Công nghiệp văn hóa nên được đặt đúng vị trí cần có

Được xác định là lĩnh vực có nhiều tiềm năng đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu của nền kinh tế quốc gia vậy nhưng, công nghiệp văn hóa Việt Nam, sau nhiều nỗ lực định vị khái niệm và hoạch định chiến lược, mới chỉ đi được một hành trình khiêm tốn. Đáng nói, những chuyển động tích cực trên thực tế lại đang gặp nhiều trở ngại, xuất phát từ… chính sách. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS,TS Bùi Hoài Sơn (ảnh nhỏ), Viện trưởng Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam về giải pháp “gỡ điểm nghẽn” cho công nghiệp văn hóa.

Công nghiệp văn hóa nên được đặt đúng vị trí cần có

Công nghiệp văn hóa - mũi nhọn tương lai

- Thưa ông, phát triển công nghiệp văn hóa đang dần trở thành mối quan tâm của nhiều người. Tuy nhiên, việc đánh giá tiềm năng của lĩnh vực này vẫn chưa có được sự thống nhất trong nhận thức, bởi, lâu nay, văn hóa vẫn được xem là lĩnh vực… tiêu tiền?

- Tôi chỉ muốn nêu một vài thí dụ thôi: Năm 2018, bộ phim Black panther 2 của Mỹ đã đạt doanh thu hơn 1 tỷ USD trên toàn cầu. Trong âm nhạc, chỉ một ban nhạc BTS của Hàn Quốc, trong năm 2018, riêng doanh thu từ bán vé của họ đã đạt 100 triệu USD, giá trị thương hiệu của ban nhạc này hiện ước tính khoảng 970 triệu USD (100 triệu USD tương đương 2.300 tỷ đồng, trong khi, chi thường xuyên cho ngành văn hóa cả nước ta năm 2018 là khoảng 2.961 tỷ đồng). Mà Hàn Quốc đâu chỉ có một mình BTS. Những con số này cho thấy, văn hóa có thể kiếm được rất nhiều tiền, chứ không phải chỉ là lĩnh vực tiêu tiền như chúng ta vẫn nghĩ từ trước đến giờ.

Công nghiệp văn hóa đang tạo nguồn thu đáng kể cho nhiều quốc gia, và đây là nguồn lợi được tạo nên một cách bền vững, không gây ô nhiễm môi trường, không tốn kém về nguồn nhân lực và các điều kiện khác. Nếu chúng ta tập trung cho sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa thì sẽ làm thay đổi cơ cấu kinh tế của đất nước, thay vì việc tập trung sản xuất các sản phẩm gây nên nhiều hệ lụy về ô nhiễm môi trường, tiêu tốn những nguồn tài nguyên không có khả năng tái tạo được, thì chúng ta có thể xây dựng quốc gia bằng những sản phẩm hình thành nên từ sáng tạo của con người. Văn hóa - nghệ thuật có một vai trò rất quan trọng trong việc kích thích sự sáng tạo của con người. Bối cảnh quốc gia của chúng ta đang hướng đến việc xây dựng một quốc gia khởi nghiệp, mà hạt nhân của khởi nghiệp chính là sáng tạo, và văn hóa có khả năng tạo ra sự sáng tạo. Đó là một trong những lý do căn bản để chúng ta quan tâm nhiều hơn tới sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa.

Bây giờ đang là thời điểm rất thuận lợi cho chúng ta trong việc thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Nếu chậm trễ hơn thì sẽ ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa nói riêng và sự phát triển chung của đất nước, khi mà các nước trên thế giới đã chuyển sự ưu tiên từ sản xuất công nghiệp nặng, sản xuất gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước, sang nền kinh tế sáng tạo, nền kinh tế số và các ngành công nghiệp văn hóa để tạo nên sự tăng trưởng xanh, bền vững.

- Ngày 8-9-2016, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Sau ba năm, nhìn lại, nhiều người cho rằng, văn bản đó mới là hồi chuông cảnh báo chúng ta phải có ý thức hơn về công nghiệp văn hóa, chứ xét trên giá trị tác động thực tiễn thì văn bản đầu tiên trong lĩnh vực này chưa mang lại điều gì đáng kể?

- Chuyển biến trong lĩnh vực văn hóa không thể đòi hỏi trong ngày một ngày hai. Việt Nam nằm trong số các nước xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa sớm trên thế giới. Chúng ta đã hình thành cơ quan phụ trách vấn đề này, đó là Phòng Quản lý Công nghiệp văn hóa, trực thuộc Cục Bản quyền. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã làm được một số bộ chỉ số thống kê. Việc xác định chỉ số thống kê của các ngành này giúp hình dung nguồn lực đóng góp cho xã hội, cũng như nhận biết thực trạng để từ đó xây dựng chính sách hỗ trợ.

Đáng mừng là các chuyển động trên thực tế lại có phần nhanh và sinh động hơn nhiều sự hình thành chính sách. Năm 2016, thống kê trên cả nước có khoảng 60 không gian sáng tạo. Con số đó vào năm 2018 là 140. Các không gian sáng tạo là một dấu hiệu cho thấy sức sáng tạo của một quốc gia. Người ta bắt đầu có ý thức về việc có thể kiếm tiền được từ văn hóa, như câu chuyện khai thác phim trường của bộ phim Kong: Skull Island ở Quảng Bình, hay câu chuyện Cầu Vàng ở Đà Nẵng.

Đặt đúng vị trí để phát triển

- Nhưng nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, những thành tựu ghi nhận được trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa Việt Nam những năm gần đây chủ yếu đến từ nỗ lực của các cá nhân. Và phía sau những thành công đó, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro?

- Đúng là như vậy. Dù chúng ta rất vui mừng với sự nở rộ của mô hình không gian sáng tạo thời gian gần đây, nhưng mặt trái là số lượng không gian sáng tạo biến mất cũng nhanh không kém so với số lượng mới ra đời. Trong số 60 không gian sáng tạo được thống kê vào năm 2016, giờ gần như đã biến mất hết. 140 địa chỉ không gian sáng tạo được thống kê vào năm 2018 là hoàn toàn mới và đang đối diện nguy cơ biến mất trong vòng… một năm.

Tại sao?

Có mấy câu chuyện. Thứ nhất, về địa vị pháp lý, các không gian sáng tạo này vẫn bị coi là doanh nghiệp, bị đối xử như một doanh nghiệp kinh doanh thuần túy, trong khi các không gian sáng tạo vốn là nơi thử nghiệm các ý tưởng, hướng đến các mục tiêu giải trí, và các mục đích xã hội. Với mô hình hoạt động như vậy, thì khả năng sinh lời là rất thấp, vậy mà họ vẫn bị đánh thuế như các doanh nghiệp bình thường thì không thể tồn tại được. Việc không xác định được địa vị pháp lý phù hợp dẫn đến thiếu chính sách hỗ trợ về thuế.

Tiếp theo, là chính sách về đất đai. Ở nước ngoài có một kinh nghiệm như thế này, những khu vực nào kém phát triển nhất, họ nhường chỗ cho các sáng tạo của văn hóa - nghệ thuật, để biến các khu vực này thành khu vực đáng sống. Chúng ta có thể áp dụng cách làm này, với các nhà máy cũ chuyển đi khỏi khu vực trung tâm, thay vì xây các cao ốc gây quá tải cho hạ tầng, và tạo áp lực về môi trường, chúng ta có thể biến các nơi đó thành các quận (khu vực) nghệ thuật và làm cho Thủ đô chúng ta trở nên hấp dẫn hơn.

- Để gỡ những điểm nghẽn, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa, theo ông, trong thời gian tới chúng ta cần phải làm gì?

- Đầu tiên, chúng ta phải đưa được tinh thần của Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đi vào thực tế. Cần phải nâng cao nhận thức đúng về vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong sự phát triển của đất nước, để từ đó chuyển thành những hành động cụ thể.

Trong thời gian tới, cần thay đổi một số quy định về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, như quy định vẫn coi các không gian sáng tạo như mô hình doanh nghiệp xã hội. Bên cạnh đó, cần xây dựng các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai đối với lĩnh vực này; thông qua luật về hiến tặng và bảo trợ - được kỳ vọng sẽ tạo nên động lực mới cho sự phát triển văn hóa.

Chúng ta cũng cần có chính sách về việc xây dựng thương hiệu cho các nghệ sĩ và các sản phẩm văn hóa của Việt Nam. Muốn thế, cần chú trọng tạo ra các sự kiện quốc tế ở Việt Nam, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ Việt Nam tham gia các sự kiện quốc tế, góp phần gia tăng chất lượng cho các sự kiện đã có, tạo tính bền vững cho các hoạt động này. Ngoài ra, cần chú ý thay đổi chương trình giáo dục sáng tạo trong nhà trường, để tạo ra những con người sáng tạo phù hợp với xã hội ngày hôm nay.

- Như vậy, đó không thể là câu chuyện riêng của ngành văn hóa?

- Đúng vậy. Ở nhiều quốc gia, cơ quan phụ trách phát triển công nghiệp văn hóa là cơ quan trực thuộc chính phủ, chứ không phải là công việc của một bộ, ngành, bởi nó liên quan nhiều lĩnh vực khác nhau. Với Việt Nam, đã đến lúc cần đặt công nghiệp văn hóa vào đúng vị trí, vai trò của nó trong sự phát triển chung của đất nước.

- Xin cảm ơn ông!

Công nghiệp văn hóa nên được đặt đúng vị trí cần có ảnh 1

Làng thổ dân được phục dựng từ bộ phim Kong: Skull Island đã trở thành nơi thu hút khách tham quan nhờ hiệu ứng từ bộ phim. Ảnh: ĐẮC THÀNH