Cái “bắt tay” ý nghĩa

Có lẽ sau cuộc trưng bày giải Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc lần thứ tư (tháng 11-2017, với 95 tác phẩm tạo hình của 80 tác giả) mới lại có triển lãm nhiều tác giả, thu hút đông đảo người xem như thế ở Trung tâm nghệ thuật đương đại VCCA của Vingroup. “Lụa to - Ðiêu khắc nhỏ” là cuộc “bắt tay” lần thứ hai giữa Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) với Trung tâm.

Rừng Thiêng (Lương Ðức Hùng).
Rừng Thiêng (Lương Ðức Hùng).

202 tác phẩm của 45 tác giả, trong đó có 110 tác phẩm tranh lụa của 24 họa sĩ, 93 tác phẩm điêu khắc của 20 nhà điêu khắc được trưng bày trong triển lãm. Việc huy động tác giả được điều phối bằng từng curator (người tổ chức tác phẩm) cho mỗi ngạch điêu khắc và tranh lụa, mà không phải thông qua cả một hội đồng “giám khảo - kiểm duyệt” như thường thức trước đây. Cả hai curator này đều tuổi 7x, là nhà điêu khắc Khổng Ðỗ Tuyền và họa sĩ chuyên vẽ lụa Vũ Ðình Tuấn (đều cùng đang là giảng viên của Trường Mỹ thuật Việt Nam). Việc chọn lọc tác giả, tác phẩm cũng được yêu cầu là chỉ giới hạn ở những tác giả thuộc thế hệ 7x, 8x. Tức là thế hệ tác giả trung niên và trẻ trong sáng tác hiện nay.

Ðiều thú vị mà ít người biết là khu triển lãm trước khi chuyển sang làm “trung tâm mỹ thuật đương đại” tư nhân này lại vốn là có ý định kiến trúc thành khu bể bơi ngầm. Nên phòng chính rộng nhất ở giữa có diện tích mái bán cầu bằng kính hút ánh sáng thật từ trên xuống. Các tác phẩm điêu khắc có thể phóng to, nhưng lại được thu nhỏ… nhảy vào “bể bơi” này với nguồn sáng rót từ trên cao xuống, nên khá hợp với việc điêu khắc được “thư giãn” trong kiến trúc hầm ngầm, mặc dù chung quanh hoàn toàn là các góc siêu thị.

Còn số tranh lụa cũng được các tác giả “phình” to khổ tranh, bởi tác phẩm lụa nếu treo trong không gian tường rộng mà quá nhỏ thì sẽ mất hình bóng. Bởi curator mảng tranh lụa này đang là giảng viên mỹ thuật. Nên đa số tác giả được mời đầu tiên cũng là các giảng viên khác thích vẽ lụa với tác phẩm là các bài vẽ phong cảnh, tĩnh vật hoa quả khá căn bản khổ lớn. Lượt tác giả thứ hai vẽ tranh lụa được mời đa số là nữ và một số họa sĩ ở phía nam. Cũng bởi nghệ thuật vẽ tranh lụa khá cầu kỳ, điểm nét chi tiết rồi tô mầu để “nhuộm lụa”, nên trong nghệ thuật tạo hình, tranh lụa khá nghiêng về việc toát ra chất “nữ tính”. Tại cuộc chuyện trò ở buổi khai mạc, các nhà bình luận mỹ thuật có mặt cùng tán đồng ý kiến trước một một nhận xét bên ngoài về việc triển lãm lần này, so sánh một cách tạo hình ở cuộc “lụa to - điêu khắc nhỏ” lần này là giống như một cuộc “đại hội của nam thanh nữ tú” dưới “bể bơi vô hình” để trang điểm cho kiến trúc chung cư đời mới đang được xây dựng dồn dập ở quá nhiều nơi trong địa bàn thành phố.

Trên thực tế thì số tác phẩm điêu khắc và tranh lụa lần này, sau khi triển lãm ở một không gian rộng và ánh sáng tốt cuối năm, thì còn khá hợp tình và hợp lý đối với các nhà sưu tập tư nhân, hoặc bất cứ gia đình nào đang ở các khu chung cư mới đang cần tranh, tượng để trang hoàng nhà cửa cho một năm mới. Bởi treo tranh lụa mềm mại, hoặc một vài bức tượng nhỏ đặt ở phòng khách đều khá hợp với “phòng đóng hộp” ở bất kỳ khu chung cư nào. Hy vọng, việc “bắt tay” giữa Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm với VCCA sẽ nhân thêm số lượng liên tục ở thời gian tới, kéo dài điều hay để “gói ghém điểm trang” cho kiến trúc “tầng-hộp” đang cao thấp mọc lên ở các đô thị…