Bao giờ kỳ vọng biến thành hiện thực?

Nhiều thành phố lớn trên thế giới tận dụng những dòng sông chảy qua để biến thành trục cảnh quan đô thị. Hà Nội có sông Hồng. Trong quá khứ, Thăng Long - Kẻ Chợ từng là thương cảng sầm uất.

Cải tạo không gian hai bên bờ sông Hồng trở thành yêu cầu bắt buộc từ cuộc sống.
Cải tạo không gian hai bên bờ sông Hồng trở thành yêu cầu bắt buộc từ cuộc sống.

Nhưng bước vào thời kỳ hiện đại, khu vực ngoài đê sông Hồng lại trở thành "góc khuất" đô thị khi diễn ra tình trạng "nhảy dù", lấn chiếm đất công, vi phạm quy định về thoát lũ, xây dựng trái phép…; đồng thời là những điểm nóng về trật tự xã hội. Hà Nội đã nhiều lần khởi động các đề án xây dựng thành phố bên sông, nhưng nhiều vướng mắc khách quan đang khiến cho ước mơ biến dòng sông Hồng trở thành trục trung tâm của Thủ đô chưa biết đến bao giờ mới thành hiện thực.

Nhu cầu từ cuộc sống

Từ trên cầu Long Biên, Chương Dương hay Vĩnh Tuy nhìn xuống những khu dân cư ven đê, hầu như khu vực nào cũng hiện lên một bộ mặt nham nhở. Khu vực các phường: Phúc Xá (quận Ba Ðình); Phúc Tân, Chương Dương (quận Hoàn Kiếm); Bạch Ðằng, Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng)… là những địa bàn mật độ dân số đông. Có những đoạn người dân xây nhà sát ra sông. Phần lớn là xây dựng không phép nên các ngôi nhà mọc lên chắp vá, lộn xộn và nhếch nhác. Sự buông lỏng quản lý là một trong những nguyên nhân hình thành nên diện mạo những khu dân cư này. Không ngạc nhiên khi những con ngõ ở đây chật hẹp, tối tăm và ẩm ướt. Một số khu vực thường xuyên bị biến thành nơi tập kết rác thải. Ngoài những vấn đề nan giải về xây dựng, quản lý đô thị, ô nhiễm môi trường, thành phần dân cư khu vực ngoài đê khá phức tạp. Do đó, khu vực ngoài đê luôn là địa bàn "nóng" về các vấn đề tệ nạn xã hội. Khu vực ngoài đê các quận, huyện khác như: Phúc Thọ, Ðan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ðông Anh, Long Biên, Gia Lâm… tuy không gặp vấn đề phức tạp về cư dân, nhưng cũng là địa bàn diễn ra nhiều hoạt động vi phạm các quy định pháp luật về quản lý đê điều.

Theo thống kê của UBND thành phố Hà Nội, hiện toàn thành phố có khoảng 900.000 cư dân sống ở khu vực ngoài đê. Ðông nhất chính là khu vực ngoài đê thuộc nội thành Hà Nội. Hà Nội đang xây dựng một đô thị: Xanh - văn minh - văn hiến - hiện đại. Tuy nhiên, giữa lòng thành phố lại có những "vùng trũng" cả về quản lý đô thị lẫn trật tự xã hội. Ðiều này dẫn tới một bộ phận không nhỏ người dân đang không được hưởng những thành quả của sự phát triển ấy - những cư dân "xóm ngoại đê". Cải tạo không gian hai bên bờ sông Hồng trở thành yêu cầu bắt buộc từ cuộc sống, để hoàn chỉnh diện mạo đô thị cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của hàng trăm nghìn cư dân.

Gỡ "điểm nghẽn" thoát lũ

Hà Nội vốn là một "thành phố sông hồ", với nhiều con sông lớn nhỏ. Quan trọng nhất là sông Nhĩ Hà (xưa) hay sông Hồng theo cách gọi ngày nay. Sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội dài tới 120 km, bắt đầu từ xã Tân Phong (huyện Ba Vì) và kết thúc tại địa bàn Quang Lãng (huyện Phú Xuyên). Nhiều hồ lớn như hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm… cũng vốn được sinh ra từ sông. Trong lịch sử nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, từ xa xưa, các triều đình đã tận dụng lợi thế của một thành phố ven sông để phát triển. Thương cảng Thăng Long - Kẻ Chợ phát triển mạnh mẽ vào khoảng thế kỷ 17. Ðây là thời kỳ nhiều thương nhân đặt chân đến Thăng Long buôn bán và để lại nhiều ghi chép của họ về thương cảng Thăng Long.

Bước vào thời kỳ hiện đại, thành phố đã có sự quan tâm nhất định đối với khai thác, phát triển khu vực ven sông. Nhưng thực tế, Hà Nội "quay lưng" lại với sông Hồng. Vùng đất ven sông Hồng lại là nơi tập trung nhiều thứ "xấu xí" của Hà Nội. Mãi những năm gần đây, việc cải tạo khu vực ngoài đê mới được nhắc đến. Năm 1994, các nhà đầu tư Xin-ga-po đề xuất cải tạo khu vực bãi An Dương bằng phương án xây dựng tại một khu dân cư hiện đại với các cao ốc là một quần thể gồm nhà ở, văn phòng thương mại, khách sạn, khu vui chơi và sinh hoạt cộng đồng nhằm giúp Hà Nội có một tiểu khu như ở đảo quốc Sư tử. Dự án mang một cái tên rất "kêu" là "Trấn sông Hồng". Nhưng dự án này mau chóng tắt lịm.

Ðến năm 2006, lần đầu tiên, hình dung về thành phố ven sông Hồng được phác họa rõ ràng đến thế khi lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội và lãnh đạo thành phố Xơ-un (Hàn Quốc) ký thỏa thuận hợp tác quy hoạch, cải tạo và phát triển hai bên bờ sông Hồng, đoạn chảy qua Hà Nội. Từ nền tảng này, hai bên đã xây dựng Ðồ án quy hoạch thành phố hai bên sông Hồng và giới thiệu đến công chúng năm 2007. Ðồ án đề ra các phương án trị thủy, xây dựng các trục giao thông lớn dọc bờ sông, cải tạo vận tải thủy... Không còn những tòa nhà lụp xụp nữa, thay vào đó, khu vực ven sông ở nội đô sẽ mọc lên các tòa nhà chung cư cao từ 30 - 40 tầng, khách sạn 5 sao, khu phức hợp quốc tế công nghệ, tài chính, chứng khoán… Thành phố bên sông Hồng sẽ là một đô thị hiện đại.

Một thời gian sau, đồ án này lại chìm vào quên lãng.

Từ đó đến nay, Hà Nội đã vài lần "tái khởi động" việc quy hoạch, xây dựng thành phố bên sông. Tuy nhiên, sông Hồng vốn là một con sông hung dữ. Vấn đề cốt lõi khi xây dựng thành phố ven sông là phải tháo "điểm nghẽn" quy hoạch trị thủy. Ngày 18-2-2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Căn cứ quy định tại Quy hoạch, TP Hà Nội đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) lập Quy hoạch phòng chống lũ và đê điều trên địa bàn Thành phố. Theo phương án này, Hà Nội sẽ quy hoạch đê kết hợp với đường ở cả hai bên bờ sông, bảo đảm cao độ và tần suất thoát lũ. Mô hình này được tham khảo từ một số thành phố trên thế giới. Tuy nhiên, sau đó, Luật Quy hoạch có những thay đổi về trách nhiệm tổ chức lập và thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch nên Quy hoạch phòng chống lũ và đê điều của Hà Nội chưa được thông qua.

Tại buổi làm việc giữa Bí thư Thành ủy Hà Nội với Ban Cán sự Ðảng Bộ NN&PTNN, Bộ trưởng NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, vấn đề quy hoạch lũ hiện nay gặp thách thức lớn do biến đổi khí hậu và hiện tượng thời tiết cực đoan. Ðể tháo "điểm nghẽn", Bộ NN&PTNN sẽ phối hợp tích cực với TP Hà Nội. Quy hoạch và xây dựng phải bảo đảm hai yếu tố: Cốt đê phải cao 13,4 m để bảo vệ an toàn gần như tuyệt đối cho toàn bộ diện tích lõi nội đô và bảo đảm mức thoát lũ ở tiết diện trung bình của sông Hồng đoạn Hà Nội là 20.000m3/s.

Diện mạo nào cho thành phố ven sông?

Thủ đô Pa-ri của nước Pháp có sông Xen, Xơ-un (Hàn Quốc) có sông Hàn, Thượng Hải (Trung Quốc) có sông Hoàng Phố… Rất nhiều thành phố đã thành công trong việc biến dòng sông thành những trục cảnh quan ấn tượng. Ngay ở Việt Nam, Ðà Nẵng cũng nổi danh với quy hoạch, xây dựng đô thị bên sông Hàn. Ðã có nhiều bài học cho Hà Nội. Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 cũng đặt ra mục tiêu biến sông Hồng thành trục cảnh quan. Hà Nội vừa có thể đúc rút kinh nghiệm trong nước, quốc tế; vừa có đầy đủ cơ sở pháp lý để phát triển đô thị ven sông.

Nhìn lại các phương án quy hoạch phát triển đô thị ven sông Hồng đã từng xuất hiện, hình hài rõ nét nhất của "thành phố ven sông" thể hiện qua Ðồ án quy hoạch thành phố hai bên sông Hồng do phía Hàn Quốc thực hiện cách đây 13 năm. Song, ngay từ khi ra đời, Ðồ án đó đã nhận được những phản ứng trái chiều. Cải tạo là cần thiết. Tuy nhiên, một "rừng" cao ốc mọc lên ngay khu vực trung tâm của thành phố, chỉ cách khu phố cổ một đoạn ngắn khiến nhiều người băn khoăn. Nhất là trong bối cảnh hạ tầng Hà Nội vốn đã quá tải. Việc bản đồ án đó quá chú trọng yếu tố quỹ đất khiến dư luận không mấy nuối tiếc khi nó không được triển khai.

Ðó cũng là bài học đối với các đồ án xây dựng thành phố bên sông trong tương lai. Nghĩa là, phải hài hòa giải quyết vấn đề thoát lũ, giải quyết các vấn đề bức bối đang đặt ra đối với cuộc sống cư dân vùng ngoài đê, song song với giải quyết lợi ích kinh tế của các nhà đầu tư thu được từ khai thác quỹ đất ven sông. Kiến trúc sư Trần Huy Ánh đề xuất rằng, bên cạnh việc thoát lũ, an ninh nguồn nước… cần được quan tâm, khi xây dựng đô thị bên sông, Hà Nội nên tập trung trọng điểm, chọn một đoạn ngắn (1 - 2 km) qua các quận trung tâm để thực nghiệm trước khi triển khai diện rộng. Cải tạo là việc không thể đừng. Nhưng phải làm từng bước thận trọng.

GIANG NAM