Biện pháp mạnh cho quản lý lễ hội

Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành đã đưa ra nhiều điều khoản nhằm siết chặt và nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực này. Theo đó, sẽ có các quy định pháp lý mang tính răn đe như tạm ngừng tổ chức nếu các lễ hội sai lệch nội dung, giá trị truyền thống; tổ chức lễ hội gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội…

Những lễ hội có dấu hiệu bị thương mại hóa, hoặc biến tướng so với truyền thống có thể sẽ bị tạm dừng tổ chức.
Những lễ hội có dấu hiệu bị thương mại hóa, hoặc biến tướng so với truyền thống có thể sẽ bị tạm dừng tổ chức.

Đẩy lùi biến tướng

Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Ninh Thị Thu Hương nhấn mạnh, trước khi Nghị định được ban hành, trên thực tế, công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở nhiều địa phương vẫn chưa được chính quyền các cấp quan tâm triệt để, đôi lúc vẫn bị “phó mặc” là trách nhiệm của Bộ VHTTDL. Tuy nhiên khi Nghị định ra đời sẽ rất rõ ràng việc phân cấp, phân trách nhiệm quản lý lễ hội đối với các địa phương, đặc biệt đối với những lễ hội truyền thống, tùy theo quy mô và tính chất ở từng lễ hội…

Đây là Nghị định đầu tiên thiết lập một hành lang pháp lý có tính hệ thống để đưa hoạt động lễ hội với muôn hình vạn trạng đi vào nền nếp. Đặc biệt, nhằm khắc phục những biến tướng, thương mại hóa lễ hội, Nghị định nhấn mạnh: không lợi dụng việc tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm; không ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội. Hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực trong tổ chức lễ hội; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Nhiều biến tướng khác trong đời sống lễ hội đã từng khiến dư luận bức xúc như các nghi thức hủ tục, chém giết, bạo lực, phản cảm; các lễ hội đông người, có hiện tượng xô đẩy, tranh cướp lộc… theo quy định tại Nghị định sẽ được điều chỉnh bằng những điều khoản rõ ràng. Đơn cử như quy định “Tạm ngừng tổ chức lễ hội”, được các nhà soạn thảo kỳ vọng sẽ là biện pháp mạnh để ngăn chặn, đẩy lùi biến tướng, lộn xộn tại các lễ hội, đặc biệt là một số lễ hội “điểm nóng”. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký hoặc thông báo được quyền yêu cầu bằng văn bản tạm ngừng tổ chức lễ hội trong các trường hợp: tổ chức lễ hội sai lệch nội dung, giá trị của lễ hội; tổ chức lễ hội gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội; vi phạm các quy định về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường gây hậu quả nghiêm trọng, gây cháy nổ, làm chết người; xảy ra thiên tai, dịch bệnh có ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội ở địa phương; có hoạt động phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt về giá trị di sản, truyền thống của lễ hội, gây hoang mang trong nhân dân.

Phân cấp, tăng cường trách nhiệm

Như vậy, với lễ hội từng khiến báo chí tốn nhiều giấy mực như cướp phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ), sau mùa lễ hội 2018, trước thực trạng tái diễn nhiều hình ảnh tranh cướp, bạo lực nguy hiểm, Bộ VHTTDL đã có công văn yêu cầu địa phương cần chuẩn bị phương án bảo đảm an ninh, an toàn cho mùa lễ hội tới, nếu không bảo đảm sẽ ngừng tổ chức. Cùng với quy định “tạm ngừng tổ chức” tại Nghị định, những lễ hội có sức thu hút như Hiền Quan càng cần có những kế hoạch bài bản, thận trọng hơn trong công tác tổ chức ở những mùa tới đây.

Với mục tiêu cao nhất là duy trì, bảo vệ các giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân, Nghị định cũng quy định chặt chẽ các nội dung về đăng ký, thông báo tổ chức lễ hội. Theo đó, lễ hội cấp quốc gia, lễ hội cấp khu vực được tổ chức lần đầu; lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài được tổ chức lần đầu hoặc khôi phục sau thời gian gián đoạn từ hai năm trở lên phải đăng ký với Bộ VHTTDL trước khi tổ chức. Bên cạnh đó, quy định về các lễ hội phải đăng ký với UBND cấp tỉnh, cấp huyện trước khi tổ chức.

Lần đầu tiên, người tham gia lễ hội được quy định rõ quyền và trách nhiệm tại Nghị định này. Theo đó, người tham gia lễ hội phải chấp hành nghiêm pháp luật; nội quy thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; ứng xử có văn hóa trong hoạt động lễ hội; trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục; không nói tục, chửi thề xúc phạm tâm linh; thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định; không chen lấn, xô đẩy gây mất trật tự an ninh; giữ gìn vệ sinh môi trường; không thực hiện việc đổi tiền hưởng chênh lệch giá trong khu vực di tích, lễ hội; không tổ chức hoặc tham gia các hoạt động mê tín, dị đoan, cờ bạc… Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngoài những quy định trên còn phải chấp hành các quy định: không đi lễ hội trong giờ hành chính; không dùng xe công và các phương tiện công tham gia lễ hội.

Với hệ thống nội dung quy định rõ việc phân cấp, tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương và đơn vị tổ chức lễ hội, Nghị định đã tạo một hệ thống hành lang pháp lý toàn diện để hỗ trợ các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương các cấp, các BTC trong công tác quản lý lễ hội.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi của Nghị định thì trước hết, cần sự vào cuộc quyết liệt từ nhiều phía, đặc biệt của chính quyền địa phương các cấp.