Sân khấu kịch xã hội hóa TP Hồ Chí Minh

Còn vượt khó được bao lâu?

Tối 28-9, sân khấu SuperBowl đã diễn suất cuối cùng, khép lại hành trình 14 năm gắn bó và vượt khó của bà bầu NSND Hồng Vân. Việc SuperBowl phải đóng cửa không phải là chuyện quá bất ngờ, với những ai từng theo dõi hoạt động của sân khấu này, nhưng sự kiện này như một hồi chuông gay gắt cảnh báo sự kiệt quệ của các sân khấu kịch xã hội hóa ở TP Hồ Chí Minh sau một thời gian dài nỗ lực bươn chải, loay hoay tự tìm cách cứu mình.

Cảnh trong vở Lạc dòng - vở diễn mới nhất của Sân khấu Hoàng Thái Thanh.
Cảnh trong vở Lạc dòng - vở diễn mới nhất của Sân khấu Hoàng Thái Thanh.

Thực trạng được báo trước

Thời hoàng kim, TP Hồ Chí Minh từng có hàng chục sân khấu (SK) kịch xã hội hóa (XHH): Sân khấu Trung tâm văn hóa quận Phú Nhuận, SuperBowl, Idecaf, Nhà hát kịch Sân khấu Nhỏ, Trần Cao Vân, Hoàng Thái Thanh, Hồng Hạc, Ðại Ðồng, Thế Giới Trẻ, Lê Hay, Sao Minh Béo, Nụ Cười Mới, Tâm Ngọc, Trịnh Kim Chi, Rubik…

Những người làm SK nhiều kinh nghiệm đều cho rằng SK luôn trải qua những chu kỳ hoàng kim và khó khăn nối tiếp. Nhưng trong chu kỳ khó khăn ở thời điểm 2016-2017, khó lại chồng lên khó do sự ra đời và tiến công ồ ạt của các gameshow truyền hình. Chỉ cần ngồi nhà, bật ti-vi, khán giả có thể xem hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng biểu diễn, có những gameshow quy tụ cùng lúc tất cả những tên tuổi nổi tiếng của cả sân khấu lẫn phim ảnh; sân khấu đẹp hơn, hoành tráng hơn và hoàn toàn miễn phí.

Ở một góc độ khác, những tiếng cười nhảm nhí vô bổ, những tình huống, lời thoại, hành động biểu diễn… phản cảm nhan nhản trên truyền hình khiến một bộ phận khán giả bội thực. Tai hại hơn, những trò vô bổ trên sóng truyền hình do chính những tên tuổi quen thuộc, thậm chí nổi tiếng của SK kịch thể hiện dễ làm không ít công chúng “đánh đồng” với đời sống của SK kịch và không còn hào hứng đến SK xem kịch. Khán giả SK, vốn đã bị chia nhỏ bởi nhiều loại hình nghệ thuật thời thượng, lại càng thêm èo uột.

Nghịch lý ở chỗ SK đang khủng hoảng, mất dần khán giả nhưng các SK mới lại vẫn cứ ra đời. Rubik, Sao Minh Béo, Thuần Việt, Trịnh Kim Chi, Minh Nhí, Quốc Thảo… xuất hiện đúng trong thời điểm này. Tuy nhiên, với những ai am hiểu và theo sát tình hình SK kịch XHH, sự ra đời của hàng loạt SK mới không phải là tín hiệu vui, trái lại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến SK kịch XHH càng xuống dốc nhanh hơn.

Hầu hết các SK kịch ra đời trong giai đoạn này chỉ nhắm đến hai mục đích: chiêu sinh, đào tạo kỹ thuật diễn xuất đáp ứng nhu cầu của một bộ phận giới trẻ muốn trang bị kỹ năng biểu diễn để có cơ hội tham gia các gameshow truyền hình; hoặc sử dụng những gương mặt đoạt giải ở gameshow, các cuộc thi diễn xuất, người mẫu… dựng vở để lôi kéo khán giả.

SK ra đời như nấm mọc sau mưa, trong khi đội ngũ biên kịch, đạo diễn, diễn viên chắc nghề lại chưa đủ đáp ứng nhu cầu thực tế. Các SK ào ào ra mắt vở mới, từng có lúc có hơn 20 vở diễn cùng đồng loạt ra mắt chỉ trong vòng một tháng, nhưng số vở để lại cảm xúc cho khán giả thì lại chưa đếm hết trên đầu một bàn tay. Còn lại nhạt nhòa, chủ yếu dùng chiêu trò hoặc một vài tên tuổi đang “hot” để câu khách, bất chấp những giá trị, chuẩn mực nghệ thuật tối thiểu của một tác phẩm sân khấu.

Có thời các SK thi nhau dựng kịch ma. Nhiều đến mức có hẳn bốn SK chỉ có kịch ma mà không có bất kỳ một thể loại nào khác. Những bóng trắng vật vờ, âm thanh hỗn loạn, tiếng la hét được mở với âm lượng hết cỡ không làm người ta sợ hãi bằng những câu chuyện về các vụ án mạng rùng rợn, những kẻ giết người hàng loạt … đầy khắp các vở diễn.

Khi kịch ma đã hết sức hút, SK lại xoay sang hài nhảm. Những tiếng cười dễ dãi, vô bổ, dung tục nhan nhản ở nhiều SK. Thậm chí để câu khách, có SK còn lấy cớ dựng vở giáo dục giới tính cho khán giả 16+ (?!) để bày biện những chiêu trò phản cảm khiến người xem phải đỏ mặt.

Tại anh, tại ả…

Trách các SK kịch XHH dễ dãi chạy theo thị hiếu, nhưng cũng cần nhìn nhận một cách công bằng: khi gánh nặng cơm áo gạo tiền quá lớn, để duy trì hoạt động của SK thời khó khăn, những người quản lý SK bị đặt trước những lựa chọn: Hoặc bù lỗ liên miên rồi đóng cửa SK; hoặc tạm thời chạy theo thị hiếu khán giả để “nuôi quân”, duy trì hoạt động. SK mỗi lúc một khó, sự dễ dãi cứ trượt dài, dù có lúc chính các nhà quản lý SK cũng phải tự trách mình như chia sẻ của NSND Hồng Vân: “Ðiều tôi hối hận nhất là đã “sản sinh” ra thể loại kịch ma”. Dù khi đó, Người vợ ma - vở kịch ma đầu tiên của SK Hồng Vân mang phong cách kịch kinh dị nhưng vẫn là vở diễn có nhiều sáng tạo, được đầu tư nghiêm túc từ khâu kịch bản, dàn dựng đến việc tập luyện của diễn viên.

Cũng không thể đổ lỗi hết cho cơ quan quản lý mà quên trách nhiệm của chính những người làm nghề. Ðã có lúc các SK gặp khó khi diễn viên bận đi đóng phim, lơ là việc tập luyện, thậm chí có trường hợp bỏ luôn cả suất diễn. Mọi việc càng trở nên tệ hại hơn khi diễn viên xem gameshow là nơi vừa để tiếp cận khán giả lẫn gia tăng thu nhập. Ðể bảo đảm SK luôn có vở mới, có những vở diễn thời gian tập luyện chỉ từ vài ba ngày đến một tuần. Diễn viên diễn vài suất, tiếng nhắc tuồng vẫn cứ rào rào trong cánh gà. “Diễn viên bận chạy show, chỉ về SK tập lúc nửa đêm. Tập ở thời điểm đó, lại sau một ngày mệt nhoài, diễn viên chỉ đứng cho có, còn đâu hồn vía để tập luyện và vun đắp cảm xúc, tâm lý cho nhân vật” - NSND Hồng Vân ngao ngán.

Không dừng lại ở đó, một số gương mặt đoạt giải ở các gameshow bỗng hóa thành “sao”. Từ tên tuổi vô danh ở SK, họ quay sang yêu sách, bắt SK phải chiều chuộng mình. Số khác tuy không đoạt giải nhưng lại bị những lời khen có cánh của giám khảo làm mờ mắt. Họ cứ nghĩ mình là tài năng, không còn chịu sự uốn nắn của đạo diễn khi tham gia những vở diễn được dàn dựng bài bản, nghiêm túc. SK cứ thế mà rệu rã dần. Ngày càng nhiều vở diễn kém chất lượng, có vở phải xếp lại chỉ sau mười suất diễn, thậm chí có vở chỉ được vài suất với lượng khán giả lèo tèo.

(Còn nữa)