Xâm phạm bản quyền mỹ thuật

Bất bình nhưng lúng túng

Liên tiếp những vụ việc xâm phạm bản quyền mỹ thuật bị chính giới nghề phát giác đã khiến các họa sĩ, luật sư và nhà báo bức xúc, phải chung tay lập nhóm “Phản đối xâm phạm bản quyền tác phẩm hội họa” nhằm mục đích bảo vệ bản quyền tác phẩm cho các họa sĩ. Tuy nhiên, chính sự thiếu hiểu biết các quy định của pháp luật khiến chưa có vụ việc nào được giải quyết thấu đáo.

1. Mẫu áo dài sử dụng hình ảnh bức tranh Đóa hoa vô thường của họa sĩ Nguyễn Thu Huyền.
1. Mẫu áo dài sử dụng hình ảnh bức tranh Đóa hoa vô thường của họa sĩ Nguyễn Thu Huyền.

Chỉ có… lời xin lỗi

Tranh của các họa sĩ Bùi Trọng Dư, Lâm Đức Mạnh, Ngụy Đình Hà, Nguyễn Thu Huyền, Nguyễn Đăng Sơn, Phan Linh Bảo Hạnh… liên tiếp được phát giác đã bị nhiều công ty áo dài sử dụng, cắt ghép trái phép để đưa lên hàng trăm mẫu thiết kế chào bán rộng rãi trên mạng xã hội. Vì tính chất trắng trợn của các vụ việc xâm phạm bản quyền này, các họa sĩ đã nhờ luật sư xử lý. Họa sĩ Bùi Trọng Dư, vừa bất bình khi những “đứa con tinh thần” của mình bị ngang nhiên đánh cắp, vừa mong muốn các họa sĩ đồng cảnh ngộ cùng vào cuộc đấu tranh, đã đứng lên thành lập nhóm “Phản đối xâm phạm bản quyền tác phẩm hội họa”. Dù mới ra đời trong một thời gian ngắn nhưng hiệu quả khá tích cực khi nhóm nhận được nhiều thông tin về tình trạng xâm phạm bản quyền mỹ thuật.

Đáng chú ý, khi vụ việc đạo tranh in áo dài còn chưa kịp lắng xuống, thì họa sĩ Hà Hùng Dũng lại bất ngờ phát hiện hàng chục bức tranh của anh bị một đơn vị tại Hà Nội sao chép thành tranh tường và tranh treo trang trí cho Pao’s Sapa, một khách sạn năm sao ở Sa Pa, Lào Cai. Rất nhiều tác phẩm hội họa như vậy của các họa sĩ khác cũng đã bị các nhà hàng, quán cà-phê, khách sạn… tự ý chép thành tranh tường trang trí hoặc chào bán công khai trên mạng, bất chấp quy định về sở hữu trí tuệ.

Điều đáng nói là, trong tất cả những câu chuyện xâm phạm bản quyền này, thái độ của người xâm phạm lại chủ yếu là chối tội, quanh co bao biện, thậm chí họ còn cho rằng việc “vẽ lại” tranh không phải là cố ý đánh cắp bản quyền. Mặc dù sau khi vụ việc bị phanh phui, chủ khách sạn Pao’s Sapa đã chính thức xin lỗi họa sĩ Hà Hùng Dũng và gửi tới họa sĩ chứng cứ phá hủy các bức tranh có sai phạm, thế nhưng, vấn đề cốt lõi ở đây là ý thức tôn trọng bản quyền vẫn bị xem nhẹ. Hồn nhiên sao chép, đạo nhái tranh như chỗ không người, cách làm ăn chộp giật tương tự vụ việc này, đáng buồn, trên thực tế không hiếm.

Một câu hỏi được đặt ra: sau khi hủy các bức tranh tường vi phạm bản quyền thì những thiệt hại về vật chất cũng như tinh thần cho họa sĩ liệu có được đền bù? Câu trả lời là: chưa. Vì thế, giới nghề bức xúc đề nghị họa sĩ Hà Hùng Dũng tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ để bảo vệ quyền lợi cho mình, cũng như tạo tiền lệ pháp lý cho mỹ thuật Việt. Bản thân họa sĩ cũng không đồng tình với việc chỉ xin lỗi là xong. Anh cho biết, bản thân anh vốn ngại kiện tụng. Tuy nhiên, vụ việc lần này khiến anh rất bức xúc về việc bị đánh cắp sở hữu trí tuệ một cách ngang nhiên, nên đã nhờ luật sư tư vấn về cách thức xử lý vụ việc, nếu các bên liên quan không chịu giải quyết, có khả năng anh sẽ kiện ra tòa.

Tương tự, các họa sĩ Bùi Tiến Tuấn, Đặng Tiến, Lâm Đức Mạnh… cũng là “nạn nhân” của tình trạng xâm phạm bản quyền. Tuy nhiên, hầu như các họa sĩ đều ngại va chạm nên mặc dù vụ việc phát hiện không ít, vẫn chưa có vụ nào được xử lý đến nơi đến chốn. Ngay cả “thủ lĩnh” của đợt đấu tranh lần này là họa sĩ Bùi Trọng Dư, người bị sao chép khá nhiều tác phẩm cũng chia sẻ tinh thần đề cao thái độ hợp tác và hối lỗi của các đối tượng xâm phạm bản quyền tác phẩm.

Trong giới nghề mỹ thuật, nhiều ý kiến cho rằng, việc gửi thư xin lỗi thôi là không đủ. Theo họa sĩ Vi Kiến Thành (Cục trưởng Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm), câu chuyện bản quyền mỹ thuật nếu muốn rạch ròi thì phải có giải pháp xử lý kiên quyết hơn.

Bất bình nhưng lúng túng ảnh 1

2. Tác phẩm Đóa hoa vô thường của họa sĩ Nguyễn Thu Huyền.

Chuyện chưa có hồi kết

Trước tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan như hiện nay, nhiều người đặt vấn đề phải xử phạt thật nặng để tạo tiền lệ đủ sức răn đe. Khi mạng xã hội lên ngôi, các họa sĩ có thêm những cơ hội quảng bá, giới thiệu tác phẩm, nhưng cũng phải đối diện nguy cơ trở thành nạn nhân của việc xâm phạm bản quyền. Quan điểm bất bình, nhưng lúng túng trong cách xử lý như họa sĩ Hà Hùng Dũng, hay ghi nhận thiện chí và bỏ qua như các họa sĩ Đặng Tiến, Bùi Trọng Dư... trong giới mỹ thuật không ít. Nhiều luật sư cho rằng, hầu hết các vụ xâm phạm bản quyền tranh khi bị phát hiện đều nhanh chóng “chìm xuồng” do các tác giả chưa làm đúng trình tự pháp luật và thiếu quyết tâm đi đến tận cùng sự việc.

Tư vấn cho nhiều họa sĩ, luật sư Trần Thị Tám (Công ty IPCom Việt Nam) nhấn mạnh, khi phát hiện ra tranh bị “đạo” in lên vải, vẽ lên tường thì bước đầu tiên cần làm là thu thập chứng cứ xâm phạm. Nhưng trên thực tế, hầu hết các họa sĩ đều bỏ qua bước này và chỉ chụp lại ảnh để làm bằng chứng. Nếu khởi kiện ra tòa dân sự, những bức ảnh chụp này hầu hết không có giá trị. Cho nên, phần lớn các vụ vi phạm bản quyền trong lĩnh vực mỹ thuật nói riêng và nghệ thuật nói chung đều chỉ được giải quyết bằng mức phạt hành chính nhẹ nhàng, hoặc một câu xin lỗi cho xong. Nhiều nghệ sĩ đã phải “ngậm đắng nuốt cay” vì chẳng thể làm gì được.

Luật sư Trần Thị Tám cho rằng, việc thu thập chứng cứ và lập vi bằng là cực kỳ quan trọng. Đặt vào trường hợp của họa sĩ Hà Hùng Dũng, khi phát hiện bị vi phạm tác quyền đồng loạt ở nhiều tác phẩm, nếu bước đầu tiên được tuân thủ thì ngay cả khi khách sạn Pao’Sapa đã niêm phong các bức tranh tường và xóa sạch các bức tranh chép, họa sĩ vẫn hoàn toàn có quyền yêu cầu bồi thường.

Ở một góc độ khác, trong khi nhiều họa sĩ, đơn vị và cá nhân có nhu cầu sở hữu các tác phẩm mỹ thuật còn đang loanh quanh, lúng túng vì vấn đề bản quyền mỹ thuật, thì Trung tâm Giám định và triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh, vốn đã được ra mắt cuối năm 2018 với những tên tuổi chuyên gia đầu ngành, cho đến nay vẫn chưa nhận được bất cứ đơn đặt hàng giám định tác phẩm hội họa nào. Đây cũng là câu chuyện đáng suy ngẫm, cho thấy, để thay đổi nhận thức về vấn đề bản quyền nói chung và bản quyền hội họa, nhiếp ảnh nói riêng vẫn là một câu chuyện dài chưa kết thúc.

Bất bình nhưng lúng túng ảnh 2

3. Một số mẫu áo dài đạo tranh của các họa sĩ.