Đằng sau một vụ kiện

Tòa án nhân dân (TAND) TP Hồ Chí Minh vừa đưa ra phán quyết cuối cùng liên quan tranh chấp bản quyền hình tượng bốn nhân vật của bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt. Theo đó, họa sĩ Lê Linh là tác giả duy nhất của hình tượng bốn nhân vật. Cái kết của vụ án kéo dài 13 năm mang đến nhiều vấn đề cần suy ngẫm về tranh chấp bản quyền, nhất là trong lĩnh vực văn hóa.

Bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt gây tranh cãi trong thời gian qua.
Bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt gây tranh cãi trong thời gian qua.

Quyền nhân thân của tác giả

Theo chia sẻ của họa sĩ Lê Linh (tên thật là Lê Phong Linh - nguyên đơn trong vụ án), vào năm 2006 anh tình cờ biết được văn bản thể hiện anh và bà Phan Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Giáo dục và Giải trí Phan Thị (sau đây gọi là Phan Thị) là đồng tác giả của hình tượng bốn nhân vật, gồm: Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo trong bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt (TĐĐV). Không đồng tình với việc này, anh đã làm đơn khởi kiện bà Phan Thị Mỹ Hạnh và Công ty Phan Thị.

Sở dĩ vụ kiện kéo dài suốt 13 năm qua vì có nhiều vướng mắc giữa quyền nhân thân và quyền sở hữu. Phía nguyên đơn khởi kiện cho rằng mình chính là tác giả duy nhất. Trong khi đó, phía bị đơn, cụ thể là bà Phan Thị Mỹ Hạnh cũng trưng ra nhiều bằng chứng chứng tỏ mình là đồng tác giả. Đặc biệt, trong Giấy chứng nhận bản quyền tác giả do Cục Bản quyền tác giả cấp cũng thể hiện điều này. Theo luật sư Nguyễn Vân Nam - người đại diện của bị đơn, ý tưởng về hình tượng bốn nhân vật được hình thành trong trí óc của bà Hạnh. Và họa sĩ Lê Linh là người được thuê để hiện thực hóa ý tưởng đó. Cũng cần nói thêm, họa sĩ Lê Linh cũng chính là nhân viên có hợp đồng của Phan Thị, công việc được giao là thực hiện bộ truyện TĐĐV. Anh đảm nhiệm công việc của mình từ tập 1-78. Trong suốt quá trình làm việc cho bị đơn, nguyên đơn đã được nhận đầy đủ các khoản tiền lương, thưởng. Tính cho đến ngày nghỉ việc, nguyên đơn đã nhận được hơn 3 tỷ đồng.

Theo Điều 18 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009: “Quyền tác giả đối với tác phẩm quy định tại Luật này bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản”. Tại phiên sơ thẩm và phúc thẩm, Hội đồng xét xử (HĐXX) đều nhận định quyền nhân thân thuộc về họa sĩ Lê Linh, còn quyền tài sản thuộc về Phan Thị. TAND TP Hồ Chí Minh nhận định: “Công ty Phan Thị được quyền làm tác phẩm phái sinh nhưng không được sửa chữa tác phẩm gốc. Ông Lê Phong Linh là tác giả của tác phẩm có quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm”.

Ngoài ra, theo Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định: “Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định; không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký”. Đây cũng là quan điểm của Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh và TAND TP Hồ Chí Minh. Vì lẽ đó, tòa công nhận họa sĩ Lê Linh là tác giả duy nhất của hình tượng bốn nhân vật, còn bà Hạnh không được thừa nhận là đồng tác giả vì không đúng với quy định của pháp luật.

Bài học về bảo vệ tác quyền

Khi câu chuyện liên quan bộ truyện tranh TĐĐV vừa khép lại, ngành văn hóa lại có thêm một vụ lùm xùm liên quan tác quyền. Cụ thể, bộ phim Ngôi nhà bươm bướm đang chiếu tại các cụm rạp, đã vi phạm bản quyền khi sử dụng bản thu âm ca khúc Mãi mãi bên nhau của ca sĩ Noo Phước Thịnh cho phần credit cuối phim mà không xin phép. Trên thực tế, nhà sản xuất phim Ngôi nhà bươm bướm đã đến Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) - chi nhánh phía nam để mua bản quyền. Với chức năng của mình, trung tâm này đã cung cấp quyền tác giả cho nhà sản xuất Ngôi nhà bươm bướm, không có chức năng đối với các quyền liên quan khác của tác phẩm.

Trong văn bản phát ra gần đây, VCPMC một mặt thừa nhận việc này, đồng thời nhấn mạnh: “Hợp đồng ghi rõ phạm vi cấp phép sử dụng quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ (quyền sao chép tác phẩm), không bao gồm các quyền liên quan của người biểu diễn, bản hòa âm, phối khí, bản ghi âm ghi hình của nhà sản xuất”.

Rõ ràng, sau vụ kiện liên quan bộ truyện TĐĐV, hay gần đây nhất là liên quan ca sĩ Noo Phước Thịnh, có thể thấy một thực tế: rất nhiều người, kể cả những người trong ngành văn hóa, đều hiểu lơ mơ về vấn đề tác quyền. Nhà văn Đỗ Hàn, Phó Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam cho rằng, nhận thức về vấn đề tác quyền là cả một quá trình: “Luật Sở hữu trí tuệ mới có hơn 10 năm nay, trong khi đó các nước đã có hàng năm, bảy chục năm nay thậm chí hàng trăm năm. Cho nên vấn đề này cần có thời gian, để ngấm dần, rồi vấp váp ngoài kiến thức để tìm hiểu. Ngoài ra, cơ quan quản lý, hành lang pháp lý của ta phải chặt chẽ và có tính răn đe cao hơn nữa thì người ta mới có thể thấy được quyền đặc biệt của tác giả rõ hơn. Từ phía người sử dụng, qua thời gian phải thấy được thói quen sử dụng bất kỳ tác phẩm nào, không riêng gì tác phẩm văn học phải có ý thức là nghĩ ngay đến quyền tác giả”.

Để có thể tự bảo vệ tác quyền cho mình, theo nhà văn Đỗ Hàn, ngoài việc tìm hiểu kỹ lưỡng các văn bản luật liên quan thì việc đầu tiên và quan trọng mà các tác giả có thể làm là đăng ký bản quyền, giống như làm giấy khai sinh cho đứa con của mình. Ngoài ra, phải ký ủy quyền với một số tổ chức hoặc cá nhân có chức năng bảo vệ tác quyền để những cá nhân hay tổ chức này bảo vệ quyền lợi cho mình.