“Cuộc đối thoại” ở điện Kiến Trung

Phục hồi một phế tích luôn là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, trong điều kiện lượng phế tích cần được phục hồi trên cả nước hiện rất nhiều, song nguồn lực hạn hẹp chỉ có thể ưu tiên những di tích đặc biệt. Chính vì vậy, mỗi dự án đều nhận được sự quan tâm lớn, và cũng là những kinh nghiệm thực tế rất quý báu, với những trao đổi, tranh luận cần được phân tích, lý giải thấu đáo và cẩn trọng.

Phối cảnh 3D điện Kiến Trung.
Phối cảnh 3D điện Kiến Trung.

Băn khoăn quanh dự án phục hồi ngôi điện quý 

Từ năm 2013, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế bắt đầu thực hiện phục hồi điện Kiến Trung, dự kiến đến năm 2023 sẽ hoàn thành. Điện Kiến Trung khởi dựng từ năm 1827 và được xem là một trong hai mươi cảnh đẹp của kinh thành Huế (Thần kinh nhị thập cảnh). Sau năm 1916, ngôi điện này có kiểu thức kiến trúc và vật liệu của phương Tây kết hợp với các đồ án trang trí ảnh hưởng từ nghệ thuật trang trí truyền thống thời Nguyễn. Trang trí nội điện của tòa lầu rất lộng lẫy, với nghệ thuật khảm sành sứ tương tự như ở lăng Khải Định. Thời gian và chiến tranh đã phá hủy hoàn toàn tòa cung điện vốn được coi là một di sản quý báu của kiến trúc phương Tây trong lòng Hoàng cung Huế. 

Tháng 8-2020, một nhóm kiến trúc sư và nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử, cho biết điện Kiến Trung đang được phục hồi với một số điểm sai lệch, khác với điện Kiến Trung nguyên gốc trong tư liệu. Nhóm phản biện cho rằng: Những tài liệu do bên thi công công bố đã không phân rõ nguyên trạng điện Kiến Trung giữa hai thời Khải Định và Bảo Đại và đã chọn phục hồi bố cục và hiện trạng kiến trúc thời Bảo Đại, nhưng ngoại điện, trang trí nội thất lại mô phỏng theo hiện trạng thời Khải Định. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, việc phân định này là điều cần thiết để làm rõ công trình sẽ được phục hồi theo nguyên trạng của triều vua nào, tránh việc không đồng nhất phong cách kiến trúc, bảo đảm tính đồng đại và tính nguyên gốc khi trùng tu, bảo tồn di tích lịch sử văn hóa. Một số chi tiết khác như chủng loại ngói và phương pháp lợp mái của điện Kiến Trung và hai vọng gác phía trước điện… cũng gây băn khoăn. Bản vẽ mặt bằng công trình trong dự án cũng thể hiện sai khối nhà phía sau về cửa sổ và nhịp bước kiến trúc.

Kịp thời đối thoại cởi mở và thẳng thắn

Trước những ý kiến phản biện, ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Giám đốc Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền trung (Bộ Xây dựng), đơn vị thiết kế và thi công dự án “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Kiến Trung” cũng đã nhanh chóng có những câu trả lời về quan điểm của bên thi công. 

Về sự không đồng nhất trong phong cách kiến trúc, ông Tuấn giải thích: “Theo nguyên tắc bảo tồn di tích, Luật Di sản văn hóa và các công ước quốc tế đối với di sản văn hóa thế giới, không có điều cấm kỵ (buộc) phục hồi đưa di tích kiến trúc - nghệ thuật về cùng một thời kỳ. Trái lại, cần thể hiện hết các giá trị nổi bật của tất cả các thời kỳ nếu có đủ cứ liệu và trong việc phục hồi điện Kiến Trung, không nên cứng nhắc tách bạch hai thời kỳ riêng biệt, mà cần dựa trên giá trị của công trình”. Tháng 6-2020, qua sự hỗ trợ của Sở Ngoại vụ và Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, Dự án đã có một bức không ảnh có độ phân giải cao hơn (thuộc Album Aéronautique militaire d’Indochine Escadrille n°2) để có thể phân tích và nhận định rõ hơn về phần hậu của điện Kiến Trung. Đây là một yếu tố mới, có cơ sở để đưa ra các giải pháp kỹ thuật phù hợp. Hiện tại, các hạng mục được phản ánh đều chưa thi công. Theo chỉ đạo của chủ đầu tư, bên thi công sẽ tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh và chỉ thi công khi có đầy đủ cơ sở. 

Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, đại diện chủ đầu tư dự án cho biết: “Sau khi nghiên cứu nội dung phản biện và trả lời của Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền trung, chúng tôi đã tổ chức rà soát cụ thể. Chúng tôi đánh giá rất cao các nội dung phản biện, kịp thời, mang tính chuyên môn sâu, và có quan điểm, phân tích, lập luận rõ ràng. Chúng tôi đã làm việc cụ thể với đơn vị thiết kế, phân tích trao đổi một số vấn đề cần phải tiếp thu và thống nhất phương án điều chỉnh hồ sơ thiết kế cho phù hợp”. Trong thời gian ngắn sắp tới, phía chủ đầu tư sẽ mời nhóm phản biện đến Huế để cùng thảo luận rõ hơn các nội dung này.

Việc phục hồi các phế tích cần dựa trên nguyên tắc cốt yếu trong bảo tồn văn hóa là bảo đảm tính nguyên gốc. Trong điều kiện tư liệu không đầy đủ và chưa thống nhất, việc thảo luận, phản biện và một thái độ thận trọng khi tiến hành xây dựng là quan trọng và cần thiết. Để các phế tích được phục hồi thật sự mang lại những giá trị đặc biệt cả về lịch sử và văn hóa.