Con số “0” và rào cản niềm tin

Giám định tác phẩm mỹ thuật - nhiếp ảnh tại Việt Nam được đánh giá đang là con số 0. Trong khi, đời sống và thị trường mỹ thuật, nhiếp ảnh đã phát triển với các hoạt động giao lưu, trao đổi, mua bán kinh doanh ngày càng rộng rãi. Cứ đi rồi sẽ thành đường. Lạc quan vậy nhưng các chuyên gia trong lĩnh vực này cũng không khỏi băn khoăn: con đường đó sẽ có những ai cần, và những ai bước đi trên đó?

Thành công của thị trường nghệ thuật phụ thuộc phần lớn vào niềm tin về tính xác thực của các tác phẩm nghệ thuật.
Thành công của thị trường nghệ thuật phụ thuộc phần lớn vào niềm tin về tính xác thực của các tác phẩm nghệ thuật.

Mớ bòng bong chưa gỡ được

Hơn bảy tháng kể từ khi thành lập, Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh (thuộc Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, MTNATL - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vẫn chưa giải quyết trọn vẹn vụ việc nào. Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng MTNATL bộc bạch, thật ra cũng đã có bảy vụ việc liên quan các tác phẩm hội họa được đưa đến trung tâm với mong muốn được các chuyên gia giám định và có văn bản xác nhận là tác phẩm gốc. Tuy nhiên, chỉ cần nhìn bằng mắt, chưa cần đến máy móc vào cuộc thì Chủ tịch Hội đồng đã xác định, đó đều là tranh giả. “Vậy là chẳng ai bỏ tiền ra để xin giám định khi đã biết mười mươi đó không phải là tranh nguyên gốc. Vụ nào cũng bể luôn từ đầu”, họa sĩ Vi Kiến Thành nói.

Mặc dù thực tế bộn bề nhiều bất cập, nhưng công tác giám định thật - giả các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh, bởi thế, đã không được lạc quan như kỳ vọng. Không quá khi chính người trong cuộc đã phải thốt lên: “Tất cả vẫn chỉ là con số 0 (!)”. Nhu cầu giám định tác phẩm của các nhà sưu tập, các bảo tàng, của người chơi tranh, mua tranh, ảnh, của người kinh doanh, mua bán tác phẩm mỹ thuật - nhiếp ảnh đang diễn ra hằng ngày. Tuy thế, môi trường hoạt động của công tác giám định hiện còn rất e dè, với một tâm lý nghi ngờ, không tin tưởng đội ngũ “trọng tài” chịu trách nhiệm cầm cân nảy mực.

Nhà sưu tập tranh Lê Hải Phong chia sẻ, với đội ngũ sưu tập, đấu giá tranh, việc giám định thật - giả tác phẩm sẽ giúp chính tác phẩm có giá trị hơn rất nhiều, bản thân nhà sưu tập cũng tự tin để giới thiệu tác phẩm, công việc mua bán nhờ thế cũng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nhà sưu tập này cũng thừa nhận, thị trường mỹ thuật Việt Nam hiện vẫn đang tồn tại như một... mớ bòng bong. Công tác giám định tác phẩm vẫn còn gặp vô số khó khăn.

Trong lĩnh vực nhiếp ảnh, nhà phê bình Nguyễn Thành nhận định, trung tâm giám định không có thì thiếu, có lại cảm thấy thừa: “Mỗi khi có chuyện “đạo”, “nhái” là xã hội lại nổi lên bàn cãi. Khi trung tâm giám định ra đời thì lại rất ít tổ chức, cá nhân nhờ tới. Trung tâm này vì thế cũng không hoàn toàn đáp ứng kỳ vọng việc giám định sẽ trở thành liều “thuốc đặc trị” với căn bệnh vi phạm bản quyền”.

Chuyên gia này cũng chỉ rõ, tại Việt Nam, giám định tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc, nhiếp ảnh đang gặp nhiều khó khăn, vì bên cạnh đội ngũ chuyên gia, thiết bị kỹ thuật, khoa học - công nghệ, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quản lý nhà nước, lý lịch tác phẩm, bản quyền tác giả... Trong khi đó, hiện tượng tranh chấp là việc khó giải quyết, nhiều vụ liên quan đến xâm phạm bản quyền trong mỹ thuật đi vào bế tắc. Chưa kể, với nhiếp ảnh, mọi thắc mắc xoay quanh giá trị tinh thần nhiều hơn là giá trị kinh tế. Ít ai bỏ ra cả chục triệu đồng để thẩm định bức ảnh chỉ với giá một triệu đồng.

“Có ba trở ngại lớn đang cản trở công tác giám định tác phẩm mỹ thuật - nhiếp ảnh tại Việt Nam là: thiếu các điều luật quy định về hoạt động giám định tác phẩm nghệ thuật; tâm lý nghi ngờ, không tin tưởng; các máy móc, trang thiết bị khoa học kỹ thuật chuyên dụng để thực hiện việc kiểm tra kỹ thuật đều phải nhờ hoàn toàn vào Viện Khoa học hình sự Bộ Công an. Ðây là ba trở ngại lớn không thể một sớm một chiều có thể khắc phục được...”, họa sĩ Vi Kiến Thành phân tích.

Cần xây dựng hồ sơ dữ liệu nghệ sĩ

PGS, TS Bùi Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khẳng định, thành công của thị trường nghệ thuật phụ thuộc phần lớn vào niềm tin về tính xác thực của các tác phẩm nghệ thuật. Thực tế có quá nhiều tranh giả, tranh nhái xuất hiện trong thời gian qua đã cho thấy một mảng tối của nền mỹ thuật Việt Nam. Việc phân biệt một tác phẩm nghệ thuật là đích thực hay giả mạo đòi hỏi kiến thức chuyên môn sâu sắc về lịch sử nghệ thuật và công việc của từng nghệ sĩ. Chính vì thế, nếu không thực hiện các bước cần thiết để xây dựng hồ sơ nghệ sĩ, trong đó xác định xuất xứ, nguồn gốc tác phẩm nghệ thuật thì sẽ không thể tránh được việc tranh, tượng giả lưu hành trên thị trường, đồng thời không bảo vệ được giá trị các tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ.

Trong một thời gian dài, các nghệ sĩ Việt Nam thường ít quan tâm đến cách làm thế nào để giúp bảo đảm giá trị các tác phẩm nghệ thuật của mình. Cũng có nghĩa, tài liệu về nguồn gốc tác phẩm có vai trò rất quan trọng trong việc thiết lập tính xác thực, là bước đầu tiên phải tiến hành trong công việc giám định tác phẩm mỹ thuật.

Còn quá nhiều băn khoăn về hoạt động giám định tại Việt Nam, nhưng nếu ngại khó mà không đi thì chẳng thể thành đường. Song, để con đường đó bằng phẳng và thuận tiện, rất cần sự chú tâm hoàn thiện phương thức lưu thông cũng như hành lang pháp lý phù hợp, hiệu quả.