Cõng chữ lên Piêng Siêl

Chỉ cách đây mấy năm thôi, lớp mẫu giáo Piêng Siêl chỉ là cái chòi được bà con trong làng dựng tạm, cứ chực chờ tả tơi sau mỗi mùa giông gió Tây Nguyên. Giáo viên cắm điểm trường ở đây muốn con em đi học phải… năn nỉ, nuôi ăn, lo chỗ ở cho chúng. Cơ mà, khi sông Krông Pô Kô quặn mình ngầu đục, khi dãy Ngọc Linh vần vũ mây xám, thì cô trò chỉ còn cách ôm nhau khóc giữa tứ bề nước xiết…

Niềm vui dưới mái trường mới.
Niềm vui dưới mái trường mới.

Già Y Nớt năm nay đã trải 80 mùa con ong đi lấy mật. Gương mặt của ông nhăn nhúm, tóc đã bạc trắng rồi nhưng da vẫn ánh lên mầu nâu bóng sừng con min khỏe mạnh trong rừng thẳm. Sáng nay, ông được trai trẻ trong làng đưa ra điểm trường Piêng Siêl nằm ven bờ sông Krông Pô Kô huyền thoại chạy dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh (đoạn qua địa phận huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum), chỉ cách ngọn núi Ngọc Linh hai tầm đổi vai vác xà gạc.

Già Y Nớt hấp háy đôi mắt mừng vui, nói rằng đồng bào Xơ Đăng, Giẻ -Triêng vùng này xưa nay chỉ biết đi bộ. Từ khi có đường Trường Sơn của Cụ Hồ mở trong kháng chiến, thì mới ra ngoài giao tiếp cùng bộ đội, với người Kinh. Rồi sau này khi đường Hồ Chí Minh thông tuyến, mới biết đến đường nhựa, biết đi xe máy. Gặp già đang vui chuyện, mới nghe bà con ở Đăk Glei nói, xưa nay, đảng viên Y Nớt (60 tuổi Đảng) luôn phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của người đảng viên, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, vận động gia đình, nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, nếu không có Nhà nước và các tổ chức, đơn vị hảo tâm tiếp sức, thì người Giẻ - Triêng, người Xơ Đăng cũng chưa “sướng cái bụng” như bây giờ.

Cô giáo Y Mai Sao Pen kể, chỉ cách đây mấy năm thôi, xã Đăk Pet còn chưa đủ trường kiên cố, còn mẫu giáo Piêng Siêl chỉ là cái chòi được bà con trong làng dựng tạm, khó lòng trụ nổi mỗi khi giông gió về. Lũ học sinh A Rất, A Đun, Y Hằng, Y Linh, A Hay… cứ đến mùa mưa là phải ở nhà.

Giờ thì đường từ làng ra thị trấn Đăk Glei đã ổn, đường từ trong nương rẫy ra điểm trường cũng không còn khó, chỉ khó là không tiền xây điểm trường mẫu giáo đã xuống cấp và trẻ con người Giẻ - Triêng, Xơ Đăng, lại có nguy cơ bỏ học! Cán bộ à, “đứt bữa” thì còn có thể chứ “đứt chữ” là tội cho các em lắm”, Y Mai Sao Pen tâm sự chuyện cũ.

Con gà rừng cất tiếng gáy te te te phía đầu núi. Cũng là lúc cắt băng khánh thành điểm trường Piêng Siêl trong lao xao tiếng hát trong trẻo của trẻ con rẻo cao. Vui trong bụng, già Y Nớt luôn mồm cảm ơn nhà tài trợ, rồi nhắc lại cái thời cùng dân quân huyện Đăk Glei đi làm dân công hỏa tuyến, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đó là chống đế quốc Mỹ. Ông nói riêng huyện mình có đến 2.873 người có công tham gia kháng chiến năm xưa chỉ để mong sao hôm nay, trẻ con được đến trường, người già được chăm lo bệnh tật. Thế nên, sau ngày đất nước thống nhất, đây đó vẫn còn nhiều thiếu thốn cơ sở vật chất, đặc biệt là trường lớp, những người như Y Nớt thấy “buồn cái bụng, nhòa cái mắt”. Nay có đường, có trường, con cháu của già sẽ thôi không còn “đứt chữ” nữa...

Dõi mắt về phía thung lũng Đăk Choong với những ngôi làng san sát yên bình và thơ mộng, với dòng sông Krông Pô Kô đang lững lờ, những người lớn trong làng đang “vui cái bụng” lại ngâm nga mấy câu thơ của Tố Hữu (tác phẩm Nước non ngàn dặm): “Trường Sơn, đông nắng tây mưa/Ai chưa đến đó như chưa rõ mình/…Tây Nguyên ơi! Bước truân chuyên/Tuổi trai ta đã từng quen chốn này.../Đường lên đỉnh núi Đak Lay/Heo heo gió lạnh sương dày vắng chim/Biết ai mà hỏi mà tìm/Con đường xưa của trái tim, đường này/Đường đi từ tuổi thơ ngây/Nửa vòng thế kỷ hôm nay đường về…”.

A Tiểng, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pek nói thêm trong niềm hân hoan: Dân số toàn xã có 2.306 hộ với 8.762 nhân khẩu. Trong đó hộ dân tộc có 1.844 hộ. Sáu tháng đầu năm, thu ngân sách toàn xã đạt 1,6 tỷ đồng thôi, xã mình còn nghèo lắm, còn khó khăn lắm nên việc được tài trợ cho giáo dục trẻ em là quý lắm, quý lắm mà. “Nếu chứng kiến niềm vui của thôn làng hôm nay, chắc Tố Hữu ưng cái bụng lắm! Cảm ơn cán bộ đã đưa chữ lên núi nhiều nhiều nhé!”, A Tiểng chia sẻ.

Chia tay “cán bộ” về xuôi, Đinh Văn Quý, Phó Chủ tịch HĐND huyện Đăk Glei vui vẻ: “Mẫu giáo Piêng Siêl là nơi học tập của trẻ từ hai đến năm tuổi xưa chỉ là một ngôi nhà tranh tre cũ, vào mùa mưa thường xuyên bị mưa hắt, toàn bộ mái và sàn tre đều sũng nước. Để giúp trẻ em vẫn được đến trường mỗi mùa mưa lũ, Công ty Canon Marketing Việt Nam hỗ trợ toàn bộ kinh phí vật liệu để xây dựng mới phòng học, khu vệ sinh và trao tặng thêm một số trang thiết bị học tập cho trường với tổng giá trị tài trợ là 300 triệu đồng. Về phía địa phương, Đảng ủy xã Đăk Pek vận động đoàn viên, thanh niên, nhân dân thôn Piêng Siêl đóng góp ngày công và một phần kinh phí xây dựng hạng mục tường rào, khuân vác gạch, sắt, xi-măng...

Khó ai tính được chính xác đã có bao nhiêu chuyến người làng gùi cõng vật liệu xây dựng vào tận công trình. Rồi lại lặn lội đào xúc cát, đá từ sông Krông Pô Kô cõng lên thi công cũng giúp giảm chi phí... Chỉ biết là con số đã lên đến hàng nghìn. Để rồi sau hơn ba tháng xây dựng, quyết tâm không để con cháu mình “đứt chữ” đã hiển hiện trong niềm vui của buôn làng hôm nay.