáo dục cần thiết - bút mầu, bảng, giấy dán… Tại đây, các em học sinh được tự mình khắc hoa văn trên giấy dó, thử nghiệm tự in tranh Ðông Hồ, tìm hiểu về lịch sử văn hóa qua những phim tư liệu hoặc tham gia các trò chơi dân gian hấp dẫn, tự làm những con thú bằng đất hoặc vẽ những hoa văn trang trí bia tiến sĩ trên cốc, đĩa, cũng có thể tùy cảm hứng mà vẽ những bức tranh sinh động đầy mầu sắc về Văn Miếu... Những sản phẩm thủ công đó sẽ được chọn lọc để trưng bày luôn tại phòng trải nghiệm cho các bạn khác cùng chiêm ngưỡng.

Các di tích - nơi lưu giữ những ký ức lịch sử - văn hóa của dân tộc không nên chỉ được bảo tồn theo cách "đóng băng di tích" mà còn phải trở thành một không gian văn hóa "mở", là nơi cung cấp kiến thức và tạo ra cơ hội học tập cho công chúng, đặc biệt là các thế hệ trẻ. Sự gắn kết giữa di tích và các trường học như mô hình đã và đang làm ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã góp phần tạo ra sinh khí mới cho khu di tích này và tạo thêm cơ hội tiếp cận và tiếp nhận kiến thức sinh động, nhiều chiều, góp phần kích thích tư duy sáng tạo cho các em học sinh.